Thế giới giao thông

Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Canada từ vụ Bombardier

03/10/2017, 11:05

Mối quan hệ thương mại Mỹ-Canada đang rơi vào căng thẳng và được dự đoán có thể leo thang thành cuộc chiến thương mại...

31

ITC ra phán quyết Bombardier đã nhận trợ cấp từ Chính phủ để giảm giá máy bay C-Series

Áp thuế 220% với máy bay Bombardier

Cuối tháng 9 vừa rồi, Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC), một cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, ra phán quyết sơ bộ về cáo buộc của hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) đối với Bombardier - công ty có trụ sở ở Canada. Trong đó, ITC đồng ý với Boeing rằng, Bombardier đã nhận tiền trợ cấp của Chính phủ Canada, nhờ đó có thể bán dòng máy bay C-Series với mức giá rẻ.

Cụ thể, Boeing cho rằng, trong hợp đồng đặt mua 125 máy bay C-Series của Bombardier từ hãng hàng không Mỹ Delta vào năm 2016, giá mỗi chiếc máy bay mà Bombardier bán cho Delta rẻ hơn nhiều so với giá niêm yết 80 triệu USD/chiếc nhằm cạnh tranh không bình đẳng với dòng máy bay Boeing 737. Boeing nghi ngờ giá bán cho Delta chỉ khoảng 19 triệu USD/chiếc.

Vì vậy, ITC áp mức thuế trừng phạt gần 220% đối với máy bay của Bombardier. Như vậy, năm 2018, Delta Air Lines nhận những chiếc máy bay C-Series đầu tiên từ Bombardier khi mức thuế trên được thực thi, giá mỗi chiếc sẽ tăng hơn 3 lần.

Sau phán quyết này, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói: “Nước Mỹ coi trọng mối quan hệ với Canada, nhưng kể cả những đồng minh thân cận nhất của chúng tôi cũng phải tuân thủ nguyên tắc cuộc chơi. Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá, thẩm định tính chính xác của phán quyết sơ bộ từ ITC”, ông Ross nói.

Bombardier phản kháng

Không chấp nhận phán quyết của ITC, Bombardier ra thông báo chỉ trích đây là quyết định “lạ đời”, “điên rồ”. Bombardier cho rằng Boeing đang tìm cách sử dụng một quy trình lệch lạc để cản trở cạnh tranh, gây rào cản với các hãng hàng không Mỹ và hành khách của họ hưởng lợi từ máy bay C-Series.

Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) thường được coi là tổ chức “miễn dịch” với ảnh hưởng từ chính trị, với tổng cộng 6 uỷ viên được chia đều giữa đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ. Tuy nhiên, hiện nay, ủy ban này chỉ còn 4 thành viên nên đối mặt khối lượng công việc rất lớn. Trong vụ kiện của Boeing với Bombardier tại ITC lần này, Boeing phải chứng minh họ bị tổn hại vì các hoạt động kinh doanh được Chính phủ trợ cấp của Bombardier.

Không chỉ Bombardier, tất cả các ban ngành liên quan của Canada đều lên tiếng phản đối quyết định của Mỹ. Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho rằng: “Canada cực lực phản đối cuộc điều tra chống phá giá đối với hợp đồng nhập máy bay dân dụng cỡ lớn từ Canada. Phán quyết này rõ ràng làm ảnh hưởng tới hoạt động máy bay C-Series của Bombardier tại thị trường Mỹ”, bà Freeland nói.

Bà Freeland tuyên bố sẽ phản đối với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross về mức thuế cao ngất ngưởng 220% và bàn động thái tiếp theo với người đồng cấp tại Anh vì Bombardier là nhà tuyển dụng trong ngành sản xuất lớn nhất tại Bắc Ireland.

Ngoại trưởng Freeland cũng kêu gọi các công ty cung cấp linh kiện Mỹ để sản xuất máy bay C-Series lên tiếng. Bombardier đang tạo công việc cho 23.000 người Mỹ và công việc của họ có thể bị đe doạ vì phán quyết lần này.

Thủ hiến Quebec Philippe Couillard cho rằng, tranh chấp giữa Boeing-Bombardier là điểm cực thấp trong quan hệ Mỹ-Canada. Ông Couillard đe doạ: “Boeing sẽ phải hối hận” và “nền kinh tế và lực lượng công nhân nước này chính là những người phải gánh chịu hậu quả từ phán quyết trên”.

Ông Jerry Diaz, Chủ tịch Công đoàn lớn nhất Canada - Unifor, tổ chức đang cố vấn cho chính quyền Thủ tướng Canada Justin Trudeau về các thoả thuận của Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) tuyên bố: “Nếu Mỹ tiến đến một cuộc chiến thương mại, chúng tôi sẽ không lùi bước.

Canada trả đũa, Mỹ sẽ thiệt hại ra sao?

Trên thực tế, Canada và Mỹ là hai nước có mối quan hệ đối tác thương mại và đồng minh thân cận nhất trên thế giới. Kim ngạch thương mại giữa hai nước thường niên đạt hơn nửa nghìn tỉ USD.

Phán quyết của ITC sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với hoạt động tái đàm phán Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vì xảy ra đúng thời điểm nhạy cảm khi Otawa, Washington đang đàm phán ba bên cùng Mexico để điều chỉnh NAFTA.

Trong giai đoạn này, Mỹ đang cố gây áp lực lên Canada để cho phép họ tiếp cận sâu hơn thị trường sữa. Còn Canada đàm phán với Washington để tiếp cận thị trường gỗ mềm tại đây. Otawa quan ngại, nếu không đạt được thoả thuận với Mỹ, ngành công nghiệp hàng đầu của Canada sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau gọi việc áp thuế 220% của Mỹ là động thái “bảo hộ” và kiên quyết “tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ vì việc làm tốt cho người Canada”. Hơn nữa, Anh và Canada đe doạ tẩy chay Boeing trong khi hãng này đang hy vọng bán 18 máy bay chiến đấu Super Hornet cho Canada và 50 trực thăng Apache cho Anh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.