Đời sống

Nguyên nhân, cách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

05/03/2019, 15:06

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, có rất nhiều cách phòng chống dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng.

img
Người chăn nuôi nên chủ động ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bằng phương pháp khử trùng sinh học

Cục Thú y, Bộ NN-PTNT vừa công bố kết quả giải trình tự genne của virus dịch tả lợn châu Phi gây bệnh trên lợn tại Việt Nam giống 100% chủng virus gây bệnh trên lợn tại Trung Quốc. Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, nguyên nhân có thể do chim di cư: “Hiện nay, Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Bang Nga là các nước đã có Dịch tả lợn châu Phi. Chim di cư có xu hướng đi từ vùng lạnh tới vùng ấm nên có thể mang mầm bệnh lây lan vào nước ta”.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây bệnh dịch tả lợn châu Phi là một loại virus có kích thước rất nhỏ, từ 10 đến 30mm, dễ nuôi cấy và phát triển tốt trong môi trường tế bào bạch cầu và tế bào thận lợn. Virus có nhiều typ huyết thanh (serotype) với độc lực rất khác nhau, có khả năng gây lợn chết tới 100%. Bệnh có thể xảy ra quanh năm. Lợn nhà ở mọi lứa tuổi đều dễ dàng bị bệnh. Ngay sau khi thâm nhập vào cơ thể lợn, virus đã tự nhân lên rất nhanh chóng, lùa vào đường huyết và gây nhiễm trùng huyết rất nặng - lợn sốt cao tới 42 độ C. Virus di trú đến tất cả các cơ quan, tổ chức của cơ thể lợn, tại đó chúng gây ra các ổ viêm xuất huyết, hoại tử.

Về dấu hiệu nhận biết lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú Y) cho biết, có 3 đặc điểm chính. Thứ nhất, lợn sốt cao, có thể trên 40 - 42 độ C. Thứ hai, khác với các loại bệnh khác thường chỉ tập trung ở một số loại, Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nhiều loại lợn khác nhau từ lợn nái, lợn con, lợn choai, lợn thịt. Thứ ba, khi mắc bệnh, lợn không chết một cách ồ ạt bởi dịch bệnh này không truyền lây qua hô hấp mà lây qua chất nhầy, máu… của vật nuôi.

Trước nguy cơ bệnh dịch đã xuất hiện và có thể lây lan rộng, Cục Thú Y yêu cầu người dân không bán chạy lợn bệnh, nghi bệnh. Người kinh doanh không giết mổ vận chuyển lợn bệnh, nghi bệnh. Khi xuất hiện bệnh, cần báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y cơ sở để kịp thời tổ chức xử lý ổ dịch. Theo đó, người chăn nuôi nên chủ động ngăn chặn dịch bằng phương pháp “sinh học” như vôi bột các lối ra vào, chuồng nuôi, kiểm soát chặt chẽ người ra vào cơ sở và mua lợn giống ở các cơ sở uy tín, có kiểm dịch.

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan, Cục Thú y đề nghị người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện “5 không” gồm: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.