Bạn cần biết

Nhà báo khốn khổ vì bệnh nghề nghiệp

21/06/2015, 13:44

Công việc bận rộn, áp lực, căng thẳng, giờ giấc làm việc thất thường, di chuyển liên tục... là những nguyên nhân mắc bệnh.

231
Ngà báo chí cách mạng 21/6: Áp lực để có những tin, bài, hình ảnh nóng hổi khiến nhiều nhà báo quên mất việc quan tâm đến sức khỏe bản thân

Phát khổ với dạ dày

Đã hơn 10 năm nay, anh T. PV Báo An ninh Thủ đô khốn khổ với cái dạ dày thường xuyên đau. “Cũng thuốc thang điều trị đông tây y đủ cả rồi đấy, nhưng vì là bệnh mãn tính, lại không kiêng khem được như lời bác sỹ dặn, thậm chí đang uống thuốc mà nhiều khi vẫn không tránh khỏi rượu bia, thức khuya bỏ bữa nên đau vẫn hoàn đau”, anh T. kể.

Bác sỹ Phan Thảo Nguyên, Bệnh viện E cho hay, nguyên nhân dẫn đến các bệnh về dạ dày có nhiều, nhưng có nguyên nhân quan trọng do thần kinh. Viêm loét dạ dày thường hay gặp ở những người làm việc quá căng thẳng; có chế độ ăn uống thất thường, không theo quy luật. Với hai nguyên nhân này, nhà báo nào cũng vấp phải nên nguy cơ mắc bệnh là dễ hiểu.

Chị M., PV Báo Pháp luật đời sống cũng thường xuyên trải qua những cơn đau dạ dày cho biết, dù bác sỹ đã cảnh báo, nhưng nghề nghiệp thì không thể tuân theo. “Có sự kiện xảy ra thì có khi sáng không kịp ăn, trưa chả thiết ăn, đến lúc đói quá thì vớ tạm bất cứ cái gì có thể ở hiện trường, từ thức ăn nhanh, thức ăn nóng, thức ăn lạnh, chua cay… để chống đói”, chị M. nói.

Anh T. cũng cho rằng, áp lực về tính thời sự, nhanh nhạy của nghề báo khiến công việc cứ đeo bám ngày đêm, chẳng bao giờ dứt. “Tôi đi khám bệnh, có bác sỹ còn đùa, may chăng chỉ có bỏ nghề mới đỡ bệnh”, anh T. dí dỏm.

Nhăn nhó vì xương khớp

Nhiều lần phải bước đi kiểu cà nhắc vào hội thảo, hội nghị, ngồi ghé xuống mép ghế cũng nhăn nhó vì đau, chị H., PV một tờ báo lớn tâm sự, chị vẫn “giấu” bệnh tật với cơ quan bởi sợ bị “miễn trừ” khỏi những chuyến công tác xa gần và sợ khắc dấu hình ảnh “mới ngoài 30 tuổi đã “lủng lẳng” xương khớp như người già”. “Mình bị thoái hóa xương sống, gai đốt sống, bệnh xác định phải chung sống cả đời. Vậy nên trừ lúc đau quá mình phải nghỉ, còn cố được thì phải cố thôi”, H. tự nhủ.

Còn với biên tập viên C., Tạp chí Em đẹp, sau nhiều năm miệt mài với “chân” PV, giờ quyết định lui về làm biên tập viên thì: “Chưa vợ, chưa quá 30 tuổi mà ngày nào về đến nhà cũng phải nằm dài ngay, bởi lưng, vai, gáy cứ ê ẩm, mỏi nhừ”. Có đợt đau mỏi quá, C. đi chụp chiếu, nhưng bác sĩ bảo là do ít vận động, ngồi sai tư thế gây đau nhức phần cơ. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cảnh báo nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ và lưng rất cao nếu không chịu thay đổi thói quen ngồi lâu, tăng cường vận động, thể dục thể thao.

"Không chỉ công việc cần thao tác trên máy tính, cập nhật thông tin trên internet liên tục, mà bản thân cá nhân nhà báo thường nhanh nhạy công nghệ, ham thông tin, ham chia sẻ, nên “ôm” riết máy tính, điện thoại, dù biết có hại cho sức khỏe”.

V., phóng viên của một tờ báo ngành chia sẻ

“Nhưng công việc biên tập, nhất là biên tập cho báo điện tử thì ngồi từ sáng đến nửa đêm, chả dứt ra được mà thể dục thể thao. Cùng lắm lúc nào mỏi quá thì thì rời khỏi ghế, đi lại tại chỗ độ vài phút”, C. cho biết.

Với PV báo chí, việc tác nghiệp trong mọi điều kiện, địa hình là chuyện thường ngày. Phòng họp chật, hết ghế ngồi, nhiều người sẵn sàng đứng vẹo người hoặc ngồi bệt xuống nền nhà, đặt máy tính lên đùi để viết. Lấy thông tin xong, để đảm bảo tiến độ cập nhật về tòa soạn, các PV có thể vừa ngồi trên xe ô tô vừa gõ bài, bóc băng. Việc phải ngồi đúng tư thế, đảm bảo nguyên tắc ít nhất sau hai tiếng làm việc trên máy tính phải dừng nghỉ một lần, trong tác nghiệp báo chí, nhiều khi là những thứ quá xa xỉ.

Theo PGS. TS Trần Văn Chương, Khoa Phục hồi chức năng, BV Đa khoa Quốc tế Vinmec, các tư thế ngồi như: ngồi bệt trên sàn nhà, ngồi xổm làm việc với máy tính sẽ ảnh hưởng không tốt đến cột sống, các khớp ở chi trên và chi dưới, vùng khung chậu. Ngồi xổm còn có thể gây nên hoặc làm nặng thêm bệnh trĩ và sa sinh dục đối với phụ nữ. “Nếu bắt buộc phải ngồi ở tư thế đó thì không nên ngồi lâu, cứ sau 1 giờ làm việc nên đứng dậy đi lại và vận động ít nhất 10 phút. Với những người ngồi làm việc sai tư thế, lâu bên máy tính thường bị đau cổ vai gáy, có thể gây nên thoái hóa và/hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, viêm quanh khớp vai”, bác sĩ Chương khuyến cáo.

Mắt mờ, đầu đau

“Cứ kêu đau đầu, nhức mắt mà rời laptop ra là ôm lấy điện thoại, Ipad, hoặc đăm đắm vào tivi”, đó là lời than thở của một người vợ về một ông chồng trót đam mê nghiệp báo của mình.

Theo bác sỹ chuyên khoa Mắt Nguyễn Xuân Loan, Bệnh viện GTVT T.Ư, những người suốt ngày ngồi lì trước màn hình máy tính thường cảm thấy mắt bị căng thẳng hay mệt mỏi, khô mắt, nóng rát, ngứa hoặc chảy nước mắt, mắt bị mờ, nhức đầu và đau hốc mắt... Nếu bỏ qua các triệu chứng ban đầu và không điều trị đúng cách, người bệnh có thể đối mặt với tình trạng nghiêm trọng hơn như mắc phải tật khúc xạ.

“Vấn đề quan trọng nhất để giúp giảm nguy cơ các bệnh về mắt là điều chỉnh thói quen làm việc. Theo đó, sau mỗi giờ ngồi trước màn hình, nên cho mắt nghỉ 15 phút, phóng tầm mắt xa để điều tiết mắt. Việc nghỉ ngơi này còn giúp giảm nguy cơ bị các chứng nguy hiểm về thần kinh, cột sống... Với những biểu hiện nhìn mờ, hay mỏi mắt khi làm việc với máy tính, mọi người cũng nên lưu tâm, vì đó là biểu hiện của các rắc rối liên quan tới tật khúc xạ”, bác sỹ Loan cho hay. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.