Giao thông

Nhà đầu tư ngoại muốn mua nhiều dự án giao thông Việt Nam

15/12/2014, 08:47

Ngay sau khi kết thúc Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông", bà Sindy Wong, Phó Chủ tịch Công ty Mạng lưới vận tải IL&FS đã trả lời phỏng vấn Báo Giao thông.

Bà Sindy Wong, Phó Chủ tịch Công ty Mạng lưới vận tải IL&FS (Ấn Độ) 
Bà Sindy Wong, Phó Chủ tịch Công ty Mạng lưới vận tải IL&FS (Ấn Độ) 

Hài hòa lợi ích cho các bên tham gia

Bà đánh giá tiềm năng phát triển các dự án PPP giao thông ở Việt Nam như thế nào. Muốn kêu gọi được nhiều nhà đầu tư từ nước ngoài, Việt Nam cần làm gì?

Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ các dự án xã hội hóa giao thông nên tiềm năng là rất lớn. Nhưng để thu hút được vốn PPP, nhất là từ các nhà đầu tư nước ngoài, điều đầu tiên là cần sự ổn định về cơ chế chính sách. Khi kêu gọi vốn PPP cần xác định cả ngân hàng, Chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài đều phải có lợi.

Đầu tư vào hạ tầng bao giờ cũng có nhiều thách thức nên cần có sự khả thi về tài chính, kỹ thuật để từ đó dự án có thể tiếp cận ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó phải có các biện pháp giảm thiểu rủi ro về mặt xã hội. Để phát triển dự án, phải xác định rõ tính khả thi để khi triển khai mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Các dự án thực hiện thông qua liên doanh phải minh bạch, giảm thiểu chi phí. Các nhà đầu tư hỗ trợ phải đảm bảo khung pháp lý.  

Sau cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Công ty mạng lưới vận tải IL&FS (Ấn Độ) muốn mua nhiều dự án giao thông khác (trong ảnh: Cầu Long Thành trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, một trong số những dự án sẽ được chào mời nhà đầu tư để chuyển nhượng) Ảnh: Phan Tư
Sau cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Công ty mạng lưới vận tải IL&FS (Ấn Độ) muốn mua nhiều dự án giao thông khác (trong ảnh: Cầu Long Thành trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, một trong số những dự án sẽ được chào mời nhà đầu tư để chuyển nhượng)

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ là dự án đầu tiên

Vừa qua, IL&FS đã ký hợp đồng nguyên tắc với Vidifi để mua dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bà có thể thông tin về tiến trình đàm phán của các bên đã đi đến đâu rồi?

Chúng tôi vẫn đang xúc tiến đàm phán và mới ký thỏa thuận bước đầu. Cả hai phía vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, khảo sát. Chúng tôi mong muốn sẽ mua 70% dự án này.

Khi xúc tiến mua cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, IL&FS thấy được tiềm năng gì của dự án. Tới đây, IL&FS có tìm hiểu để đầu tư vào dự án giao thông nào khác không, thưa bà?

Đây là dự án đầu tiên IL&FS hợp tác với Việt Nam nên chúng tôi không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà cố gắng có được mô hình phù hợp và hiệu quả nhất. Chúng tôi chọn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để đầu tư bởi đây là dự án rất tiềm năng, là nơi có mật độ phương tiện tham gia giao thông rất cao. 

Còn về việc có tìm hiểu đầu tư các dự án khác không, tôi khẳng định ngay là có. Chủ trương của Việt Nam tới đây cũng khuyến khích chuyển nhượng nhiều dự án, công trình giao thông. Chúng tôi sẽ xúc tiến tìm hiểu. Hà Nội - Hải Phòng chỉ là dự án đầu tiên, tạo nền móng để chúng tôi đầu tư mua nhiều dự án giao thông khác.

Sẽ không tự ý tăng mức thu phí 

Giả sử IL&FS sẽ mua thành công 70% dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, vậy phương án hoàn vốn sẽ ra sao, chỉ thu phí hay có thêm hình thức nào khác, thưa bà?

Đến thời điểm này tôi có thể nói là chỉ có duy nhất thu hồi vốn bằng thu phí. Chúng tôi chưa tính toán tới hình thức nào khác.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, nếu chỉ thu phí, chắc chắn thời gian hoàn vốn sẽ kéo dài. Vậy IL&FS có tăng mức thu phí hay không?

Vidifi vẫn là công ty Nhà nước, IL&FS chỉ hỗ trợ cho Vidifi thôi nên sẽ không có sự thay đổi nào. Chúng tôi sẽ không thể tự ý tăng mức thu phí, nên mức phí vẫn theo đúng quy định của các cơ quan chức năng Việt Nam và đơn vị chủ quản Vidifi.

Cảm ơn bà!

Đức Thắng  (Thực hiện)  

Việt Nam sẽ tiếp thu tinh hoa của thông lệ thế giới để hút vốn PPP

Tại hội thảo quốc tế “Giải pháp thúc đẩy vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” diễn ra cuối tuần qua với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, nhà tài trợ, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, các chuyên gia trong và ngoài nước, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “GTVT phải đi trước mở đường nhưng muốn vậy phải có vốn bằng nhiều phương thức khác nhau. Tôi đánh giá cao Báo Giao thông, Ban PPP, Vụ HTQT và các cơ quan liên quan đã phối hợp chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng hội thảo này”.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, từ khi có nguồn ODA đến nay, ngành Giao thông thu hút được 17,7 tỷ USD vào 132 dự án. Trong hai năm vừa rồi, riêng đường bộ thu hút được khoảng 8 tỷ USD. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án PPP cũng có những khó khăn, rủi ro nên việc thực hiện cần phải đảm bảo hài hòa giữa Nhà nước - chủ đầu tư - người dân. Vì thế, cần có thể chế chính sách để gắn kết hài hòa các lợi ích trên. Nếu chỉ có lợi ích của một bên, rất khó thực hiện. 

“Việt Nam sẽ tiếp thu tinh hoa của thông lệ thế giới, áp dụng phù hợp vào điều kiện đặc thù cụ thể của nước ta. Nhiều đề xuất của doanh nghiệp tại hội thảo này rất hay. Như việc thu phí, nếu dự án BOT vượt tiến độ cho thu phí ngay. Nếu chậm thì trừ vào thời gian hợp đồng. Đấy là những qui định rất tích cực để làm sao BOT, PPP có thể kiểm soát được. Tôi cũng tiếp thu kiến nghị cho rằng chính sách nên ổn định và lâu dài, các quy định về tín dụng, phí chúng tôi sẽ tiếp thu cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và bảo đảm sự hài lòng cho người dân”, Bộ trưởng Thăng nói.

N.Đ.T

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.