Giao thông

Nhà đầu tư cần "thảm xanh" để bước vào dự án PPP giao thông

12/12/2014, 12:10

Tại hội thảo được tổ chức sáng 12/12, nhiều nhà đầu tư đề xuất các cơ chế tháo gỡ vướng mắc đang cản trở nguồn vốn tư nhân đổ vào hạ tầng giao thông hiện nay...

Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đèo Cả: 

Nhà đầu tư cần “thảm xanh” để bước vào dự án PPP giao thông

Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đèo Cả
Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đèo Cả

Khi bước vào hội thảo này tôi rất vui. Tôi thích màu thảm xanh của hội thảo hơn thảm đỏ thường thấy trong những dịp này. Với tôi, màu xanh tạo sự thân thiện, linh hoạt và hướng tới phát triển bền vững. Tôi mong muốn các cơ quan nhà nước có tinh thần như vậy đối với nhà đầu tư. Bởi nếu cơ chế rõ nhưng người thực thi không phù hợp thì rất khó làm.

Doanh nghiệp chúng tôi cũng rất quan tâm đặt quan hệ với tổ chức tín dụng, nhưng vay tiền dù là ngân hàng trong nước hay ngân hàng nước ngoài thì mong có sự tham gia của Bộ GTVT và Bộ Tài chính ngay từ đầu. Thời gian đầu khi mới tham gia dự án giao thông, chúng tôi lúng túng gần 3 năm. Rất may là cuối cùng nhờ Bộ trưởng GTVT có chỉ đạo tháo gỡ nên mới khơi thông được.

Tôi kiến nghị ngân hàng thực hiện tín dụng thì không tham gia bảo lãnh hợp đồng, có như vậy mới có thể kiểm soát được số lượng và dòng tiền.

Ngoài ra, tôi rất mong muốn Bộ GTVT công bố bảng xếp hạng doanh nghiệp đầu tư để làm nền tảng tham gia đấu thầu DA và chỉ định dự án. 

Trần Ngọc Thành – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt VN
Trần Ngọc Thành – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt VN

Ông Trần Ngọc Thành – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt VN: 

Cần cơ chế về đất đai, quản lý rõ ràng hơn 

Để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào đường sắt cần có các cơ chế về đất đai, quản lý rõ hơn. Chúng tôi đang xây dựng đề án thu hút đầu tư vào hạ tầng đường sắt.

Theo tôi, dứt khoát phải có bãi hàng, nhà kho mới có thể kêu gọi tư nhân đầu tư vào được. Nếu đầu tư manh mún sẽ không thể kết nối được các phương thức vận tải.

Chúng tôi đang đề xuất các cơ chế chính sách, liên quan đến quyền quản lý sử dụng, chính sách đất đai và gỡ những nút thắt cản trở tư nhân đầu tư vào kinh doanh đường sắt hiện nay. 

Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM: 

Cần giải quyết những rủi ro cho nhà đầu tư giao thông

Về mặt pháp lý, Thông tư 166 yêu cầu khi xem xét vốn góp chủ đầu tư, phải xem xét vốn điều lệ, trừ các phần góp đã cam kết. Đây đang là rào cản cho các công ty đầu tư tài chính, đặc biệt là công ty đã niêm yết chứng khoán. Nhà đầu tư không thể có vốn sẵn. Vốn đầu tư doanh nghiệp không chỉ vốn điều lệ, mà còn là vốn trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi theo Thông tư 166 thì trái phiếu chuyển đổi không được coi là vốn chủ sở hữu. Với nhà đầu tư, tiền không thể nằm chờ mà phải quay vòng. Áp lực cổ tức rất lớn. Vì thế Thông tư này là rào cản cho họ.

Hội thảo thúc đẩy vốn đầu tư vào giao thông do Báo Giao thông phối hợp Vụ PPP, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) tổ chức
Hội thảo thúc đẩy vốn đầu tư vào giao thông do Báo Giao thông phối hợp Vụ PPP, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) tổ chức

Ngoài ra, hiện nay có tình trạng trong hợp đồng BOT, giá vé thu phí không được tăng theo lộ trình đã quy định, điều này ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ của dự án, dẫn đến nợ xấu. Tôi cũng kiến nghị cần làm rõ hơn, quy định chính phủ về việc mua lại dự án. Theo Luật hiện nay, các ngân hàng không được sử dụng quá 30% vốn huy động ngắn hạn cho đầu tư dài hạn, như vậy nguồn vốn sẽ ngày càng hạn hẹp. Trong khi đó vốn từ tư nhân nhiều, cần tạo cơ chế để thu hút nguồn vốn này.

Chúng tôi đang viết đề án trái phiếu doanh nghiệp. Hiện nay, tính thanh khoản của trái phiếu này không có. Để thu hút công chúng mua trái phiếu, cần cho phép niêm yết trái phiếu này lên sàn chứng khoán. Vai trò ngân hàng thương mại rất quan trọng để quản lý nguồn thu, đảm bảo tính thanh khoản của trái phiếu. Ngân hàng khi bảo lãnh đã thẩm tra doanh nghiệp, khi cần có thể bán.

Một rủi ro rất lớn hiện nay là tiến độ dự án. Bộ GTVT và địa phương đã hỗ trợ chúng tôi nhiều về GPMB nhưng thực sự vẫn cần hỗ trợ nhiều hơn nữa. Bởi nếu dự án đình hoãn, dở dang, dòng tiền thay đổi và lịch trả nợ không đảm bảo. Tôi cũng muốn nói tới rủi ro về giá vật tư khi triển khai dự án. Thường thì cát đá sỏi cần khối lượng rất lớn và khai thác tại địa phương. Nhưng giai đoạn đẩy mạnh tiến độ, các chủ vật liệu địa phương không đảm bảo nguồn hoặc gây áp lực tăng giá nên đội giá chi phí cho nhà đầu tư. Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh - Tổng giám đốc Cienco 4: 

Cần rõ cơ chế thưởng phạt nhà thầu

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh - Tổng giám đốc Cienco 4
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh - Tổng giám đốc Cienco 4

Đến thời điểm này, chúng tôi đầu tư 4 dự án, khai thác 1 dự án, chuẩn bị 1 dự án và 2 dự án xong bước chuẩn bị đầu tư. Qua quá trình thực hiện các dự án, chúng tôi có một số đề xuất.

Với dự án BOT, Bộ nên áp dụng thưởng phạt hợp đồng để động viên khuyến khích nhà đầu tư. Nếu dự án xong sớm thì thưởng, còn muộn thì phạt. Ngoài ra, nên giải ngân theo tỷ lệ thực hiện. Nhà đầu tư có nhiều chi phí bỏ ra không phải là tiền thì không được tính chi phí lãi suất nên rất thiệt thòi. Chúng tôi cũng mong các bộ ngành liên quan hạn chế thủ tục hành chính, rút ngắn các thủ tục để tránh lãng phí cho nhà đầu tư, cho xã hội…

Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tasco:

Có dự án mời nước ngoài 10 năm chưa có ai tham gia

Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tasco
Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tasco

Về mặt nhà nước, Bộ GTVT mong muốn dự án có giá trị đầu tư lớn, thời gian thu phí trên dưới 20 năm, trong khi ngân hàng chỉ chấp thuận các dự án có thời gian thu phí dưới 15 năm. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách với các ngân hàng thương mại như thế nào để giải quyết vấn đề này.

Từ vấn đề đó cũng nảy sinh việc một số dự án chỉ ở mức độ 2000-3000 tỷ đồng, căn cứ vào lưu lượng nguồn thu thực tế với mức thu trong 20 năm nên trong 7 - 10 năm đầu mức thu không đủ để trả lãi vay, chứ chưa nói đến việc thu đủ vốn gốc. Trong khi đó, Ngân hàng lại yêu cầu Nhà đầu tư phải chứng minh chủ sở hữu nguồn vốn của mình, dẫn đến các nhà đầu tư phải bỏ từ 30-50 % vốn trong khi quy định chỉ yêu cầu nhà đầu tư phải bỏ từ 10-15%. Như vậy có nghĩa nhà đầu tư bất lực, không có vốn để thực hiện.

Khi đánh giá năng lực nhà đầu tư nên sử dụng báo cáo tài chính ở thời điểm gần nhất chứ nếu sử dụng báo cáo tài chính ở năm gần nhất thì đến thời điểm đưa ra báo cáo, tình hình tài chính đã có nhiều thay đổi.

Tôi cũng chia sẻ với lo ngại về rủi ro với nhà đầu tư nước ngoài. Đối với QL 1 như tôi được biết đã mời các nhà đầu tư nước ngoài từ 10 năm qua nhưng họ vẫn không tham gia.

Ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐQT Cienco1:

Rủi ro từ những công trình mới

Ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐQT Cienco1
Ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐQT Cienco1

Cienco 1 đã thực hiện các dự án BOT từ năm 2003 và nhận thấy một số vấn đề rủi ro cho BOT. Đơn cử như đường tránh Thanh Hoá, việc đặt trạm thu phí tại cầu Tào đã được địa phương đồng ý, tuy nhiên, khi đặt trạm,các doanh nghiệp vận tải lại phản đối, không đi vào đường BOT, nên lưu lượng phương tiện giảm sút so với dự báo.

Một vấn đề nữa chúng tôi cũng hết sức lo ngại là sự xuất hiện các dự án mới khiến số tiền thu phí trên đường chúng tôi xây dựng bị sụt giảm.

Khi thực hiện dự án, chúng tôi dựa trên các tính toán có tính đến khả năng thu phí trong 20 - 25 năm. Nhưng chưa hết hợp đồng thì nhà nước lại đồng ý cho xây đường mới khiến lưu lượng trên đường cũ sụt giảm.

Ví dụ, dự án BOT cầu Thanh Trì tháng 5 tới sẽ hoàn thành và thu phí, tuy nhiên, sắp tới có một cầu mới bắc qua sông Hồng. Như vậy có nghĩa sẽ phân luồng giao thông, thậm chí các phương tiện sẽ qua đó nhiều hơn. Đây là rủi ro lớn.

Các nhà thầu như chúng tôi mong muốn kiểm toán Nhà nước tính khấu hao ttheo quy định 20 năm, để như bây giờ chỉ 5-7 năm, rất khó cho nhà đầu tư.

Nhóm PV

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.