Xã hội

Nguồn thu từ môi trường chưa được “quay lại” bảo vệ môi trường

22/10/2019, 18:39

Theo báo cáo của Bộ TN&MT gửi kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.

img
Việt Nam hiện có 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản làm phát sinh lượng bụi, nước thải lớn, gây tác động xấu đến môi trường

Trong khi ở Trung Quốc và các nước ASEAN, đầu tư cho môi trường trung bình hàng năm chiếm trên 1% GDP, các nước phát triển thường chiếm 3-4% GDP.

Báo cáo của Bộ TN&MT chỉ ra Việt Nam hiện có 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản làm phát sinh lượng bụi, nước thải lớn, gây tác động xấu đến môi trường do ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước; khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất giấy, bột giấy hầu hết sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do phải trải qua nhiều quá trình như tẩy mực, băm nhuyễn, làm trắng… sử dụng nhiều loại hoá chất và bản thân các phế phẩm từ giấy cũng chứa nhiều chất gây ô nhiễm có độc tính cao.

Bên cạnh đó, có 25 nhà máy nhiệt điện than, 65 nhà máy sản xuất gang thép có công suất 100.000 tấn/năm trở lên... nếu không được quản lý, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải tốt sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Theo Bộ TN&MT, hiện còn rất nhiều khó khăn, hạn chế trong vấn đề bảo vệ môi trường. Cụ thể, nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng nhu cầu, hầu hết chưa qua xử lý, xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư, còn xảy ra các sự cố nước thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ ra các lưu vực còn lớn, hiện mới chỉ có khoảng 20% nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý, còn hiện tượng cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ lén lút xả thải.

Khối lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng mạnh, hầu hết rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, năng lực thu gom, xử lý chất thải của một số địa phương còn nhiều hạn chế. Trong khi lượng rác thải nhựa và túi ni-lon khó phân hủy và độ nhựa sử dụng một lần vẫn tiếp tục tăng.

Ô nhiễm không khí tại đô thị lớn được Bộ TN&MT chỉ ra là diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năn, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.