Thời sự

Nguyên Phó chủ tịch nước "chất vấn" Bộ trưởng Cao Đức Phát

08/04/2014, 14:10

"Làm gì để tăng giá trị xuất khẩu nông sản, có sản phẩm cạnh tranh? Người nông dân tăng được thu nhập, được bảo đảm quyền lợi?"... là những câu hỏi khó dành cho Bộ trưởng Cao Đức Phát.

"Làm gì để tăng giá trị xuất khẩu nông sản, có sản phẩm cạnh tranh? Làm gì để phát triển nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập, đảm bảo quyền lợi cho nông dân?..." là những câu hỏi nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời thỏa đáng.

Tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo, nâng cao giá trị sản phẩm sẽ giúp nông dân không phải chịu cảnh
Tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo, nâng cao giá trị sản phẩm sẽ giúp nông dân không phải chịu cảnh "được mùa mất giá"

Tại phiên họp giải trình do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH) chủ trì với chủ đề "Khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới" sáng nay (8/4), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã gián tiếp nhận được 4 câu hỏi của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

Mối quan tâm trong các câu hỏi của nguyên Phó chủ tịch nước là làm thế nào để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, có sản phẩm cạnh tranh, nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển công nghệ chế biến như thế nào để sản phẩm của nông dân có giá trị cao, tăng thu nhập, đảm bảo quyền lợi cho người nông dân.

"Sau hơn 25 năm đổi mới, ngành nông nghiệp của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, có nhiều sản phẩm xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, mặc dù xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô, giá trị thấp. Bộ trưởng và Bộ NN&PTNT cần làm gì để tăng giá trị xuất khẩu nông sản, tăng thu nhập, bảo đảm quyền lợi cho người nông dân?", nguyên Phó chủ tịch nước đặt câu hỏi.

Trước các vấn đề mà nguyên Phó chủ tịch nước đưa ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, ngành nông nghiệp của nước ta ta cần có sự điều chỉnh và tái cơ cấu mạnh mẽ. Để làm được điều đó, trước hết phải thay đổi trong nhận thức làm nông nghiệp: không chỉ tiêu dùng trong nước mà phải là nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, làm ít nhưng giá trị nông sản cao.

"Chúng ta có thể làm lúa, nuôi tôm, cá da trơn, trồng cà phê.... Đó là những thế mạnh của chúng ta cần phải phát huy. Nhưng không phải làm đại trà mà xây dựng những sản phẩm có hàm lượng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, làm tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị hàng nông sản ", Bộ trưởng nói.

Đề cập đến ngành lúa gạo, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện hiện đang xây dựng đề án đổi mới ngành lúa gạo Việt Nam, tổ chức lại việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật ngành lúa gạo. "Những năm qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu, tạo ra hơn 100 giống lúa mới nhưng hiệu quả chưa cao. Do đó, thời gian tới có thể tập trung nghiên cứu số lượng giống ít nhưng phải đạt hiệu quả, chất lượng cao", Bộ trưởng nói.

Minh Tiến

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.