Khám phá

Lễ hội Halloween là ngày nào, nguồn gốc, ý nghĩa của Halloween?

26/10/2020, 16:26

Lễ hội Halloween năm 2020 là ngày nào, nguồn gốc ý nghĩa ngày Halloween không phải ai cũng biết. Cùng tìm hiểu ngày đặc biệt 31/10 này nhé!

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ Halloween
Nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ Halloween

Lễ hội Halloween hay lễ hội hóa trang diễn ra vào ngày 31/10 hàng năm. Đối với nhiều nước trên thế giới, Halloween rất được ưa chuộng với nhiều ý nghĩa về giáo dục, nhân văn phía sau những hình ảnh hóa trang ma quỷ. Xu hướng ngày lễ Halloween đến với Việt Nam cũng từ lâu và được giới trẻ rất ưa thích. Cùng khám phá tất tần tật trong bài viết này nhé!

Tại sao Halloween diễn ra vào ngày 31/10?

Lễ hội Halloween bắt nguồn từ ngày lễ “The Celtic Festival of Samhain” của dân tộc Celts sống cách đây khoảng 2.000 năm ở phần đất nay thuộc lãnh thổ nước Anh và phía Bắc nước Pháp.

Vào đêm ngày 31/10, buổi lễ “The Celtic Festival of Samhain” được người Celts tổ chức để tưởng nhớ và vinh danh Thánh Samhain, vị chúa tể cai quản những linh hồn người chết. Họ tin rằng Thánh Samhain cho phép các linh hồn được trở về dương thế thăm gia đình và ăn tết vào đêm 31/10 này.

Cuối tháng 10 cũng là dịp để người Celts dâng cúng lễ vật cảm ơn những gì thiên nhiên đã ban tặng cho họ, cầu xin cho một năm mới thịnh vượng và mùa màng bội thu. Vào lễ vinh danh Thánh Samhain, người Celts thường đốt những đống lửa lớn trên đồi để tỏ lòng tôn kính tới các vị thần và xua đuổi tà ma.

Trong ngày Halloween bí ngô được sử dụng nhiều để trang trí

Sau đó, mỗi người sẽ lấy một hòn than hồng từ đống lửa đó, đặt trong củ cải hoặc những quả bầu, quả bí và mang về nhà. Để không bị những linh hồn lang thang quấy phá, họ hoá trang và khắc những khuôn mặt kinh dị lên những quả bầu, quả bí đó. Tục lệ này còn lưu truyền đến ngày nay vào ngày lễ Halloween.

Năm 43 (sau Công nguyên), dân tộc Celts bị người La Mã chinh phục và cai trị trong khoảng 400 năm. Trong suốt thời kỳ này, ngày hội Mùa Thu của người La Mã được tổ chức liền với ngày hội kỷ niệm Thánh Samhain của dân tộc Celts. Một trong hai ngày này có tên là Feralia để vinh danh người quá cố.

Ngày hội thứ hai dùng để vinh danh Thần Pomona, tức là Nữ Thần Hoa Quả và Cây Cối. Có thể đây là nguyên nhân của tục lệ đoán vận mệnh tương lai được sử dụng trong trò chơi thi cắn quả táo treo ở đầu một sợi dây vào ngày lễ Halloween.

Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, đạo Thiên chúa được phổ biến mạnh ở Châu Âu, số các vị thánh nhiều đến nỗi số ngày trong năm không đủ để làm lễ tôn kính cho từng vị. Vì vậy, Nhà thờ Thiên Chúa Giáo đã lập ra Ngày Các Chư Thánh (All Saints’Day) để để vinh danh các Thánh của đạo Thiên Chúa, đặc biệt đối với những Chư Thánh không có ngày dành riêng để kỷ niệm.

Vào thời gian đầu, ngày này được tổ chức vào 13/5 hàng năm, sau đó đã được chuyển vào ngày 1-11, trước Ngày lễ các linh hồn (All Soul’s Day vào ngày 2/11).

Halloween có tên gốc là All Hallows’Eve, có nghĩa là đêm trước Ngày Các Chư Thánh. “Hallow” là một từ tiếng Anh cổ có nghĩa là “thánh” và cuối cùng đổi là Halloween như chúng ta biết ngày nay.

Như vậy, lễ hội Halloween là kết quả của nhiều sự biến đổi trong hàng thế kỷ. Giờ đây, các ngày lễ trong lễ hội Halloween không còn mang ý nghĩa tôn giáo mà mọi người đều coi đó là một lễ hội vui chơi với những quả táo, mèo đen với những hình hóa trang “con ma”, “bộ xương”… của Ngày lễ các Thánh và Ngày lễ các linh hồn.

Lễ hội Halloween năm nay sẽ rơi vào ngày thứ Bảy, 31/10/2020, hứa hẹn giới trẻ Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động sôi động hơn. Nhiều điểm đi chơi Halloween tại Hà Nội, TP.HCM luôn hút giới trẻ và mỗi năm có thêm nhiều điểm vui chơi mới để các bạn trẻ khám phá, trải nghiệm.

Ý nghĩa ngày Halloween?

Ngày Halloween được tổ chức hằng năm vào ngày cuối cùng của tháng 10, bắt đầu vào buổi chiều tối cho tới 12 giờ đêm, người dân sẽ hóa trang thành những nhân vật đáng sợ hoặc bất kỳ nhân vật nào họ thích, sau đó tới từng nhà để gõ cửa nhận kẹo và chúc tụng.

Trong ngày này mọi người sẽ hóa trang thành những hình tượng nhân vật quái dị
Giới trẻ thích thú hóa trang trong đêm Halloween

Truyền thuyết xa xưa kể rằng, Jack là một chàng thiếu niên tham lam, keo kiệt, chỉ biết cất giấu tiền bạc mà không bao giờ bố thí cho ai một chút gì, thậm chí anh ta lại từng chơi đùa thoải mái với ma quỷ. Có người nói rằng Jack đã lừa con quỷ Satan trèo lên một ngọn cây, nhân lúc nó không chú ý chàng trai trẻ khắc hình chữ thập lên gốc cây, “nhốt” con quỷ trên đó. Mục đích khi ấy của Jack là thỏa thuận với con quỷ, hòng bắt nó không được trêu chọc mình nữa.

Sau này do phạm quá nhiều tội lỗi nên khi qua đời, Jack không được lên thiên đàng và cũng không được xuống địa ngục. Jack phải đi lang thang đến nhiều nơi tìm chỗ trú chân. Hơi ấm duy nhất sưởi ấm cho Jack già nua trong giá lạnh là ngọn nến leo lét thắp bên trong quả bí ngô ông cầm theo bên mình.

Qua câu chuyện của Jack, có 2 ý nghĩa mà lễ hội Halloween muốn gửi gắm, đó là: ý nghĩa giáo dục và ý nghĩa nhân văn.

Sống không nên keo kiệt, bủn xỉn hay tham lam quá đà, nên từ bi, bác ái và giúp đỡ người gặp khó khăn. Đồng thời, tối kị trêu đùa với ma quỷ, nên hiểu rằng, “ma quỷ” hiểu theo nghĩa bóng là những trò đe dọa, lừa lọc, đe dọa, khiến người khác sợ hãi và cả những việc tinh quái gây nguy hại đến người khác và cho cả xã hội. Chưa kể rằng, giao du với ma quỷ sẽ rất dễ bị cám dỗ, đi theo con đường tối tăm, tội lỗi.

Jack tuy chỉ là nhân vật tưởng tượng nhưng thật ra đó là sự ẩn dụ nhắm tới những hiện thân trong cuộc đời. Sau những sai lầm thồi trai trẻ, khi qua đời Jack trở thành một cô hồn, không có chỗ dung thân.

Truyền thống lễ hội Âu Mỹ - Halloween đã dành cho Jack trọn vẹn một ngày để trở về với cõi dương. Trong ngày này, Jack có thể vui chơi thoải mái, vì người sống khi ấy đã hóa trang thành ma quỷ giúp linh hồn của Jack có chỗ trà trộn, xua đuổi sự cô đơn.

Vì sao ngày Halloween có biểu tượng là quả bí ngô?

Mỗi năm cứ đến đầu tháng 10, cửa hàng bán đồ chơi, quà lưu niệm là treo rất nhiều đèn lồng quả bí ngô và các bạn nhỏ nhìn là biết sắp đến ngày Halloween. Vậy tại sao lễ hội này lại gắn liền với hình ảnh quả bí ngô và gần như không thể thay thế nó với bất cứ loại rau củ quả nào khác?

Hình tượng quả bí ngô khoét ruột, thắp nến để dẫn đường cho những linh hồn vất vưởng
Biểu tượng ngày Halloween là quả bí ngô

Khi di chuyển từ Ireland và Anh quốc tới Hoa Kỳ, cư dân thấy rằng những quả bí ngô, loại nông sản đặc trưng của vùng đất này có thể dễ dàng để họ khoét ruột, khắc họa những khuôn mặt đáng sợ, láu cá. Sau đó, họ để những cây nến vào trong ruột quả bí để soi sáng, dẫn đường cho những linh hồn ma quỷ vất vưởng.

Quả bí ngô còn gắn liền với câu chuyện về anh chàng hà tiện Jack-O’Lantern trong sự tích của người dân Ireland. Từ đó bí ngô gắn liền với hình ảnh biểu tượng của mùa lễ hội Halloween. Cứ vào thời điểm này (đêm 31/10, rạng sáng 1/11), người dân sẽ treo đèn lồng bí ngô trước cửa nhà với hy vọng ma quỷ, linh hồn không quấy rầy họ.

Với người Trung Quốc, quả bí ngô còn có ý nghĩa phong thủy. Người Trung Quốc quan niệm, bí ngô là biểu tượng lớn về sự giàu có. Vì vậy, treo những quả bí ngô có khắc họa tiết trước cửa nhà có tác dụng hút tài lộc và sự thịnh vượng. Người Trung Quốc cũng thường treo chiếc hộp hình bí ngô trước cửa sổ với mong muốn biến ước mơ thành hiện thực.

Người phương Tây quan niệm màu vàng tượng trưng cho sự thành công và giàu sang. Do đó, họ thường trang trí nhà bằng bí ngô trong mùa Halloween với mong muốn mang lại may mắn và hạnh phúc.

Halloween gắn với một số hình ảnh phổ biến như Phù thủy, mèo đen, chim cú mèo.

Vào thời xa xưa, nếu người nào đó trót hóa trang thành phù thủy trong lễ hội Halloween thì phải nhất định dẫn theo một con mèo đen. Bởi lẽ, nhiều người tin rằng, mèo đen chính là đầy tớ thân cận với phù thủy.

Bên cạnh mèo đen, loài cú là hình ảnh phổ biến trong Halloween. Vào thời Trung Cổ ở châu Âu, cú được loài vật thân thiết với ma quỷ, phù thủy. Mỗi khi cú kêu thì đó là điềm báo ai đó sắp chết.

những con vật như dơi, mèo, cú cũng là những hình tượng được sử dụng nhiều trong ngày Halloween

Khác biệt trong lễ hội Halloween ở các quốc gia

Điểm qua một số đặc điểm nhận diện của các quốc gia, khu vực có ngày lễ Halloween cực kỳ ấn tượng nhé!

Lễ hội Halloween ở Bắc Mỹ

Halloween du nhập vào nước Mỹ do những người Ireland và Scotland di cư và đã trở thành một lễ hội dân gian lớn ở Mỹ và Canađa. Vào ngày lễ này trẻ em thường chơi trò “trick or treat”.

Chúng sẽ mặc các trang phục hóa trang và đeo mặt nạ rồi đi từ nhà này qua nhà khác, gõ cửa để gặp chủ nhà và nói “trick or treat.” Câu này có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi.”

Để tránh bị chơi xấu, chủ nhà thường đãi chúng kẹo, bánh, hoa quả, có thể họ còn cho chúng tiền nữa.

Lễ hội Halloween ở Mexico

Vào mùa thu ở Mexico, những con bướm chúa lại bay về làm tổ trên những cây linh sam và người dân nơi đây tin rằng, những con bướm này là hiện thân của linh hồn những người quá cố.

Trong ngày Halloween, người Mexico trang trí những bệ thờ trong nhà với bánh mỳ, nến, hoa và quả. Những cây nến được thắp sáng để tưởng nhớ tổ tiên đã khuất.

Buổi tối, họ hoá trang trong bộ quần áo hình ma quỷ và diễu hành trên đường phố với một người sống đặt trong một quan tài. Sau đó, họ sẽ tới thăm viếng nghĩa trang, trang trí mộ người thân và ở đó suốt đêm.

Lễ hội Halloween ở các nước Châu Âu

Tại Anh, tâm điểm của lễ hội Halloween chính là những đống lửa rực cháy trên các đường phố. Khác với những nơi khác, những đống lửa này không phải để xua đuổi các linh hồn lang thang mà để nhắc đến câu chuyện của Guy Fawkes, người có ý định làm nổ tung Toà nhà Hội đồng ở Luân Đôn vào năm 1605. Rất nhiều hình nộm của Guy Fawkes bị đốt cháy trong lễ hội.

Tại Đức, người dân mừng hội Halloween với sự vui vẻ tột bậc. Ngoài những chiếc đèn bằng bí đỏ thì lễ hội hoá trang là hoạt động thu hút sự tham gia của nhiều người nhất. Trong những trang phục của những nhân vật truyền thống, của những mụ phù thuỷ..., họ nhảy múa, ca hát xung quanh những đống lửa lớn suốt ngày đêm...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.