Chuyện dọc đường

Nhà đầu tư cần được bảo vệ, hỗ trợ

11/11/2019, 06:33

Nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông tăng nhanh, quy mô lớn mà vốn từ ngân sách Nhà nước eo hẹp, sự đóng góp của khu vực tư nhân là rất ý nghĩa.

img
Dự án hầm đường bộ Đèo Cả là một trong những dự án được thực hiện theo hình thức BOT và BT, các phương tiện chỉ mất 10 phút thay vì 45 phút nếu lưu thông qua đường đèo

PPP là phương thức hữu hiệu để khai thác nguồn vốn to lớn của xã hội thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng. Thực tế, nhiều công trình hạ tầng giao thông đã hoàn thành với sự tham gia của khu vực tư nhân. Từ những công trình cầu đường cỡ nhỏ ở các địa phương cho đến những công trình quy mô như cảng Cửa Lò, cầu Bạch Đằng, nhiều tuyến cao tốc được làm từ vốn BOT...

Các dự án hạ tầng giao thông phải là đột phá chiến lược, trong đó các dự án PPP được coi là đột phá trong đột phá từ cách làm và thể chế. Tôi đã kiến nghị tới Chính phủ phải thay đổi tư duy làm luật, nếu không, chẳng chủ đầu tư nào có thể sống được với tình trạng thay đổi, rủi ro về mặt chính sách. Chúng ta thậm chí cần có những khuôn khổ chính sách riêng cho những dự án đặc biệt. Những dự án BOT cho các công trình trọng điểm, cần phải được coi là sứ mệnh quốc gia, chứ không chỉ là trách nhiệm của nhà đầu tư.

Do đó, Luật PPP phải được xây dựng trên tinh thần bảo vệ, hỗ trợ nhà đầu tư chứ không thể tư duy như một bộ phận cơ quan công quyền hiện nay coi hợp tác với doanh nghiệp làm BOT là ban ơn cho họ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải quy định rõ ràng, minh bạch cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP, trên tinh thần bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng xã hội.

Thế nhưng, trong dự thảo luật PPP lần này trình ra Quốc hội, quy định cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu theo hướng: Chính phủ bù không quá 50% phần hụt thu và hưởng không ít hơn 50% phần vượt. Nếu theo phương thức này, ai cũng hiểu lỗ thì Nhà nước chịu ít mà lời thì ăn nhiều!

Cần phải nhìn nhận rằng, lợi ích của nhà nước trong các dự án PPP là lợi ích xã hội, lợi ích lâu dài từ cơ sở hạ tầng chứ không phải lợi ích tính bằng tiền. Do đó, để thu hút các nhà đầu tư, Luật phải tiếp cận theo hướng doanh nghiệp được hưởng lợi ích lớn nhất và chịu rủi ro thấp hơn.

Cụ thể, trong các dự án BOT, khó khăn hiện nay mức tính giá phí và thời gian thu. Các doanh nghiệp luôn muốn vòng đời dự án ngắn để nhanh thu hồi vốn. Tuy nhiên, khi đẩy mức thu phí cao, rút ngắn thời gian thu, đồng nghĩa người dân và doanh nghiệp vận tải chịu ảnh hưởng, gây bất ổn xã hội.

Do vậy, tôi xin đưa ra phương án kéo dài thời gian dự án, song nhà đầu tư thu phí chỉ trong một thời gian nhất định. Ví dụ, quy định thời gian thu phí là 10 năm, nhưng trong trường hợp mức phí quá lớn, Nhà nước sẽ đứng ra phụ trách phần còn lại. Phương án này xuất phát từ bài toán thực tế Nhà nước thiếu nguồn lực, chi phí vận tải tăng cao trong khi chúng ta muốn tạo động lực cho nhà đầu tư tham gia dự án PPP. Nếu không cân đối cách tiếp cận về mức phí và người thu phí trong từng giai đoạn dự án cho hợp lý, thì bài toán trên sẽ không thể xử lý được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.