Xã hội

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung: Sự thách thức pháp luật

26/03/2016, 20:49

Vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung là sự thách thức coi thường pháp luật của những đối tượng gây án.

IMG_1521
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết ngón tay trỏ bị đánh nát vẫn rất đau, cứ 3 tiếng phải uống thuốc giảm đau một lần

Vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Lao Động bị hành hung dã man ngày 24/3, là sự thách thức coi thường pháp luật của những đối tượng gây án và cũng cho thấy sự nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo chân chính.

Hành vi phạm tội của các đối tượng hành hung nhà báo Đỗ Doãn Hoàng là rất côn đồ, hung hãn. Bọn chúng đã tổ chức, lập kế hoạch và có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi ra tay hành động chặn đánh nhà báo trên đường đất nối từ ngõ 292 Kim Giang ra đường Nguyễn Xiển. Xung quanh hiện trường là một số công trình xây dựng, các nhà dân và khu chung cư nằm cách xa hàng trăm mét. Các đối tượng đã lên kế hoạch phục đánh nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tại địa điểm ít người qua lại. Có ba đối tượng đã dùng gậy, tay và chân đánh liên tiếp. Thậm chí, các đối tượng còn dùng chân đạp vào đầu. Do vẫn đội mũ bảo hiểm nên phần đầu không bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên, ngón tay trỏ của bàn tay phải đã bị đánh nát, nhiều vết trên người bị sưng to, trầy xước, bầm tím…

Hành vi phạm tội của các đối tượng đã có dấu hiệu phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 104 Bộ luật hình sự.

Để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này, trong trường hợp tỷ lệ thương tích phải từ 11% trở lên hoặc trường hợp tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 104. Như vậy, việc xác định tỷ lệ thương tật của nhà báo Hoàng là rất quan trọng để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự và xác định hình phạt đối với các đối tượng phạm tội.

Nhà báo Hoàng đã bị đánh dập nát ngón tay, nên có thể thuộc trường hợp “gây cố tật nhẹ” theo điểm b khoản 1 Điều 104.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2003 NQ-HĐTP ngày 17/04/2003 quy định về gây cố tật nhẹ cho nạn nhân là trường hợp làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân. Ví dụ “Gây thương tích làm cứng các khớp liên đốt ngón tay giữa ở tư thế bất lợi có tỷ lệ thương tật từ 7% đến 9%".

Trong vụ việc này, nếu kết quả giám định của cơ quan chuyên môn xác định tỷ lệ thương tật của Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng dưới 11% thì các đối tượng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 BLHS với tình tiết “có tính chất cô đồ”.

Việc các đối tượng hành hung dã man nhà báo, cũng không loại trừ khả năng chúng đã được thuê đánh trả thù Nhà báo. Nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh thì các đối tượng này có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm h, Khoản 1, Điều 104 BLHS: “Thuê người gây thương tích hoặc gây thương tích thuê” nếu tỷ lệ thương tật là dưới 11%, trong trường hợp tỷ lệ thương tật trên 11% thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 104 BLHS.

Cần có những biện pháp ngăn chặn

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung ngay trên địa bàn thủ đô, khi mà nhân dân đang có nhiều ý kiến đóng góp về cơ chế bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp tránh bị xâm hại đến uy tín, danh dự, tính mạng, sức khỏe thì đây là một sự thách thức vô cùng lớn với pháp luật và toàn bộ xã hội nói chúng. Sự việc xảy ra như đòn đánh mạnh vào uy tín, danh dự của nghề làm báo, một nghề luôn phản ánh sự thật của đời sống, lên án những hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức, là những người góp phần mang lại công bằng cho xã hội.

nha-bao-bi-hanh-hung-2-1458884983
Nhờ có chiếc mũ bảo hiểm này mà nhà báo Đỗ Doãn Hoàng may mắn không bị đánh vào vùng đầu

Thực tế đã có nhiều vụ việc nhà báo bị hành hung gây thương tích trên địa bàn cả nước thời gian qua, nhưng mức độ xử lý còn chưa nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Trong việc xử lý các đối tượng đôi khi còn chưa tương xứng với hành vi, qua đó thiếu sự răn đe đối với các đối tượng cản trở hoạt động của nhà báo qua việc hành hung gây thương tích xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của nhà báo.

Để có thể ngăn chặn các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín của Nhà báo khi tác nghiệp thì trước tiên các Nhà báo phải cảnh giác bảo vệ bản thân khi tham gia tác nghiệp vào các lĩnh vực nóng, phức tạp, nhạy cảm của đời sống xã hội. Nếu quá trình hành nghề phát hiện ra những dấu hiệu, nguy cơ mất an toàn của bản thân như bị đe dọa thì có thể thông báo với Cơ quan chủ quản và Cơ quan Công an để có những biện pháp điều tra xử lý ngăn chặn…

Trường hợp đối tượng nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhà báo, nếu có căn cứ xử lý về hình sự thì khi xét xử phải xử lý nghiêm minh. Chúng ta phải cương quyết không cho hưởng án treo, đối với những loại tội phạm xâm hại đến quyền hành nghề hợp pháp của các Nhà báo chân chính.

Ngoài ra, chúng ta có thể đưa ra xét xử điểm một số vụ án điển hình để nhằm mục đích răn đe, trừng trị thích đáng những đối tượng cố tình vi phạm để cảnh báo chung cho những ai có ý định thực hiện hành vi trái pháp luật.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.