Thời sự

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với văn nghệ sĩ - nhà báo

14/08/2020, 16:16

Từng giữ cương vị cao nhất trong Đảng. Nhưng với văn nghệ sĩ - nhà báo, ông luôn gần gũi, thân thiện như người nhà.

img
Tác giả (nhà thơ Lê Tuấn Lộc) tặng sách “Với quê Thanh” và được chụp ảnh chung với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại tư gia của ông (ngày 4/4/2019)

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một chính khách, từng giữ cương vị cao nhất trong Đảng. Nhưng với văn nghệ sĩ - nhà báo, ông luôn gần gũi, thân thiện như người nhà.

Phong cách giản dị

Nhà văn Nguyễn Bảo, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội nói với tôi: “Hồi nhà thơ Nguyễn Bao làm Trưởng ban liên lạc Văn nghệ sĩ - Nhà báo Thanh Hóa tại Hà Nội, Nguyễn Bảo làm Phó ban. Chúng tôi gặp mặt anh em văn nghệ báo chí ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Đế, ông Lê Khả Phiêu đã đến thăm. Dịp ấy là vào khoảng sau Tết Âm lịch năm 2000”.

Nhà văn Nguyễn Bảo kể: “... Bàn chuyện tổ chức gặp mặt anh em văn nghệ sĩ Thanh Hóa, có ý kiến đề xuất mời nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến dự. Nhà thơ Nguyễn Bao, Phó giám đốc Nhà xuất bản Văn học cho là ý ấy hay và giao tôi đến mời ông Phiêu.

Nhà ông ở gần Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đi bộ từ 36 Lý Nam Đế cũng qua được. Nhưng mời thì mời, chúng tôi đoán chưa chắc ông đã đến. Vậy nhưng rồi cuối cùng, ông đã đến, đến một mình mà không có thư ký, khiến chúng tôi ai nấy đều bất ngờ. Ông nói chuyện rất vui vẻ, không nghi lễ gì cả”.

Một lần, nhân dịp ra mắt tuyển tập Nguyễn Hiền (cháu họ Trạng Quỳnh) tại Hà Nội, tôi không nhớ năm, ông Lê Khả Phiêu đã đến dự và phát biểu ý kiến về Nguyễn Hiền. Lúc ấy ông đã nghỉ công việc nhà nước. Tôi rất ngạc nhiên nghe ông nói về Nguyễn Hiền, người đồng đội với những cá tính và phong cách “rất Thanh Hóa và rất Trạng Quỳnh”.

Một lần khác, tôi đến dự khai mạc triển lãm của hai anh em họa sĩ Lê Huyên và Lê Hàn ở 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Tôi đến đã thấy có ông Lê Khả Phiêu ở đó. Ông đứng lẫn trong những người đến dự triển lãm. Phóng viên đề nghị ông phát biểu ý kiến, ông khiêm tốn nói: “Đừng đưa tôi lên truyền hình”. Thật cảm động về câu nói ấy của ông. Nhưng rồi ai cũng xin chụp ảnh với ông.

Năm 2015, khi Hội Cựu Thanh niên xung phong Thanh Hóa đề nghị tôi cộng tác viết cuốn 65 năm Thanh niên xung phong Thanh Hóa anh hùng, chuẩn bị xuất bản, tôi nói với anh Lê Trung Sơn, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Thanh Hóa: “Ít nhất phải có bác Lê Khả Phiêu viết lời giới thiệu. Đây là việc khó”. Anh Lê Trung Sơn bảo: “Thôi để anh Hồng thư ký của bác Lê Khả Phiêu thảo văn bản, đánh máy để bác ký bản đánh máy là được”.

Tôi tìm điện thoại và điện cho anh Hồng để xin gặp ông. Anh Hồng báo cáo, ông Phiêu đồng ý nhưng yêu cầu đưa bản thảo đến xem. Tôi mạnh dạn thưa lại: “Anh em chúng cháu muốn bác viết tay và xin được chụp nguyên bút tích của bác”. Ông chỉ cười và nói một từ: “Được!”.

Hai tuần sau, tôi và anh Lê Trung Sơn đến, thật bất ngờ, bản viết tay, mực màu xanh đã được hoàn thành với nét chữ chân phương.

Luôn gần gũi, giúp đỡ văn nghệ sĩ

img
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chụp ảnh cùng thường trực Ban liên lạc văn nghệ sĩ - nhà báo Xứ Thanh tại Hà Nội và Trưởng ban liên lạc đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội tại Văn phòng của Nguyên Tống Bí thư (tháng 8/2017)

Năm 2017, chuẩn bị hoàn thành bộ sách Văn nghệ sĩ - Nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội (có tựa đề Với quê Thanh), tôi báo cáo Thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa về việc người viết lời giới thiệu. Các anh trong Tỉnh ủy cho chỉ đạo, bộ sách quý này cần được viết lời giới thiệu bởi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Tôi báo cáo ông Lê Huy Ngọ, Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội. Ông Ngọ yêu cầu chúng tôi chuẩn bị bản thảo thật tốt. Sau đó hai ngày, ông Ngọ cùng anh em thường trực Ban liên lạc Văn nghệ sĩ - Nhà báo hẹn với thư ký, xin phép được đến thăm ông Lê Khả Phiêu và xin ý kiến về việc viết lời giới thiệu.

Hôm ấy có ông Lê Huy Ngọ, tôi, NSND Tâm Chính, nhà văn - dịch giả Lê Bá Thự, nhà báo Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập báo Người Hà Nội. Qua buổi nói chuyện vui vẻ, gần gũi, chúng tôi thực sự cảm động trước tình cảm mà ông dành cho anh chị em văn nghệ sĩ.

Nghe tin ông mất, NSND Tâm Chính nói với tôi: “Thực sự nghe tin ông mất, tôi rất đau đớn. Ông như là người cha, người chú của tôi. Với Liên đoàn xiếc Việt Nam, ông rất quan tâm đến các nghệ sĩ, ông cũng đã từng trực tiếp xem chúng tôi biểu diễn.

Thậm chí ngày kỷ niệm 45 năm ngành xiếc Việt Nam vào năm 2001, tôi đến báo cáo ông về cuốn sách 45 năm ngành xiếc Việt Nam. Ông hỏi: “Sách thế nào?”. Tôi bảo: Báo cáo anh (lúc ấy tôi gọi anh), công việc chuẩn bị nhiều việc quá, để tuyên truyền chỉ có một cuốn sách về quá trình 45 năm ngành xiếc và 17 năm em làm Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ông nói ngay: “Đưa cuốn sách đến để tôi viết lời giới thiệu cho”. Tôi rất cảm động vì quá bất ngờ. Ông đang là Tổng Bí thư, nếu bình thường, phải trình lên trình xuống còn chưa gặp được, đằng này ông chủ động đề xuất làm tôi quá xúc động...”.

Hôm 4/4/2019, sau khi sách quý “Với quê Thanh” ra đời, anh em chúng tôi mang sách đến tặng ông, những người cùng đi hôm đó có tôi và NSND Tâm Chính, nhà thơ Trịnh Xuân Thu. Lúc đó, thư ký nói chỉ được gặp 10 phút, để giữ sức khỏe cho ông.

Sau khi tặng sách, chúng tôi xin chụp ảnh chung, ông bảo: “Chờ tôi xem chút”. Chúng tôi chờ... Một, hai, ba phút... rồi nửa tiếng. Thư ký lên làm hiệu đã hết giờ. Tôi vội đứng dậy. Ông quay lại nhìn thư ký, nói một câu ngắn gọn: “Tôi đang xem!”. Anh thư ký thấy vậy liền quay ra.

Chỉ một việc nhỏ ấy thôi cũng đủ cho thấy ông là người rất cụ thể và cẩn thận. Tôi không bao giờ nghĩ là ông xem được hết cả cuốn sách. Lúc ông gấp bộ sách dày cộp lại, chúng tôi ngó đồng hồ mới biết, ông đã dành gần 1 tiếng để đọc cuốn sách.

Sáng 7/8/2020, tôi đang làm việc với các đồng chí ở Đại học Hồng Đức Thanh Hóa, TS. Nguyễn Văn Thế, Phó phòng Quản lý khoa học nói nhỏ với tôi: “Trên mạng nói bác Phiêu ốm nặng lắm, đúng không anh?”. Tôi bảo anh Thế: “Ông ốm nặng lâu rồi. Anh em tôi đã đến thăm”.

Nhưng chỉ mấy phút sau đó, anh Thế báo tin: “Bác Phiêu mất rồi, nhiều báo đưa tin”. Tôi điện cho ông Lê Huy Ngọ, ông bảo: “Bác Phiêu mất lúc 2 giờ 52 phút sáng nay”. Tôi như rụng rời. Vậy là người con ưu tú của xứ Thanh đã ra đi...

Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, ông đã để lại những cống hiến to lớn cho Đảng, cho nhân dân, đất nước. Nhưng với văn nghệ sĩ, nhà báo, bất kể ở đâu, ông cũng luôn dành một tình cảm rất tốt đẹp, gần gũi và không bao giờ quan cách.

Thanh Hóa ngày 7/8/2020

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.