Bạn cần biết

Nhà báo Xuân Ba: “Tai nạn nghề nghiệp giúp tôi tỉnh táo hơn”

18/06/2017, 13:45

Nhiều người ví Xuân Ba là Vũ Trọng Phụng trong thể loại phóng sự, để có cái danh ấy ông từng phải bươn trải...

6

Nhà báo Xuân Ba

Báo Giao thông có cuộc trò chuyện với nhà báo Xuân Ba (Báo Tiền Phong) nhân kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017).

Nhìn lại hơn 30 năm viết báo, ông tâm đắc nhất bài viết nào? Điều gì khiến ông còn trăn trở về nghề?

Xin lỗi không phải hơn 30 mà hơn 40 năm. Chợt nhớ nhà văn Vũ Bằng có giễu về cái nghề mà nhà văn nhà báo Vũ Bằng chí cốt tâm đắc với vô khối niềm vui nỗi buồn là bốn mươi năm nói láo…

Đã đành nghề báo thời buổi này, không hiếm những người viết hành xử theo kiểu giành nửa cuộc đời để viết những gì mà mình không biết và nửa cuộc đời còn lại để lờ đi những gì mình biết! Nhưng may mắn thử tạm phác một con tính hầu hết tác phẩm báo chí của tôi viết đa phần là thích mà viết chứ không phải do bị ép, bị cưỡng. Tất nhiên, đã có thời cũng bị ép, bị cưỡng…

Nhưng phải cố mà vượt thoát… Vượt thoát bằng cách nào thì khó nói. Nhưng cố phải giữ được cái bất biến mình phải cố là mình trong vô khối thứ vạn biến luôn làm cho mình thui chột và tan loãng. Người ta từng nói về cái tôi đáng ghét. Nhưng trong thể loại mà tôi tâm đắc và thường xuyên sử dụng là thể loại phóng sự nhân văn nhân bản, mình luôn tự tin và đàng hoàng (tất nhiên có những lúc vô lối?) để cái tôi của mình nhập cuộc, chứng kiến trạng huống cùng xâu chuỗi các sự kiện, sự việc với nhau. Hình như đó cũng là động cơ chút máu nghề còn lại khi hành nghề, khi nhập cuộc và cũng là câu bạn hỏi… Bởi, không còn chút máu nghề thì trăn trở làm cái gì?

Bạn đọc theo dõi những bài viết của ông thì thấy rõ nhiều giai đoạn: Thời kỳ ông còn trẻ cũng là lúc đất nước vừa mở cửa, ông có những phóng sự điều tra rất gai góc kiểu như “Một mớ bùng nhùng ở mỏ Đại Hùng”, “Khi các Bộ trưởng bước lên thềm cơ chế”... nhưng càng về sau thấy bài viết của ông rất hiền hòa. Vì sao lại như vậy?

Có phân khúc, phân kỳ trong đời viết có lẽ cũng là sự thường bởi nhiều duyên do. Vấn đề là có nối, có duy trì được chút máu, chút lửa mà mình từng nhen nhóm?

Nghe nói trong đời làm báo ông từng bị khởi tố hình sự, vì sao vậy?

Chính xác là hai vụ khởi tố. Báo Tiền Phong năm 1994 và 1996 bị Công an TP.HCM và Cục An ninh điều tra Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) khởi tố vì tội tiết lộ bí mật quốc gia bởi hai bài viết mà tôi là tác giả. Nhưng chưa có lệnh khởi tố bị can.

Làm thế nào ông thoát được tai nạn nghề nghiệp đó?

Đúng như bạn nói là tai nạn nghề nghiệp. Nghề báo là một nghề mong manh vì đặc thù nghề nghiệp của nó. Nghề nào cũng có sự bảo hiểm nhưng nghề báo ranh giới ấy nó nhạt nhòa lắm. Không phải thời điểm tôi gặp nạn mà hình như sau này và bây giờ vẫn vậy.

Động cơ viết bài báo này là gì? Nguồn tài liệu để viết? Ai cung cấp? Đó là nội dung và câu hỏi mà các điều tra viên của cơ quan điều tra lặp đi, lặp lại trong hàng chục lần thẩm vấn trong các buổi làm việc. Kể ra thì dài. Tôi có đề cập đến những tai nạn nghề nghiệp này trong cuốn Đêm dài lắm mộng (NXB Văn học năm 2016 ) và Ngọn cỏ gió vờn NXB Hội Nhà văn 2013).

Tóm lại, với tất cả các bạn đồng nghiệp, bí quyết để cứu được mình trước tiên phải là động cơ không vụ lợi. Phải kiên quyết với cái xấu, cái ác, cái tiêu cực là động cơ chủ đạo của tác giả và bài viết. Cứu mình trước khi trời cứu là vậy. Trời ở đây nên hiểu là Ban biên tập lãnh đạo của tờ báo phải kiên quyết bảo vệ cái đúng của phóng viên. Mà bảo vệ, bạn biết không, phải biết cách ngoài cả dũng khí. Sau nữa, cái đúng ấy sẽ có sức lan tỏa thuyết phục cấp này cấp khác hoặc cá nhân lãnh đạo nào đó có sẵn những thiên lương.

Trở lại điều tôi nói là mong manh của nghề báo. Một kỷ niệm hơi buồn. Một lãnh đạo Hội Nhà báo thời điểm tôi gặp nạn, có lẽ do bị thúc giục tác động thế nào đó đã có động thái khuyên tôi nên vào… Trại giam Chí Hòa theo lệnh triệu tập! May mà nhiều lời khuyên khác đã ngăn mình lại. Thật hú vía! Bây giờ ngồi nhớ lại điều này, cá nhân tôi chịu ơn rất nhiều người có trách nhiệm bằng tấm lòng đồng cảm đã thể hiện dũng khí ở các cấp độ và phương cách khác nhau. Và cũng nên nhắc lại câu trong Bình Ngô Đại Cáo (vốn bị bỏ quên hàng chục năm nay trong sách giáo khoa ở các bậc học) là: Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng ngầm giúp mới được như vậy!

Có người nói sau vụ bị khởi tố giọng viết của Xuân Ba dịu hẳn, không còn gai góc. Có phải ông sợ bị tai nạn?

Sợ chứ sao không. Cổ nhân nói con chim từng bị tên khi nghe tiếng đàn chùng (ngỡ âm thanh cung, nỏ) cũng sợ mà bay cao. Nhưng tôi biết bay đi đâu đây? Điều chi xui khiến hay mê hoặc mà mình vẫn đành (hay tự nguyện?) đậu tiếp ở cái cây báo, nghề báo từ bấy đến nay? Khó rành rẽ được lắm khi cái nghề đã ám vô người rồi.

Sau tai nạn, phải khôn ngoan, tỉnh táo hơn. Đề tài, cách viết, con mắt cách nghĩ phải nhân văn, nhân bản hơn… Đồng nghiệp từng khuyên tôi lắm thứ đại loại vậy! Cũng có người vỗ vai đánh bộp rằng, đánh địch phải biết bảo vệ lực lượng chứ cứ nhông nhông xông lên tự nguyện làm liệt sĩ thì cách ấy chỉ hạ sách. Nghe vậy cũng chỉ biết vậy?

7

 

So với trước đây ông thấy làm báo dễ hơn hay khó hơn?

Vốn biết việc đời không phải dễ/ Mà nay càng thấy khó khăn hơn. Bác Hồ từng nói vậy. Tôi mạo muội nói liều câu này nhé. Trừ các quan báo, nếu ai trụ trong nghề khoảng chục năm hơn thấy cái nghề này nó bạc và bất trắc, mong manh nên chọn việc khác, nghề khác cho nó lành. Nói vậy vì hình như cái nghề này, nghề chọn người chứ người không chọn nghề được.

Không ít người ví Xuân Ba là Vũ Trọng Phụng trong thể loại phóng sự, nhưng ít ai biết được rằng, để có cái danh ấy ông đã từng phải đi rửa bát thuê cho các hàng phở để tìm kế sinh nhai, rồi từng phải đi bán báo dạo. Những quãng ngày vất vả ấy giúp ích gì cho ông trong nghề báo?

Người ta trót yêu thì nói quá lên đó thôi. Ai cũng có một thời khó. Và cũng chả biết thời nào khó hơn thời nào. Nhưng thời đã qua ấy đã mở mắt cho mình điều đơn giản rằng, cuộc sống bạn đọc cần đường ấy, hướng ấy nhưng báo chí lại đi một nẻo.

Ngay từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã viết về giới chức lãnh đạo cao cấp. Điều gì thôi thúc ông bước chân vào lĩnh vực này?

Tôi nghĩ đơn giản đó là một lĩnh vực, một địa hạt và đề tài hấp dẫn của báo chí và văn chương. Nhưng từ lâu lắm, dân viết Việt mình hình như không ngó ngàng gì đến. Bởi có nhiều nguyên nhân.

Nhà báo Xuân Ba, tên thật là Trịnh Huyên, SN 1954 tại thôn Việt Yên, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông tốt nghiệp khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội cuối năm 1976. Năm 1977, ông về báo Tiền phong và công tác suốt từ đó cho đến nay. Ông trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998 (Nhà văn Nguyễn Khải giới thiệu).

- Các tác phẩm chính (Tập sách Phóng sự-Bút ký văn học):

- Mọi linh hồn đều được đưa tiễn (NXB Hội Nhà văn, 1991);

- Vẫn phải tin vào những giọt nước mắt (NXB Văn học, 1995);

- Thời chưa xa, người chưa cũ (NXB Văn học, 2004);

- Khang khác mây thường (NXB Hội Nhà văn, 2004);

- Chuyện buồn kể muộn (NXB Hội Nhà văn, 2005);

- Một tuần nước Mỹ (NXB Hội Nhà văn, 2006);

- Ngọn cỏ gió vờn (NXB Hội Nhà văn, 2013);

- Những cự ly thương mến (NXB Thanh Niên, 2013);

- Đêm dài lắm mộng (NXB Văn học, 2014).

Trên thế giới, xung quanh các nhân vật quan trọng - các VIP - bao gồm từ các chính khách các nghệ sĩ lớn, các cầu thủ bóng đá, luôn luôn có những người đi kèm để viết tiểu sử của họ. Nhưng ở ta, tình hình có khác? Có vẻ như bao quanh các VIP là cái kén bí mật cứ như không muốn để ai biết về cuộc sống riêng ? Mà cánh nhà báo nhà văn (nếu có) được phân công đưa tin về các vị ấy thì chưa thấy những bài báo có tầm. Như thể đang thiếu vắng hẳn lao động và kinh lịch của một nhà văn? Những kinh lịch đó phải được đưa, phải nhuyễn trong tác phẩm. Phải quán triệt một định đề rằng, cuộc sống đa dạng phong phú cũng như yêu cầu chính đáng của bạn đọc là giới nhà văn, nhà báo phải coi việc viết về các VIP là nghĩa vụ trước lịch sử vậy!

Chung quanh các lãnh đạo của Việt Nam, cũng có bao nhiêu người từng là bác sĩ là thư ký riêng, là dân tay hòm chìa khóa luôn luôn phải lo phục vụ từ việc công tới việc tư. Nếu những người đó có cách nhìn riêng bản lĩnh riêng thu thập những hiểu biết về các vị VIP ấy, ngay từ trong chốn riêng tư thì chúng ta sẽ có bao nhiêu những thông tin thú vị? 

Cố nhiên, ở xứ mình điều đó không đơn giản? Rất nhiêu khê, thậm chí nguy hiểm? Hẳn người ta còn nhớ, hồi hòa đàm ở Yalta sau Đại chiến thứ hai, sau khi họp kín với Churchill, Roosevelt, Stalin có nói với người phiên dịch của mình:

- Mày biết nhiều quá, tao muốn mượn luôn cái đầu của mày quá!

Người trong cuộc dễ chuốc lấy tai vạ khi viết. Nhưng công chúng thì hưởng lợi. 

Một xã hội hiện đại là một xã hội trong đó người làm chính trị dù ở cấp nào cũng nên (phải?) là một thứ công chức và cũng phải chịu sự quản lý của pháp luật.

Tôi cũng có vài kỷ niệm về việc hành nghề ở xứ người trong chức phận nhóm báo chí tháp tùng một số chuyến công cán của lãnh đạo. Như những đồng nghiệp khác, ngoài việc phải tranh thủ và nhanh chóng hoàn thành những tin nóng thời sự của chuyến thăm để kịp thời chuyển tải về tòa soạn ở nhà. Cái anh viết phóng sự phải có cung cách nói đúng hơn là phải có cách… cảm khác!

Những mảng tình huống, hoàn cảnh phát sinh sự kiện, những nhân vật, những thân phận... ở xứ người có sức lôi cuốn riêng. Dường như những chuyến đi là cái cớ để mà mình được tiếp cận mà truyền tải đến bạn đọc cái cảm giác của người đang can dự vào sự kiện trạng huống này khác. Thời gian gấp ruổi ngặt nghèo bởi những quy định khắt khe của chuyến thăm mà mình chỉ là thân phận báo chí tháp tùng. Làm sao giành được những cơ hội, những phút quý báu cho cái nghề phóng sự? Tôi đã gắng theo cách riêng của mình cộng với những may mắn khác nên cũng có những ghi chép được bạn đọc quan tâm.

Khiêm tốn mà nói, chỉ vậy thôi. Chứ còn nói như bạn, để viết về giới chức lãnh đạo cao cấp theo cái nghĩa như tôi hiểu và đã nói trên thì mới chỉ là vỡ vạc. Thậm chí là thất bại. Nhưng tôi tin với xu thế đổi mới tất yếu của báo chí, đồng nghiệp của mình sẽ làm. Mà làm tốt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.