Y tế

Nguy cơ ung thư thực quản cao ở người hút thuốc nhiều

24/12/2020, 05:58

Hiện nay bệnh ung thư thực quản ngày càng gia tăng, đa dạng và nguy hiểm. Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh này.

img

Người hút thuốc lá có tỷ lệ mắc ung thư thực quản lên đến hơn 80% Ảnh: Tạ Hải

Hơn 80% người mắc bệnh ung thư thực quản do hút thuốc lá

Ths.BS. Nguyễn Thị Minh Thu, Trưởng phòng Y tế dự phòng (Cục Y tế GTVT) cho biết, ung thư thực quản là bệnh lý ác tính đứng thứ tư sau các dạng ung thư đường tiêu hóa, dạ dày, gan và đại trực tràng.

Ở giai đoạn sớm, phần lớn các trường hợp mắc bệnh có rất ít biểu hiện rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác ở thực quản và vùng hầu họng.

Theo BS. Thu, khi các biểu hiện lâm sàng trở nên rõ ràng thì thường đã ở giai đoạn muộn, kéo theo việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Bệnh thường gặp ở nam giới, với độ tuổi thường trên 50.

Ung thư thực quản là ung thư phổ biến đứng hàng thứ 8 trên toàn cầu với 456.000 trường hợp mắc mới mỗi năm, có 400.000 người chết vì ung thư thực quản trong năm đó, tăng từ 345.000 người năm 1990. Tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới gấp ba lần.

Đáng chú ý, theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư thực quản do hút thuốc lá lên đến hơn 80%, do thuốc lá đi vào cơ thể khi tác động lên thanh quản.

Các chuyên gia cho rằng, sự kích ứng mãn tính của thực quản có thể góp phần làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Theo đó, các yếu tố gây kích ứng ở các tế bào thực quản và tăng nguy cơ ung thư thực quản bao gồm: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), hút thuốc lá, bệnh béo phì, uống rượu, bị trào ngược dạ dày, có thói quen uống đồ rất nóng, không ăn đủ trái cây và rau.

Trước đó, Đại học Y khoa Michigan (Hoa Kỳ) công bố cụ thể kết quả phân tích dữ liệu từ 34 nghiên cứu lớn trên thế giới cho thấy: Khi so sánh với người không hút thuốc lá, người nghiện hút thuốc lá có nguy cơ bị mắc bệnh ung thư thực quản cao gấp 4,21 lần (nếu là dân châu Âu) và cao gấp 2,31 lần (nếu là dân châu Á). Bệnh ung thư thực quản hay gặp ở nam giới và thường diễn tiến âm thầm ở giai đoạn đầu với các triệu chứng nuốt đau, nuốt vướng thoáng qua nên không được chú ý. Giai đoạn sau là nuốt khó, nuốt nghẹn.

Phòng bệnh tốt nhất là ngưng hút thuốc lá

BS. Thu khuyến cáo, để phòng bệnh phải ngưng hút thuốc lá ngay. Một trong những “kinh nghiệm” cai thuốc lá là phải giảm lượng thuốc lá một cách từ từ.

Người nghiện thuốc nên lập riêng cho mình một kế hoạch bỏ thuốc giảm dần. Ví dụ, những ngày đầu, bình thường đang hút 15 điếu, có thể đặt ra chỉ tiêu giảm xuống chỉ hút 10 điếu. Sau đó, tùy theo thực tế, tiếp tục giảm xuống chỉ hút 5 điếu mỗi ngày, rồi một điếu mỗi ngày cho đến khi không còn cảm giác thèm thuốc và không còn thói quen hút thuốc. Như vậy, các cơn thèm thuốc cũng sẽ có thời gian giảm dần và tự điều chỉnh phù hợp với sức đề kháng của cơ thể.
Ths.BS. Nguyễn Thị Minh Thu, Trưởng phòng Y tế dự phòng (Cục Y tế GTVT)


Người hút không thể hôm qua vẫn nghiện nặng nhưng hôm nay cai và không hút nữa. Thay vì quan điểm như vậy, người cai hãy từ từ và tiến tới bỏ hẳn.

BS. Thu dẫn chứng, có nhiều người sau khi xác định được rõ ràng các lý do phải bỏ thuốc lá đã hăng hái tuyên bố, từ nay mình sẽ không bao giờ động đến một điếu thuốc nào nữa. Nhưng họ đã nhầm, việc dừng hút thuốc một cách đột ngột là không dễ dàng.

Theo BS. Thu, việc hút giảm dần lượng thuốc lá mỗi ngày trong kế hoạch cai nghiện thuốc lá cũng không phải dễ dàng.

Giữa những khoảng thời gian không hút thuốc, thay vì như trước đây sẽ rút bao thuốc lá, lấy một điếu và châm lửa hút thì bây giờ có thể nhai các loại kẹo cao su có chất nicotine, kẹo cao su có vị bạc hà để đánh lạc hướng cảm giác thèm thuốc của mình.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, sau khi bỏ thuốc, cơ thể dần dần có những thay đổi kỳ diệu để trở lại bình thường. Khoảng 20 phút sau khi bỏ thuốc lá, huyết áp và mạch giảm dần tới mức bình thường. 8 giờ không hút thuốc lá đối với người sử dụng thuốc thường xuyên, lượng oxy trong máu trở về trạng thái bình thường; Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim bắt đầu giảm. Sau 24 giờ không dùng thuốc ở người nghiện, lượng CO trong máu bắt đầu được đào thải. Phổi bắt đầu quá trình tự làm sạch và phản xạ ho tăng để thải đờm. 70% số người bỏ hút thuốc bắt đầu giảm cảm giác ăn ngon miệng.

Khoảng 48 giờ sau khi bạn bỏ thuốc lá, dây thần kinh bị hư hại đã bắt đầu mọc trở lại, khứu giác và hương vị bắt đầu trở lại bình thường; Chấm dứt sự tức giận và khó chịu sẽ đạt đến đỉnh điểm. 72 giờ sau khi bỏ thuốc: Phổi, ống phế quản dẫn đến các túi khí đang bắt đầu thư giãn và khôi phục; Thở sẽ dễ dàng hơn và chức năng phổi của bạn đang bắt đầu tăng lên; Đi bộ và tập thể dục trở nên dễ dàng với bạn nhiều hơn so với lúc trước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.