Đường bộ

Nguyên nhân ùn tắc giao thông bủa vây các tuyến đường tại TP.HCM

09/02/2023, 10:42

Ban ATGT TP. HCM cho biết, tình hình ùn tắc giao thông có chiều hướng tăng trở lại do nhiều nguyên nhân.

Gia tăng ùn tắc giao thông ở TP. HCM

Tại Hội nghị công tác đảm bảo TTATGT năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 ngày 9/2, Đại tá Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết, năm 2022, tại TP. HCM xảy ra 2.017 vụ TNGT, làm chết 635 người và bị thương 1.321 người; so với cùng kỳ năm 2021 tăng 243 vụ (tăng 13,7%), tăng 159 người chết (tăng 33,4%), tăng 277 người bị thương (tăng 26,5%).

img

Ùn tắc giao thông tại TP. HCM có xu hướng gia tăng

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19) giảm 1.404 vụ (giảm 41,0%), giảm 6 người chết (giảm 0,9%), giảm 1.088 người bị thương (giảm 45,2%).

Đáng chú ý, ông Lợi cho biết, năm 2022, tình hình ùn tắc giao thông tại TP. HCM có chiều hướng tăng trở lại. Theo kết quả mô phỏng của Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị, mức phục vụ của mạng lưới đường trung bình ở mức D (dòng xe tương đối ổn định, khó để đạt được vận tốc cao).

Một số tuyến đường ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực cảng Cát Lái có mức phục vụ rất cao (mức E, F) như đường Cộng Hòa, nút giao Mỹ Thủy, cầu Phú Mỹ, nút giao An Sương…

Các tuyến đường cửa ngõ TP. HCM trở nên quá tải vào giờ cao điểm và vào các ngày cuối tuần như Quốc lộ 1, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương,...

Khu vực trung tâm thành phố phát sinh thêm tình trạng ùn tắc trong khung giờ từ 9 giờ đến 10 giờ 30 (là khoảng khung giờ giao thoa giữa dòng phương tiện tham gia giao thông và dòng phương tiện ô tô vận tải hàng hoá từ các cửa ngõ đổ vào trung tâm TP).

Lưu lượng phương tiện trung bình trên một số tuyến đường trục chính tăng so với thời điểm đầu năm 2022, như: đường Lý Tự Trọng, đường Nguyễn Xí, đường Điện Biên Phủ, đường Lý Thái Tổ, đường hầm sông Sài Gòn,…

Nguyên nhân là do số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng; công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu; chưa có các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; chưa áp dụng thực tế các giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn còn xảy ra nhiều nơi;

Ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao; công tác xử phạt vi phạm qua hình ảnh đã được sử dụng nhưng chưa được mở rộng áp dụng tự động nên chưa tạo được tính răn đe đối với người tham gia giao thông;...

Về giải pháp khắc phục, ông Lợi cho biết thời gian tới sẽ tập trung vào 2 nhóm chính: Tập trung triển khai Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 – 2030 (ưu tiên khép kín Vành đai 2, mở rộng Quốc lộ 13, Quốc lộ 50, đường Trường Chinh, đường Nguyễn Tất Thành, cầu Thủ Thiêm 3, cầu đường Nguyễn Khoái, nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, đường Nguyễn Duy Trinh, đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa kết nối với nhà ga T3 Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất,…); ưu tiên đầu tư các công trình vừa chống ngập vừa xây dựng mở rộng đường giao thông để kéo giảm ùn tắc giao thông và hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.

Cùng với đó, tập trung triển khai thực hiện Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP. HCM. Trong đó, sớm triển khai dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực nội đô thành phố, phân vùng kiểm soát xe máy...

img

Đại tá Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM phát biểu trực tuyến tại Hội nghị. Ảnh: Tạ Hải

Tập trung phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng

Đại tá Nguyễn Thành Lợi cho biết, năm 2022, TP. HCM đã mở mới 4 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, nghiên cứu tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt; Đầu tư 107 xe buýt mới; Phối hợp triển khai các dự án đường sắt đô thị, xe buýt nhanh.

Cùng với đó, cập nhật thông tin, vị trí các cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông được công bố hoạt động và các vị trí đề xuất, đầu tư xây dựng mới bến thủy nội địa; Hoàn thành các dự án cải tạo và xây dựng mới trạm dừng, nhà chờ xe buýt (sửa chữa 3 bến xe buýt, 1.412 trụ dừng, 236 nhà chờ);

Triển khai thí điểm sử dụng xe đạp công cộng (có 480 xe/43 trạm, tính đến ngày 30/11/2022, có 260.856 người đăng ký sử dụng và thực hiện 401.794 chuyến đi); tiếp tục thí điểm sử dụng thẻ vé thanh toán tự động trên 23 tuyến xe buýt;...

Thành phố cũng đã hoàn thành nghiên cứu thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố; Phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường; Tổ chức không gian đi bộ khu vực trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, hiện việc triển khai còn gặp nhiều vướng mắc do chưa có các quy định liên quan như hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành; kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy; Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.