Bạn cần biết

Nguy cơ giãn tĩnh mạch vì giày cao gót, lười vận động

12/03/2018, 08:15

Công việc đòi hỏi phải đứng hoặc ngồi một chỗ, hay thói quen thường xuyên đi giày cao gót...

13

Thường xuyên đi giầy cao gót cũng là nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch chi

Công việc đòi hỏi phải đứng hoặc ngồi một chỗ, hay thói quen thường xuyên đi giày cao gót... là nguy cơ dẫn đến suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Nếu phát hiện và điều trị muộn, dễ biến chứng, thậm chí buộc phải cắt cụt chi.

Giãn tĩnh mạch chi lại tưởng bệnh khớp

Có mặt tại BV Lão khoa T.Ư, ông Nguyễn Văn An (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Bác sĩ vừa chẩn đoán tôi mắc bệnh suy tĩnh mạch đã giai đoạn 3, cần đi tất áp lực độ 2, dùng thuốc trong thời gian 6 tháng và tập luyện đạp xe, đi bộ hoặc đi bơi...”.

Cũng theo ông An, do công việc khá đặc thù tại một công ty điện tử nên hầu hết thời gian ông chỉ ngồi một chỗ. Cách đây 6 tháng, ông An thấy chân nặng, cả ngày đi làm về chân sưng to từ gối trở xuống. Ông An đi khám được chẩn đoán mắc bệnh khớp và cho thuốc điều trị. Suốt 6 tháng uống thuốc nhưng thấy không hiệu quả nên ông mới đi khám tại BV Lão khoa T.Ư và phát hiện mình không phải mắc bệnh khớp mà mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Chị Trần Kim Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội), gần 3 tháng nay, phần chân của chị không chỉ xuất hiện mạng nhện màu đỏ mà cảm thấy mỏi, căng tức, rất khó chịu. Không chịu nổi chị đi khám và được bác sĩ chẩn đoán suy tĩnh mạch chi dưới. “Bác sĩ cho rằng, chính thói quen thường xuyên đi giày cao gót là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này ở tôi”, chị Thanh cho hay.

Theo TS.BS. Nguyễn Trung Anh, Phó giám đốc BV Lão khoa T.Ư, có nhiều nguyên nhân phối hợp gây nên bệnh suy giảm tĩnh mạch. Về yếu tố nguy cơ, nữ giới bị nhiều hơn nam, do phụ nữ hay đi giày cao gót làm vô hiệu hóa hệ thống bơm dưới bàn chân, làm cho ứ trệ dẫn đến suy giãn tĩnh mạch. Phụ nữ đứng nhiều, sử dụng thuốc tránh thai và quá trình thai nghén cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh. Ngoài ra, yếu tố gia đình, lối sống, béo phì, thức khuya, các stress… cũng ảnh hưởng nhất định đến bệnh này. Tình trạng suy giãn tĩnh mạch còn có thể xảy ra khi bị tổn thương các van tĩnh mạch làm ảnh hưởng đến vận chuyển máu. Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nhiều giai đoạn, cấp độ C0 đến C6, nặng nhất là cấp độ C6.

Theo PGS.TS. Đinh Thị Thu Hương, nguyên Phó viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, nếu chẩn đoán sớm hoặc phát hiện ở giai đoạn yếu tố nguy cơ sẽ giúp người bệnh không bị tiến triển sang giai đoạn nặng. “Bệnh suy giãn tĩnh mạch ở chi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Đau, bứt rứt, khó chịu, phù... ảnh hưởng đến thẩm mỹ biến đổi sắc tố da, nhất là ở phụ nữ. Một biến chứng nữa có thể gặp để lại tàn phế cho người bệnh là viêm mô tế bào, bệnh lý suy tĩnh mạch hay kèm theo viêm mô tế bào, cả chân mọng đỏ như hồng chín chỉ hai ba ngày loét hết da ra, khi người bệnh không biết là bệnh gì và để lại nhiễm trùng huyết dẫn đến cắt cụt chi...”, bà Hương khuyến cáo.

“Cần lưu ý khi có dấu hiệu căng tức chân”

Theo BS. Trung Anh, bệnh suy giảm tĩnh mạch thường có một số dấu hiệu thực thể có thể quan sát được. Đó là khi bệnh nhân có dấu hiệu căng tức, nặng ở chân. Các triệu chứng này xét theo mùa thì mùa hè bị nhiều hơn mùa đông, theo một thời gian buổi sáng ngủ dậy chân nhẹ nhõm nhưng càng về chiều càng nặng hơn. Bệnh nhân có thể ngứa ở chân kèm theo các tổn thương chàm… dấu hiệu này rất dễ khiến bệnh nhân và thầy thuốc nhầm lẫn điều trị da liễu. Bệnh nhân cũng có thể có cảm giác bồn chồn ở chân, hội chứng “chân không yên” khiến bệnh nhân thường rung rung chân; hoặc triệu chứng chuột rút vào ban đêm. Ngoài ra, người bệnh có thể quan sát trên chân có tĩnh mạch giãn ở mức độ nhẹ, các tĩnh mạch mạng nhện có màu xanh hoặc đỏ...

“Ở suy giảm tĩnh mạch chi dưới có hệ thống tĩnh mạch nông và sâu. Nếu suy giảm tĩnh mạch sâu thì để chữa khỏi là vô cùng khó khăn. Với bệnh nhân suy giảm tĩnh mạch nông, có thể tiến hành các biện pháp can thiệp tĩnh mạch bằng tiêm chất xơ vào, hoặc can thiệp nhiệt… sử dụng keo để điều trị khỏi hẳn bệnh. Ngoài ra, suy giảm tĩnh mạch nông cũng có thể sử dụng năng lượng nhiệt làm teo hóa tĩnh mạch đó, toàn bộ quá trình can thiệp chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ. Sau khi làm xong cơ thể vận động được ngay, hiệu quả lên tới trên 95%, tỉ lệ tái phát thấp”, ông Trung Anh cho biết.

Bên cạnh các giải pháp điều trị, BS. Trung Anh cũng khuyến cáo bệnh nhân nên phối hợp với chế độ dinh dưỡng lành mạnh, và phương pháp thể thao phù hợp như bơi, đi bộ... 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.