Sách

Nhà ga và con tàu trong ký ức người Việt

Bao thế hệ người Việt Nam, niềm vui và cả nỗi buồn nhiều khi gắn liền với nhà ga và cả con tàu, khi đưa đón người thân.

img

Sân ga - Con tàu luôn để lại những kỷ niệm khó phai trong ký ức nhiều người. Ảnh: Tạ Hải

Trước thế kỷ XIX, người Việt Nam không có khái niệm về nhà ga và con tàu. Khi đi xa, trong ký ức của nhiều người chỉ là “cái ao rau muống”, là “cà dầm tương”. Thế mới có câu ca dao:

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm mai

Mãi đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người Pháp mới mở ra đường sắt và nhà ga. Câu chuyện về lịch sử giao thông đường sắt thì rất dài. Nhưng có lẽ hình ảnh nhà ga và con tàu luôn là ký ức không thể nào quên đối với nhiều người.

Bao thế hệ người Việt Nam, niềm vui và cả nỗi buồn nhiều khi gắn liền với nhà ga và cả con tàu, khi đưa đón người thân.

Khi nhớ về nhau, khi Tết đến Xuân về, đón ai mà không đến sân ga. Xuân đi, hoa tàn, người đưa tiễn nhau, chẳng phải sân ga thì ở đâu?

Những người yêu thơ, không ai không nhớ Nguyễn Bính và bài thơ “Những nỗi buồn trên sân ga”:

Một lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga

Nhà ga và con tàu, bắt đầu của những niềm vui và nỗi buồn trong lòng người đi xa và cả người ở lại. Hình người đưa tiễn nhau, bịn rịn không rời, lúc nào cũng khiến người chứng kiến xúc động, như có lần nhà thơ Nguyễn Bính đã từng chứng kiến:

Có lần tôi thấy vợ chồng ai,
Thèn thẹn đưa nhau, bóng chạy dài,
Chị mở khăn giầu, anh thắt lại:
“ - Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”

img

Đi tàu Tết thời bao cấp (Ảnh tư liệu)

Trong văn học Việt Nam, đã rất nhiều những tác phẩm, bài thơ và những bài hát viết về sân ga - con tàu. Trong đó, nhiều người nhớ tới nhà thơ Lê Văn Vọng với bài thơ nổi tiếng “Chiều sân ga”.

Ấy là khi anh vào chiến trường, người vợ tiễn ở sân ga, dẫu buồn và nhớ nhưng không quên nhắn nhủ người đi xa “Hãy vì quê hương mà chiến đấu”. Những người lính có bản lĩnh sẽ không ai “B quay” vì nhớ vợ, nhớ nhà.

Ngồi trên tàu, người lính Lê Văn Vọng thấy cả vợ, mẹ và quê hương:

Qua cửa sổ con tàu là đất nước là
Em
Dáng mẹ lưng còng
Những căn nhà mái tranh
Những cánh đồng quanh năm nước nổi...

(Chiều sân ga - Lê Văn Vọng)

Và người lính nhắn nhủ:

Về đi em
Cho con tàu lăn bánh

Em không về, dù con tàu lăn bánh, người lính ra đi cũng chẳng yên lòng.

Trong âm nhạc, ca khúc “Tàu anh qua núi” của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, được đón nhận từ khi ra đời cho đến hôm nay. NSND Thanh Hoa là một trong những người đầu tiên hát ca khúc này và đến nay chị vẫn hát, vẫn đem lại bao cảm xúc cho người nghe.

Không hiểu sao, mỗi lúc nhớ đến những ký ức về nhà ga, về con tàu tôi lại nhớ đến bài hát “Tàu anh qua núi”. Rạo rực, khát khao, nhớ nhung xa vắng nhưng lại hào sảng vô cùng.

Tôi không thể nào quên những ngày xưa, nắm cơm muối vừng mẹ gói cho, ngồi trên tàu ăn khi hết kỳ nghỉ hè. Vừa ăn vừa nhớ mẹ ở nhà cơm khoai còn không có đủ.

Xuống ga Hà Nội, không có vé tàu, tìm mãi mới trốn ra đường Trần Hưng Đạo. Nhưng mà, may có ga Hà Nội, năm xưa là ga Hàng Cỏ, tôi mới nhìn thấy những đoàn quân rầm rập ra chiến trường, hướng về phương Nam, nơi mặt trận đang chờ.

Có những buổi chia tay bi tráng ở ga Hàng Cỏ, mới có ngày trở về Hà Nội rợp cờ hoa, màu đỏ đỏ cả trời Thủ đô năm ấy.

Nhà ga và con tàu, vật vô tri vô giác nhưng một khi gắn bó với con người, nó là kỷ niệm, là ký ức và là tình cảm gắn bó có thể một đời người. Khoảnh khắc chia tay một đi không trở lại, một thời chiến tranh, một thời loạn lạc...

Ôi đâu phải con tàu, trái tim ta đó
Tiếng đập thình thình muốn vỡ làm đôi
Ta biết em rất khỏe tim ơi
Không khóc đấy nhưng sao mà nóng bỏng

(Tố Hữu - Bài ca xuân 1961)

Tố Hữu muốn thể hiện lòng mình, trái tim của mình khi nghe tiếng còi tàu, nghe tiếng đập thình thình của máy nổ, khi nhìn thấy trong tim con tàu đang rời khỏi Hà Nội trên đường Nam bộ xưa (giờ là đường Lê Duẩn). Thi sĩ nghe tiếng con tàu mà nhói lòng khi đất nước hãy còn chia cắt, ngày thống nhất còn xa. Đâu phải là nói con tàu mà là nói tiếng lòng của Tố Hữu với miền Nam, với Huế của ông.

Còn trong bài thơ “Tiếng hát con tàu”, Chế Lan Viên muốn bằng hình ảnh con tàu để thể hiện tình yêu của thi sĩ với Tổ quốc khi trên đường lên Tây Bắc:

Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu

Hay những câu thơ:

Đất nước mêng mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi

(Chế Lan Viên - Tiếng hát con tàu)

img

Ga Hà Nội trước đây có tên là ga Hàng Cỏ

Sân ga, con tàu và lòng người. Con tàu là hình ảnh của sự chia xa, song cũng là niềm vui đoàn tụ. Và khi đã gắn với ký ức, với lòng người, thì nhà ga, con tàu đâu còn phải là vật vô tri vô giác. Đúng như Tố Hữu nói: “Ôi đâu phải con tàu, trái tim ta đó”.

Nhưng ký ức người Việt Nam về sân ga, về con tàu, sâu đậm nhất là dịp cuối năm và đầu năm, Xuân về và Xuân tàn. Khi năm hết Tết đến, người người về quê, sân ga đông nghịt người. Chen chúc nhau. Nhưng mà vui, háo hức.

Tôi rộn ràng khi xuống tàu ở ga Yên Thái (Nông Cống, Thanh Hóa). Bạn về đông vui, tíu ta tíu tít. Một cành đào Tết rất ít hoa, cành lại thô nữa nhưng mà đó là không khí Tết. Rồi mẹ tôi nghe nói tôi từ Hà Nội về, bà ra tận đầu làng đón tôi. Xuân như về sớm hơn.

Sau Tết lên tàu, nào bánh chưng, quà quê chất đầy túi du lịch. Bạn bè sinh viên về trường lại đông vui tíu tít. Lại chen tàu, lại kể chuyện trốn vé. Những cậu sinh viên “nghèo rớt mồng tơi”, ai mà chẳng một lần trốn vé tàu. Trăm ngàn cách trốn vé, trăm ngàn cách lý giải không có vé. Ngày xưa, nhà ga không kín như bây giờ, dễ trốn vé chứ không như bây giờ!.

Giờ về quê, người đi tàu có ít hơn xưa, vì đã có máy bay, xe giường nằm. Có lẽ ký ức về nhà ga - con tàu, những dòng người chen lấn, nhộn nhịp sân ga cũng bớt hơn xưa nhiều rồi.

Nhưng với chúng tôi, thế hệ đã không tiếc tuổi thanh xuân ra trận, sống thời trai trẻ vào những năm tháng bao cấp đầy kỷ niệm, thì mãi mãi vẫn còn là những ký ức rất đẹp trong sâu thắm trái tim - nhà ga, và con tàu.

Hồ Linh Đàm Tết Nhâm Dần 2022 đang về

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.