Vận tải

Nhà đầu tư điện gió gặp khó khi vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng

24/02/2021, 13:43

Việc vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng để thực hiện một số dự án nhà máy điện gió ở Bạc Liêu còn gặp khó khăn, cần sớm có giải pháp.

img

Cầu dẫn đến các trụ điện gió tại một dự án nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, hiện nay, các dự án điện gió trên địa bàn đều đang khẩn trương thi công đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, có 2 dự án đang gặp khó khăn về việc vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng.

Cụ thể là 2 dự án: Nhà máy Điện gió KoSy - Bạc Liêu giai đoạn 1 (thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu), do Công ty cổ phần Điện gió KoSy - Bạc Liêu làm chủ đầu tư, với tổng số vốn đầu tư 1.598 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 – giai đoạn 1 (thuộc các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu, Vĩnh Mỹ A, Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình), do Công ty cổ phần năng lượng Hacom Bạc Liêu làm chủ đầu tư, với tổng số vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng

Trong đó, dự án Nhà máy Điện gió KoSy đã hoàn thành đường giao thông với chiều dài 4,5km, hoàn thành đào khuôn đường cho toàn tuyến, hoàn thành san lấp nền khu vực nhà điều hành, khu vực trạm biến áp.

Nhưng dự án chưa được UBND tỉnh chấp thuận về phương án vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng trên đường bộ (từ cảng Nhà Mát đến khu vực thi công dự án).

Đồng thời, chưa được chấp thuận của cơ quan chủ quản bến cập tàu Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu) về việc cho thuê/sử dụng trong quá trình trung chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng.

Còn đối với dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình 5, nhà đầu tư cũng gặp phải khó khăn trong công tác vận chuyển, do giới hạn tổng tải trọng của phương tiện vận chuyển không vượt quá 16 tấn, tuyến đường bê tông tải trọng cho phép lưu thông là 8 tấn, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển vật tư, vật liệu phục vụ thi công.

Bên cạnh đó, các đường tạm chưa được gia cố và không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật để các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu phục vụ thi công.

Trước kiến nghị của nhà đầu tư, ông Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu cho biết, vừa qua, Sở cũng đã chủ trì cuộc họp với đại diện của 2 công ty nêu trên để bàn giải pháp vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng.

“Do cơ sở hạ tầng của tỉnh còn hạn chế, thực tế tuyến Giồng Nhãn - Gành Hào tải trọng đường chỉ thiết kế 10 tấn, còn cầu tối đa là 30 tấn, nhưng kiến nghị vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng tối thiểu là 60 tấn và tối đa là 160 tấn thì không thể nào đáp ứng được”, ông Dũng thông tin.

Cũng theo ông Dũng, Sở GTVT đã thống nhất phối hợp với Công an tỉnh, các đơn vị có liên quan cùng với địa phương và nhà đầu tư tiến hành khảo sát các phương án vận chuyển. Sau đó, có thống nhất nạo vét kênh phù hợp để phương tiện cập vào đê biển và vận chuyển trên tuyến đường nội bộ của từng đơn vị thi công.

“Nhưng đến nay, vẫn chưa thấy phương án thực hiện cụ thể từ phía chủ đầu tư, tỉnh rất muốn tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, vận tải siêu trường, siêu trọng thì phải có phương án riêng”, ông Dũng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.