Xã hội

Nhà báo đưa tin “hai mặt” là trái đạo đức

24/05/2016, 07:40

Dù không dùng tên thật nhưng nhà báo đưa tin “hai mặt” như vậy là trái với lương tâm, đạo đức.

PHam Hong Hai

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải phát biểu tại cuộc họp báo chiều 23/5

Có thực tế nhà báo viết bài, ký tên thật của mình thì viết kiểu khác, nhưng khi đưa thông tin lên mạng xã hội lại đưa kiểu khác. Điều này trái với lương tâm, đạo đức người làm báo.

Quan điểm trên được Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh khi đề cập đến vấn đề đạo đức nhà báo tại cuộc họp báo triển khai học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 và góp ý kiến xây dựng quy định đạo đức người làm báo, diễn ra chiều 23/5.

Có cấm được PV đưa tin trên mạng xã hội?

Tại cuộc họp báo, nhiều PV đưa ra băn khoăn về việc một số cơ quan báo chí đưa ra quy định nội bộ hạn chế PV chia sẻ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội, điều này có trái Hiến pháp hay không, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Báo chí (Cục Báo chí, Bộ TT&TT) giải thích: nếu theo quy định của Hiến pháp thì việc cấm hay hạn chế quyền tự do ngôn luận của công dân là việc vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới có những cơ quan báo chí có những quy định riêng và khi nhà báo xác định làm trong cơ quan báo chí đó thì tức là đồng ý với những thỏa thuận ở cơ quan ấy, phải cùng nhau thực hiện. “Hiến pháp cấm cản trở quyền tự do ngôn luận, nhưng cản trở tức là một bên không cho bên kia hoạt động, còn cùng thực hiện một quy định do thỏa thuận trước thì không vi phạm”, ông Hiếu phân tích.

Liên quan đến trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, các PV chia sẻ hiện nay, báo chí tác nghiệp có rất nhiều khó khăn so với trước đây. “Luật quy định báo chí đưa tin khi chưa được sự đồng ý của nhân vật là vi phạm, vậy nếu cơ quan Nhà nước từ chối không trả lời báo chí thì có phạm luật không? Chính phủ và các bộ, ngành luôn nói phải hợp tác với báo chí nhưng nhiều bộ, ngành lại ko hợp tác, thậm chí quay lưng với dư luận. Vậy làm sao để báo chí tác nghiệp đúng luật và đúng đạo đức?”, một PV của báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi.

Trả lời thắc mắc trên, ông Hiếu cho rằng, phải có sự phân định rõ ràng, vì không phải lúc nào các cơ quan quản lý và các cá nhân có thẩm quyền cũng có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin cho báo chí: “Nếu trong một vụ việc, các cơ quan này có nghĩa vụ cung cấp thông tin và trả lời báo chí mà họ không cung cấp thì báo chí có quyền phản ánh, nếu họ sai thì họ phải chịu trách nhiệm. Còn khi họ không có nghĩa vụ thì chúng ta không thể nói họ phải cung cấp thông tin được”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nhấn mạnh thêm, nếu là nghĩa vụ thì cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp, còn có những thứ không phải là nghĩa vụ thì chỉ căn cứ vào sự hợp tác giữa hai bên. “Riêng việc cung cấp thông tin cho báo chí, Chính phủ tới đây sẽ có hướng dẫn yêu cầu rõ nội dung gì phải cung cấp, người nào có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho báo chí trong những vụ việc thời sự”, ông Hải cho biết.

Ai bảo vệ nhà báo?

Nhấn mạnh quan điểm đạo đức của người làm báo là vấn đề cốt lõi, có tính sống còn với hoạt động báo chí, ông Hồ Quang Lợi cho rằng, nghề báo lại mang một tính chất đặc biệt hơn, có thể chi phối dư luận xã hội nên nếu không tôn trọng vấn đề đạo đức thì sẽ gây ra tác hại rất lớn. Hiện nay có một số nhà báo khi viết bài báo ký tên công khai thì viết khác, nhưng khi đưa lên mạng xã hội thì lại đưa ý kiến trái ngược hoàn toàn, như thế là “không ổn”. Dù không dùng tên thật nhưng nhà báo đưa tin “hai mặt” như vậy là trái với lương tâm, đạo đức.

Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông về thực tế có nhiều trường hợp nhà báo bị hành hung khi tác nghiệp, nhưng sau đó rất ít vụ được làm rõ ràng, trong khi Hội Nhà báo cũng không có động thái gì mạnh mẽ hơn để bảo vệ các nhà báo ngoài việc ra công văn đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, Trưởng phòng Báo chí Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận hàng năm có xảy ra một số vụ nhà báo bị hành hung. Tuy nhiên, cũng theo ông Hiếu, “những vụ này so với lượng hội viên không phải lớn”.

“Hội Nhà báo chỉ có trách nhiệm bảo vệ hội viên, chỉ bảo vệ được những cái chân chính, còn cái không chân chính thì không bảo vệ được”, ông Hiếu nói và dẫn chứng vụ một nhà báo ở Thái Nguyên bị hành hung, nhưng trong vụ việc ấy, Hội Nhà báo chỉ có thể đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc ngay chứ không thể xác định đúng hay sai, cũng không thể tuyên án thay được. Chốt lại, ông Hiếu cho rằng: “Hội giúp đến đâu thì quý đến đấy”.

Quy hoạch báo chí sẽ tác động tới hoạt động báo chí

Trao đổi tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, hiện nay Bộ đang triển khai Quy hoạch báo chí. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã làm việc với các bộ, ngành, các địa phương, đã tập hợp lại để trình Chính phủ khóa mới xem xét, phê duyệt. Quy hoạch báo chí chắc chắn sẽ có tác động tới hoạt động báo chí.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đang xây dựng Nghị định của Chính phủ để triển khai thực hiện quy chế tự chủ đối với các cơ quan báo chí hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp. Trong thời gian ngắn nữa, Bộ sẽ đăng dự thảo lấy ý kiến về việc phân loại dịch vụ sự nghiệp công, từ đó để thấy Nhà nước cần cấp kinh phí cho hoạt động này ra sao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.