Văn hóa - Giải Trí

Nguyễn Phương Linh cất cánh đến “chân trời có người bay”

16/01/2017, 16:05
image

Là một nghệ sĩ trẻ nhưng khát khao cất cánh sáng tạo của cô gái Nguyễn Phương Linh dường như không có điểm dừng.

nghe-si-nguyen-phuong-linh-22_resize

Tác phẩm “Quả trứng” với một nửa là lông vũ, một nửa là kim của Nguyễn Phương Linh.

Con đường đến với nghệ thuật sắp đặt

Nhìn lại gia thế của Nguyễn Phương Linh (SN 1985) sẽ thấy nghệ thuật là bữa cơm hàng ngày. Cha cô là Nguyễn Mạnh Đức, hay Đức Nhà sàn nổi danh với việc khuân nguyên một căn nhà sàn dân tộc Mường từ sơn cước xa xôi về giữa Hà Nội. Những người thân ruột thịt khác cũng đều là nghệ sĩ kì cựu: Nguyễn Thành Chương chủ nhân Việt Phủ chấn động miền Bắc, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền - nàng thơ của Lưu Quang Vũ. Ông nội cô - cố nhà văn Kim Lân một nhà văn quen thuộc của nhiều lớp thế hệ người Việt Nam sau cách mạng.

Chất nghệ có sẵn trong máu, năm lớp 11, Nguyễn Phương Linh rời Việt Nam sang Mỹ du học. Con đường nghệ thuật rẽ lối riêng, đưa cô đến cái nơi mà nghệ thuật sắp đặt đã phổ biến từ chục năm trước. Cô được tham gia hàng loạt các triển lãm quy mô, tiếp xúc với nhiều tên tuổi nổi bật. Trong số đó có Christo và Jeanne - Claude. Cặp vợ chồng nghệ sĩ nổi danh với các màn trình diễn đem vải bông quét sơn bịt kín các công trình nghệ thuật lớn. Từ đó, cô gái trẻ nhận ra nghệ thuật sắp đặt không chỉ là sự sắp xếp đơn thuần.

Năm 18 tuổi, Phương Linh trở lại Việt Nam, trưởng thành và chững chạc hơn. Thế nên, khi tiếp xúc với Nhà Sàn Studio đầy những kì nhân dị sĩ áo quần tuềnh toàng, khuân vác đồ đạc dị hợm và làm những thứ không giống ai, cô lại bị thu hút. Mãi sau khi nhớ lại, cô vẫn thường nói, nơi đó có “cái điên rất dễ thương”. Đó cũng là thời điểm cô chính thức đặt chân vào nghệ thuật sắp đặt.

Phía sau những chuyến đi

Thuở ban đầu, cô hướng nhiều đến việc đào bới những góc khuất ẩn sâu trong tâm hồn, đặc biệt là của người phụ nữ. Một mặt, đây là ảnh hưởng từ tiền bối ở Nhà Sàn Studio - Trương Tân. Mặt còn lại phản ánh sự nổi loạn của một nghệ sĩ trẻ.

Những tác phẩm đầu tay của Phương Linh thường có chút dị hình, thậm chí là nhạy cảm. Năm 20 tuổi, cô muốn tạo ra một ẩn dụ về nỗi phiền toái của nữ giới với… đồ lót, những khổ sở ẩn sau lớp áo ngoài mà chẳng nói được nên lời. Cô hì hụi 1 tuần gắn 4kg đinh sắt lên bộ đồ lót cũ của mình, dùng nhựa trong tạo độ cứng rồi đưa nó đến triển lãm nghệ thuật. Năm 22 tuổi, khi muốn thể hiện 2 mặt đau đớn - hạnh phúc ẩn trong sự nảy nở sinh sôi, cô đem đến một triển lãm ở Turin, Ý  một quả trứng bổ dọc 2 nửa, một bên nhồi đầy lông vũ, một nửa gắn toàn đinh nhọn, vô số bi sắt lổn nhổn ở giữa. Theo thời gian, vẻ ngoài ngang tàng của Phương Linh hầu như không đổi, nhưng tư duy nghệ thuật chứng kiến sự xê dịch. Từ việc đào bới nội tâm, cô chuyển dần sang khai phá các góc nhìn cuộc sống.

Nguyễn Phương Linh được nhiều gallery nghệ thuật thế giới công nhận là nghệ sĩ thường trú (Artist in residency) như: Không gian nghệ thuật Malateh, Chiang Mai (Thái Lan) hay gallery The Luggage Store, San Fransisco (Mỹ)...

Ở triển lãm Muối (2009), buộc cô gái 24 tuổi lang thang khắp các bãi biển có nghề làm muối nổi tiếng từ Bắc vào Nam như: Hải Hậu, Sa Huỳnh, Cần Giờ, Long Điền. Đồng thời, cô ăn ngủ cùng những người làm nghề: “Diêm dân ra đồng muối mấy giờ là tôi ra giờ đó. Ở miền Bắc họ dậy sớm lắm. 4h sáng tôi theo họ ra đồng, 8h về nghỉ, rồi 12h thời điểm có nắng nhiều nhất, độ kết tinh của muối cao nhất lại ra đồng cho đến 18h mới về”.

Còn triển lãm Chuyến đi cuối cùng cách đây vài ngày (đầu năm 2017 - PV) không chỉ tái hiện một Tây Nguyên ngày nay mà còn là cả một quá trình vận động, khai thác điền địa kéo dài từ thời thuộc địa, những nhát cắt vào lịch sử. Cũng như thế, thay vì quanh quẩn một nơi, cô gái trẻ bắt đầu 2 năm ròng lặn lội qua Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Bình Dương, xuyên qua vùng cao nguyên Nam bộ. Dĩ nhiên, nó cũng ngốn của cô hàng tuần để tìm hiểu về cây cao su, đọc các tập tục về voi, dõi theo từng cảnh trong nhịp sống của cư dân bản địa Tây Nguyên... Vậy nên, Chuyến đi cuối cùng mới khai mạc đêm 7/1 vừa qua và kéo dài trong hơn 1 tháng đã nườm nượp các lượt tham quan của không chỉ người Việt Nam mà cả du khách nước ngoài.

Tiên phong cho một thế hệ

Tên tuổi của Nguyễn Phương Linh từ lúc đặt chân vào làng nghệ sĩ theo đó vụt lớn trong cộng đồng. Cô nhanh chóng được mời tham gia hàng loạt sự kiện tầm cỡ như: Festival nghệ thuật thường niên lần II Beyond Pressure tổ chức ở Yangon, Myanmar (2009), hay sự kiện nghệ thuật lớn Art Plus tổ chức trên toàn TP Nagano, Nhật Bản (2010)…

Dần dà, từ một người sáng tác đơn thuần, cô vươn lên tới vị trí Curator - Giám tuyển nghệ thuật. Một vai trò thậm chí còn khắt khe hơn, yêu cầu không những khả năng sáng tạo mà còn có kinh nghiệm và óc thẩm định giá trị công trình của người khác. Năm 2010, Phương Linh lần đầu tiên đóng vai trò Giám tuyển tại sự kiện IN:ACT quy tụ hàng loạt nghệ sĩ từ nhiều quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Singapore tổ chức tại Hà Nội. Từ đó trở đi, đều đặn mỗi năm, cô tiếp tục vai trò tuyển chọn những tác phẩm tham gia các lần tổ chức IN:ACT sau đó, cùng nhiều sự kiện khác.

Nhà Sàn Studio không còn, cô tiếp tục kêu gọi đồng tổ chức các sự kiện nghệ thuật di động lớn tạo sân chơi cho những người cùng chí hướng. Điển hình trong năm 2011, nữ nghệ sĩ hợp tác cùng nhiều giám tuyển ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… tổ chức dự án Những chân trời KHÔNG có người bay lần đầu tại London.

Cái tên dự án xuất phát từ ý thơ ca thán sự chật hẹp không gian sáng tạo nghệ thuật của thi sĩ Trần Dần trước thềm đổi mới. Đến năm 2012, sự kiện này lần thứ 2 được tổ chức tại Hà Nội. Tên gọi đã được thay đổi, lần này là Những chân trời CÓ người bay để đánh dấu sự thay đổi tích cực trong cộng đồng nghệ thuật đương đại. Năm 2014, Chân trời 3 được tổ chức và được đánh giá là một dự án nghệ thuật tầm cỡ khu vực với hơn 10 triển lãm lớn. Một thế hệ nghệ sĩ trẻ đã sẵn sàng thay thế, những: Nguyễn Minh Thành, Trương Tân, Trần Lương và họ cần không gian thực sự để vẫy vùng như: Tuấn Mami, Nguyễn Quốc Thanh, Trương Quế Chi, Vũ Đức Toàn…

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.