Giao thông

Nguy cơ dừng mô hình cảng mở sau 12 năm thí điểm

04/06/2018, 06:12

Mô hình cảng mở đứng trước nguy cơ bị dừng thí điểm sau nhiều năm triển khai do thiếu cơ sở pháp lý.

cang Cat Lai

Cảng Cát Lái

Theo ông Ngô Minh Thuấn, Phó tổng giám đốc TCT Tân cảng Sài Gòn, sau khi có Quyết định số 37/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thí điểm khu vực cảng mở Cát Lái, đơn vị đã xây dựng cảng mở có diện tích hơn 12.000m2, dung lượng chứa được 874 TEUs góp phần thúc đẩy sự phát triển của vận tải đa phương thức và dịch vụ phân phối hàng hóa (từ cửa đến cửa).

“Sau 12 năm thực hiện, sản lượng hàng trung chuyển nguyên container thông qua cảng mở tăng 486%, từ 22.150 TEUs (2006) lên 107.728 TEUs (2017). Riêng 4 tháng đầu năm 2018, lượng hàng hóa này thông qua đạt gần 28.000 TEUs”, ông Thuấn nói và cho biết, mô hình tiềm năng này có thể nhân rộng ra các cảng: Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lạch Huyện (Hải Phòng), Hiệp Phước (TP HCM). Đây là các cảng biển trọng điểm quốc gia, gắn với các khu công nghiệp lớn và trung tâm logistics có mặt bằng đủ lớn.

Tuy vậy, theo ông Thuấn, 12 năm qua, cảng mở vẫn chỉ là mô hình thí điểm, quy mô còn hạn hẹp, thiếu văn bản hướng dẫn về quy trình thủ tục hải quan, thuế thu nhập; Chưa được cấp mã code cảng mở để áp dụng tờ khai điện tử; đại lý có hàng hóa xuất nhập hoặc trung chuyển, quá cảnh tại khu vực cảng mở vẫn gặp khó về chứng từ thanh toán. Những lý do đó khiến khách hàng e ngại, giảm sức hút của cảng mở.

“Chúng tôi mong Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xây dựng nghị định riêng về phát triển cảng mở. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành sẽ có hệ thống văn bản hướng dẫn cụ thể”, ông Thuấn đề xuất.

Đại diện Tổng cục Hải Quan cho biết, Quyết định số 37 đã quá lâu, nội dung quyết định cũng không giao cho các bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn. Khái niệm cảng mở lại chưa có một định nghĩa rõ ràng, chưa được một quốc gia nào sử dụng. Đó là những lý do các văn bản, thông tư hướng dẫn liên quan không được ra đời sau 12 năm thí điểm cảng mở. “Muốn mô hình thí điểm này khả thi, Quyết định 37 cần được làm lại. Trong đó, phải có định nghĩa rõ khái niệm, quy định điều kiện thành lập, các dịch vụ, thuế, tạo tiền đề cho các cấp liên quan xây dựng cơ sở pháp lý minh bạch”, vị này cho hay.

Nhận định cảng mở có thể sẽ là mô hình hữu hiệu giúp sản lượng hàng hóa tại các cảng biển lớn có sự đột phá. Theo ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN), hiện lưu lượng hàng hóa đáp ứng cho cảng Cát Lái đã đạt đỉnh (70 - 80%), duy chỉ còn cảng Cái Mép còn dư địa về đất đai (800ha), đảm bảo được cơ sở hạ tầng phát triển khu hậu cần cảng. Nhưng khu cảng trọng điểm này mới chỉ là nơi ghé qua, chưa phải cảng đến chính của các tàu quốc tế. “Dựa trên cách thức tổ chức thí điểm mô hình cảng mở từ năm 2006, cơ quan chức năng có thể đánh giá lại, đề xuất chính sách tinh gọn thủ tục để tạo chuyển biển trong quản lý cảng biển, nâng sản lượng hàng hóa thông qua xứng tầm với quy mô của cảng Cái Mép - Thị Vải”, ông Cường nói.

Trước những vướng mắc liên quan, tại buổi làm việc với Công ty Tân cảng Sài Gòn mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho rằng, mô hình thí điểm cảng mở cần phải được đánh giá lại. “Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cần phối hợp với Cục Hàng hải VN dự thảo báo cáo khi thực hiện Quyết định 37/2006. Từ đó, Bộ GTVT sẽ xem xét, đề xuất Chính phủ nên dừng thí điểm hay không. Trường hợp dừng thí điểm, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa ra mô hình mới, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Công nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.