Pháp đình

Nguy cơ thất thoát hàng trăm tỷ đồng sau quyết định của tòa

27/08/2018, 08:06

Tổng công ty Cửu Long có rất nhiều văn bản yêu cầu Công ty Yên Khánh thanh toán tiền phạt chậm...

16

Trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang được Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh thu phí

Ngày 25/8, đại diện Tổng công ty Cửu Long cho biết, đã có văn bản gửi TAND quận Bình Thạnh yêu cầu thu hồi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong vụ việc Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh kiện Tổng công ty Cửu Long. Bởi lẽ, việc này có thể sẽ gây thất thoát cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng do không thu được tiền phạt của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh.

Bất ngờ với quyết định của tòa

Trước đó, ngày 17/8, TAND quận Bình Thạnh đã thụ lý vụ án “tranh chấp hợp đồng dịch vụ” về việc thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Nguyên đơn là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh và bị đơn là Tổng công ty Cửu Long. Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh yêu cầu Tổng công ty Cửu Long hoàn trả số tiền thuế VAT, tiền lãi phát sinh từ số tiền đã vay ngân hàng để thanh toán thuế VAT, tiền phạt do chậm nộp thuế VAT đền bù thiệt hại 86.535.000.000 đồng, yêu cầu không được có hành vi can thiệp vào hoạt động thu phí của Công ty Yên Khánh tại 4 trạm thu phí trên toàn bộ tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương; Tổng công ty Cửu Long chấm dứt hành vi yêu cầu Ngân hàng BIDV thanh toán khoản tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng số 4746/CIPM-HĐ.

Ngày 22/8, TAND quận Bình Thạnh ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Tổng công ty Cửu Long, yêu cầu Tổng công ty Cửu Long không được có hành vi cản trở đến việc thu phí trên 4 trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương đối với Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, theo hợp đồng các bên đã ký kết cho đến hết ngày 1/1/2019; Tổng công ty Cửu Long tạm ngưng cưỡng chế thu hồi số tiền bảo lãnh là 100.207.650.000 đồng của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh nộp tại Ngân hàng BIDV cho đến khi có quyết định của Tòa án.

“Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh kiện chúng tôi ra tòa về việc “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ” là việc bình thường và chúng tôi sẵn sàng hầu kiện. Tuy nhiên, việc Tòa án ra quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo chúng tôi là chưa thỏa đáng và sẽ dẫn đến nguy hại là có thể gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mà sau này khó thu hồi được”, đại diện Tổng công ty Cửu Long nói.

Gian nan đòi tiền phạt vi phạm hợp đồng

Theo tìm hiểu, năm 2013, thực hiện nhiệm vụ được Bộ GTVT giao, Tổng công ty Cửu Long đã tiến hành ký kết hợp đồng mua bán quyền thu phí sử dụng đường bộ thời hạn 5 năm đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 1 với Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh - đơn vị trúng thầu thông qua hình thức đấu giá, với giá hợp đồng là 2.004 tỷ đồng. Hợp đồng được ký ngày 30/12/2013. Thời hạn thu phí là 5 năm kể từ ngày 1/1/2014 và kết thúc ngày 31/12/2018.

Luật sư Thái Văn Chung (Hãng luật Nguyên Giáp - Đoàn luật sư TP HCM):
Tòa không có quyền can thiệp

Tổng công ty Cửu Long và Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh ký kết hợp đồng nhượng quyền thu phí và thực hiện theo hợp đồng. Nếu trong hợp đồng có quy định về trường hợp một trong hai bên có vi phạm thì bên kia có quyền áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hợp đồng và yêu cầu ngân hàng thu hồi số tiền bảo lãnh hợp đồng. Trường hợp này, tòa án không có quyền can thiệp vì hai bên đang thực hiện theo hợp đồng đã được ký kết.

Nếu Tổng công ty Cửu Long thấy Quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND quận Bình Thạnh là không có căn cứ thì có thể khiếu nại yêu cầu hủy bỏ quyết định này. Nếu tòa án không hủy bỏ, sau này thất thoát ngân sách Nhà nước thì tòa phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với quyết định của mình. Lúc đó, Tổng công ty Cửu Long có quyền khởi kiện ở một vụ án khác để đòi quyền lợi của mình.

Theo quy định của hợp đồng, Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh phải nộp vào ngân sách Nhà nước đủ số tiền bán quyền thu phí 2.004 tỷ đồng trong 3 đợt và kết thúc nộp đợt cuối vào tháng 10/2014. Nhưng thực tế, Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh đã nộp 15 đợt và kết thúc đợt cuối vào ngày 31/3/2017. Vì vậy, Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh đã vi phạm hợp đồng và phải chịu mức phạt do chậm thanh toán tại hợp đồng được các đơn vị tính toán là 264 tỷ đồng.

Để thu hồi số tiền phạt vi phạm hợp đồng nêu trên, Tổng công ty Cửu Long có rất nhiều văn bản yêu cầu Công ty Yên Khánh thanh toán tiền phạt chậm nêu trên. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Tổng công ty Cửu Long thu hồi ngay số tiền khoảng 100 tỷ đồng thông qua việc tịch thu toàn bộ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh từ Ngân hàng BIDV. Số tiền phạt còn lại phải tiếp tục yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh nộp đầy đủ. Ngày 30/7/2018, Tổng công ty Cửu Long cũng đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng BIDV thanh toán toàn bộ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng là khoảng 100 tỷ đồng.

Theo quy định tại Thông tư 07/2015 của Ngân hàng Nhà nước, chậm nhất 5 ngày làm việc, bên bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết. Tổng Công ty Cửu Long đã có văn bản yêu cầu tịch thu bảo lãnh của BIDV. Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện BIDV cho biết:  Đến nay BIDV vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ cam kết được do Công ty Yên Khánh đang có tranh chấp và có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án gửi Ngân hàng.

Ngày 1/8/2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN đã tổ chức họp yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh phải nộp kinh phí phạt chậm trả sau khi đã trừ số tiền thuế VAT Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh đã nộp trước ngày 25/8. Tuy nhiên, đến nay, Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh có biểu hiện “chây ỳ”, không những không chịu thanh toán yêu cầu mà còn kiện Tổng công ty Cửu Long ra tòa án và yêu cầu thực hiện biện pháp khẩn cấp gây khó khăn cho quá trình thu hồi tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước.

Yêu cầu thu hồi quyết định của tòa

Ngày 22/8, Tổng công ty Cửu Long có đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND quận Bình Thạnh và Viện KSND quận Bình Thạnh đề nghị TAND quận Bình Thạnh thu hồi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Tổng công ty Cửu Long để có thể triển khai thực hiện được các giải pháp thu hồi tiền phạt, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước.

Đối với việc can thiệp vào quyền thu phí, tính đến thời điểm hiện nay, Tổng công ty Cửu Long chưa có bất cứ hành vi nào cản trở đến việc thu phí trên 4 trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương đối với Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh.

“Trong khi thời gian thu phí theo hợp đồng còn lại chỉ 4 tháng, chậm chí nếu Tổng công ty Cửu Long có tịch thu được số tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng khoảng 100 tỷ đồng thì cũng không đủ để thanh toán khoản phạt trên. Vì vậy, việc Tổng công ty Cửu Long đề xuất áp dụng khống chế quản lý thu phí trong một khoảng thời gian nhất định để đảm bảo cho việc thu hồi đủ số tiền phạt này nộp ngân sách Nhà nước là cần thiết”, đại diện Tổng công ty Cửu Long nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.