Thời sự Quốc tế

Nguyên nhân Trung Quốc tăng cường hợp tác khí đốt với Nga

09/01/2022, 09:44

Trung Quốc đẩy mạnh mua khí đốt từ Nga trong bối cảnh quan hệ với Australia - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Bắc Kinh, có nhiều căng thẳng.

Trung Quốc, nhà tiêu thụ khí đốt lớn nhất thế giới, phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Năm 2020, 43% lượng khí đốt nước này tiêu thụ được nhập khẩu từ nước ngoài.

Australia là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2020, theo sau là Mỹ. Tuy nhiên, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ hay Australia trong thời gian gần đây có chiều hướng đi xuống.

Do đó, Tờ Bưu điện Hoa nam (SCMP) dẫn lời nhà phân tích cấp cao Hung Kai của Everbright Sun nhận định nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu năng lượng tăng cao của Trung Quốc và đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu năng lượng của Bắc Kinh.

img

Đường ống Power of Siberia dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc

Quan hệ thương mại và ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia có nhiều căng thẳng trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi Canberra cấm các nhà cung cấp Trung Quốc tham gia triển khai mạng 5G tại quốc gia này.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Australia ủng hộ việc Mỹ kêu gọi điều tra quốc tế về sự liên quan của Trung Quốc với nguồn gốc virus SARS-CoV-2.

Để trả đũa, Trung Quốc áp thuế cao với rượu vang nhập khẩu từ Australia. Lượng than đá Trung Quốc nhập khẩu từ Australia cũng giảm 89,7% trong giai đoạn tháng 1-11/2021. Chính phủ Australia hủy bỏ hai thỏa thuận trong Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa bang Victoria và Trung Quốc.

Hiện khí đốt từ Nga được vận chuyển tới Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia đi vào vận hành từ năm 2019. Ngoài ra còn có kế hoạch thực hiện dự án Power of Siberia 2 với công suất bơm 50 tỷ m3 khí đốt hàng năm sang Trung Quốc.

“Không khó hiểu khi Trung Quốc sử dụng khí đốt từ Nga như một biện pháp phòng ngừa rủi ro giữa lúc phần lớn nguồn cung đến từ Australia và Mỹ, những nước Bắc Kinh không có quan hệ tốt trong những năm qua”, Henning Gloystein, chuyên gia tại Eurasia Group, cho hay.

Tính đến thời điểm này, bất đồng giữa Canberra và Bắc Kinh vẫn chưa ảnh hưởng tới việc trao đổi khí tự nhiên hóa lỏng hay quặng sắt, nhưng dữ liệu của OilChem.net cho thấy Australia không nhận được hợp đồng dài hạn để cung cấp khí tự nhiên hoá lỏng với Trung Quốc trong năm 2021.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.