Kinh tế

Nhà đầu tư chốt lời, lấy tiền tiêu Tết

16/01/2017, 09:12

Tận dụng những phiên tăng giá cuối năm, giới đầu tư đang tranh thủ lướt sóng và lên kế hoạch chốt lời...

18

Còn cách Tết Nguyên đán 2 tuần, song thị trường chứng khoán đã xuất hiện tâm lý nghỉ Tết sớm khi nhiều nhà đầu tư rút tiền tiêu Tết

Vàng tăng giá, tăng bán ra

Tháng 3/2016, anh Trịnh Hồng Linh (trú tại Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội) rút khoản tiền tiết kiệm gần 500 triệu đồng đi mua vàng ở mức giá 33,02 triệu đồng/lượng. Với mức giá vàng hiện tại, nếu bán ra, anh Linh lãi 3,5 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy, mức lợi nhuận từ khoản đầu tư vàng của anh Linh tương đương 10,59%, cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm các kỳ hạn dài là 8%/năm.

“Tôi đang có nhu cầu lo việc gia đình cuối năm và chi tiêu Tết nên đã muốn bán ra từ đầu tháng, song thị trường vàng khá “lặng sóng”. Rất may, hơn một tuần trở lại đây, giá vàng đã “nóng” lên, là cơ hội tốt để tôi quyết định chốt lời”, anh Linh nói và cho biết thêm, sau khi lo việc gia đình, phần tiền còn lại có thể anh sẽ gửi tiết kiệm, vì trong tháng Chạp các ngân hàng thường tăng lãi suất huy động kèm thêm nhiều chương trình khuyến mại.

Không chỉ anh Linh, tâm lý chốt lời trên thị trường vàng đã xuất hiện khi thị trường liên tục tăng mấy phiên vừa qua. Bởi, nếu nhà đầu tư mua vào ngày 31/12/2016 thì đến thời điểm này bán ra đã lãi khoảng 300 nghìn đồng/lượng, do các doanh nghiệp đã thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra để kích thích giao dịch.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cũng cho hay, lượng cung vàng trên thị trường đang tăng lên. Đơn cử như phiên giao dịch ngày 9/1, trong khi giá vàng thế giới điều chỉnh tăng nhẹ thì giá trong nước lại đi ngược dòng theo chiều hướng giảm do lượng cung vượt quá cầu, đặc biệt tại thị trường miền Bắc lượng khách vàng bán ra chiếm phần đông. “Khách hàng có tâm lý tất toán khoản đầu tư trước Tết Âm lịch, để hạch toán lỗ, lãi một năm. Mặt khác, cũng là để phục vụ nhu cầu chi tiêu trong dịp Tết”, đại diện doanh nghiệp vàng này nhận định.

Chứng khoán tăng áp lực chốt lời

Áp lực chốt lời trước Tết còn mạnh mẽ hơn trên thị trường chứng khoán. Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ngày 9/1 nhận định, chỉ số VN-Index tăng mạnh trong các phiên gần đây càng gia tăng áp lực chốt lời trên thị trường. Thống kê từ đầu tháng 1/2017 tới nay, lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán ở cả hai sàn Hà Nội và TP HCM trung bình ở mức khoảng 100 triệu cổ phiếu trên sàn HCM và khoảng 25 triệu cổ phiếu trên sàn Hà Nội được giao dịch. Một số công ty chứng khoán nhận định, trong các phiên tới, chỉ số VN-Index sẽ “thử” mốc 690 điểm. Nếu không vượt qua được mốc này, áp lực bán sẽ gia tăng.

Theo phân tích của nhà đầu tư lâu năm Lê Sỹ Hiếu (Cầu Giấy, Hà Nội), thời điểm này nhà đầu tư đã kiếm được lợi nhuận từ “sóng” cổ phiếu ngân hàng và đợt tăng giá của thị trường sau 3 tháng giảm điểm trước đó. “Cho đến thời điểm trước Tết một tuần, nhà đầu tư thường có tâm lý bán ra chốt lời để lấy tiền tiêu Tết và cơ cấu lại danh mục đầu tư. Bởi, không ai biết được sau kỳ nghỉ dài sẽ có những biến cố hay thông tin bất lợi gì. Và thông lệ sau Tết giao dịch trên thị trường chứng khoán thường khá ảm đạm do hiệu ứng nghỉ Tết và du xuân”, anh Hiếu nói.

Thậm chí, anh Hiếu còn cho biết, có năm thị trường không thuận lợi, nhiều nhà đầu tư còn “tất tay”, bán hết chứng khoán chuyển sang tiền mặt để yên tâm đón Tết. Năm nay, bản thân anh Hiếu cũng đã lên kế hoạch chốt lời trong tuần tới khi giá các mã cổ phiếu trong danh mục thuận lợi. Theo tiết lộ của anh Hiếu, còn một vài thành viên trong nhóm chơi của anh cũng chuẩn bị giảm tỷ lệ cổ phiếu, tăng tỷ lệ tiền mặt trong danh mục và dự định rút bớt tiền trong tài khoản chứng khoán để ăn Tết.

Nhà đầu tư nghỉ Tết sớm

Theo ghi nhận của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), trong một vài phiên giao dịch gần đây như phiên giao dịch ngày 12/1, thị trường đã rơi vào trạng thái nghỉ Tết sớm khi giao dịch trên sàn Hà Nội tiếp diễn trạng thái ảm đạm, hoạt động mua bán trầm lắng, lượng thành công khá tẻ nhạt, khiến thanh khoản chỉ dừng ở mức thấp. Cả phiên chỉ có 22,7 triệu chứng khoán được mua bán, thấp hơn mức trung bình. Đến phiên cuối tuần (ngày13/1), tiền vào thị trường giảm mạnh. Trên sàn HCM, càng về cuối phiên thị trường càng chịu áp lực bán mạnh, nhất là tại nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến nhóm này quay đầu giảm điểm. Thanh khoản cả phiên sụt giảm mạnh chỉ với 94,9 triệu chứng khoán được chuyển nhượng.

img

Giá vàng hôm nay 14/1: Nhà đầu tư án binh bất động

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.