Chất lượng sống

Nguy cơ ngộ độc cao, “đặc sản” sâu bọ vẫn đắt khách

05/10/2016, 06:55

Trứng kiến gai đen vẫn được đồn thổi là loại “đặc sản” mang tính bổ dưỡng cao với bất kỳ lứa tuổi nào.

Xôi trứng kiến
Xôi kiến. Ảnh: Tạ Tôn

Mặc dù được cảnh báo dễ gây ngộ độc thực phẩm, nhưng các loại côn trùng, ấu trùng như: Sâu tre, đuông dừa, bọ cạp hay trứng kiến gai đen vẫn được nhiều người săn lùng vì lạ tai, lạ mắt, lạ miệng.

Trứng kiến, sâu, bọ, rết... đua nhau thành đặc sản

Từ lâu nay, trứng kiến gai đen vẫn được đồn thổi là loại “đặc sản” mang tính bổ dưỡng cao với bất kỳ lứa tuổi nào. Thậm chí khi ngâm loại trứng kiến này với rượu, người ta còn ví đó và “viagra tự nhiên” cho các quý ông. Có thời điểm, loại trứng kiến gai đã bị đẩy giá lên đến gần 1 triệu đồng/kg. Theo giới thiệu của chủ cửa hàng thực phẩm Fami, gọi là trứng kiến nhưng chính xác đó là ấu trùng kiến. Loại “đặc sản” được nhiều người lùng mua nên giá cả và nguồn hàng cũng lộm nhộm. “Hiện, giá bán loại này ở cơ sở em chỉ 460 nghìn đồng/kg, chất lượng đảm bảo, trong khi các nơi khác vẫn rao bán 600-700 nghìn đồng/kg”, chủ cửa hàng cho biết. Cũng theo giới thiệu của người này, trứng kiến gai đen có thể chế biến được nhiều món ngon như: Trứng kiến đúc thịt, xôi đồ trứng kiến, trứng kiến xào mộc nhĩ, thịt băm, canh trứng kiến lá lốt…

Không chỉ trứng kiến, các loại sâu bọ như: Sâu chít, sâu tre hay đuông dừa cũng là những “đặc sản” được nhiều người lùng mua cho dù giá không hề rẻ. Anh Nguyễn Văn Dũng (Hàng Bạc, Hà Nội) cho biết: “Anh đặt gần một tuần nay mà cậu bạn trong miền Nam vẫn chưa gửi hàng ra. Loại này chế biến được nhiều món, nhưng ăn đơn giản chỉ ngâm với mắm ớt là ngon nhất”. Anh Dũng cho hay, vì đặt mua 100 con nên anh mua được với giá “hữu nghị” 8.000 đồng/con. Cũng giống trứng kiến gai đen, đuông dừa được đồn đoán là “thần dược” giúp tăng cường bản lĩnh đàn ông.

Một lần, vô tình được thưởng thức món sâu tre chiên giòn trong chuyến công tác ở vùng sâu ở một tỉnh miền Trung, anh Nguyễn Hoài (Ngọc Khánh, Hà Nội) cho hay: “Mới nhìn thì trông hơi sợ, nhưng lạ miệng. Dân địa phương cho biết, sâu tre ăn rất tốt, bồi bổ sức khỏe và không phải lúc nào cũng có, thường tháng 10 mới là mùa sinh sản của loại sâu này”. Sâu tre gần giống với sâu chít, nhưng nếu sâu chít thường dùng để ngâm rượu thì sâu tre mọi người thường mua về chế biến. Trước đây, sâu tre được bà con mang về làm thức ăn cho gia đình. Nhưng giờ sâu tre lại trở thành “món hot” trong các nhà hàng, quán ăn đặc sản. Cũng vì lẽ đó, với giá chừng 500 - 600 nghìn đồng/kg, loại sâu tre vẫn luôn đắt khách và không dễ mua.

Tại Hà Nội, nhiều cửa hàng đặc sản côn trùng với các món lạ như: Bọ cạp, châu chấu, rết, tắc kè, bọ ngựa, bọ xít… trên một số phố Đại La, Khương Thượng, Tôn Thất Tùng cũng rất hút khách.

Phù mặt, nôn mửa sau hai miếng trứng kiến

Đến giờ anh Nguyễn Tuấn Phong (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn chưa hết hoảng hồn vì vụ dị ứng ngộ độc khi thưởng thức món trứng kiến gai đen. Anh Phong cho hay, được cậu bạn thân hứa hẹn mời ăn “món lạ”, sau đúng miếng thứ hai đưa vào miệng cùng chén rượu, thì bụng ngâm ngẩm đau, cơ thể mẩn ngứa và chỉ ít phút sau thì xuất hiện dấu hiệu nôn mửa. “Cứ nghĩ chỉ một lúc là đỡ ai dè đến nửa đêm, cả mặt sưng phù, liên tục ói mửa và tiêu chảy. Hoảng quá, gia đình vội đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện”, anh Phong cho biết. Tại đây, bác sĩ cho hay, cơ thể anh bị ngộ độc trứng kiến gai đen, biểu hiện ngộ độc càng tăng nặng bởi mấy chén rượu. May mắn, lượng trứng kiến vào cơ thể ít đã có dấu hiệu phát tác nên chưa quá nguy hại.

Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội), nhiều loại côn trùng thực sự có hàm lượng dinh dưỡng cao, tuy nhiên, lại chứa độc tố nhất định, có thể gây ngộ độc hoặc kích ứng trên người. “Nhiều người có cơ địa dị ứng, do vậy không nên nghe lời đồn thổi mà ăn các loại côn trùng, ấu trùng lạ, rất dễ bị ngộ độc”, ông Trung khuyến cáo.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, ở Việt Nam, việc sử dụng côn trùng làm thức ăn có từ lâu, khá phổ biến như: Cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây… thậm chí, còn được coi là món ăn đặc sản. Tuy nhiên, việc thiếu kiến thức trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn, cùng với tâm lý chủ quan khi lựa chọn côn trùng lạ để chế biến (ăn tái, ăn sống, ngâm rượu) và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng… đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc và thậm chí gây tử vong cho người sử dụng.

Nguyên nhân gây ngộ độc thường do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía… hoặc các chất có độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm... để chế biến thức ăn.

Dấu hiệu thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là: Buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong. Khi có một trong những dấu hiệu trên cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám xét và điều trị kịp thời.

(Cục ATTP, Bộ Y tế khuyến cáo)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.