Văn hóa - Giải Trí

Nhà hát Cải lương Việt Nam 67 năm vẫn... lang thang không nhà

04/06/2018, 10:05

Với 67 năm hình thành và phát triển, Nhà hát Cải lương VN vẫn chưa có rạp của chính mình để biểu diễn.

29

Mọi không gian đều được tận dụng để cất đồ nghề, trang thiết bị biểu diễn

Với 67 năm hình thành và phát triển, mỗi năm dàn dựng từ 2 - 3 vở diễn không thua kém bất kỳ nhà hát nào thuộc Bộ VH,TT&DL, thế nhưng đến nay, Nhà hát Cải lương VN vẫn chưa có rạp của chính mình để biểu diễn.

Cơ sở nghèo nàn, thiết bị xuống cấp

Tới Nhà hát Cải lương VN vào một ngày cuối tuần, PV Báo Giao thông không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ tập luyện cho các nghệ sĩ lại nghèo nàn, xuống cấp đến như vậy. Cả một tập thể hơn 90 con người bao gồm diễn viên, nhạc công, hành chính lại sinh hoạt, tập luyện trong một không gian không thể nào tệ hơn.

Không giấu được ngậm ngùi, NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương VN chia sẻ: “Hoạt động của nhà hát hiện nay khó khăn vô cùng. Bất cứ ai cũng không thể tưởng tượng nổi. Cái kho để cất các dụng cụ biểu diễn cũng không có, phải chất đầy phía trước mặt tiền nhà hát. Phòng luyện tập của diễn viên từ đèn đến âm thanh, ánh sáng, phông màn cũng sơ sài, thiếu đồng bộ. Mọi thứ đang có hiện nay chỉ phù hợp với giai đoạn tập luyện ban đầu. Khi phải tổng hợp các bộ phận lại với nhau thì cơ sở hạ tầng hiện nay là không đủ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của vở diễn”.

NSND Hoàng Quỳnh Mai cũng cho biết, đã từng có nhiều đơn vị marketing du lịch đến khảo sát để xây dựng tour tham quan và thưởng lãm cải lương, nhưng họ phải thở dài ngao ngán vì địa điểm quá xa khu trung tâm, lại nằm ngay trong ngõ chật hẹp, không gian bí bách, sân khấu biểu diễn sơ sài, không đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, vì vậy các đơn vị du lịch lặng lẽ rút đi.

Bà Mai cho biết thêm, khó khăn về tập luyện đã đành, nhưng đến cái sân khấu, nơi để công diễn các tác phẩm mới nhà hát cũng không có. Mỗi khi có tác phẩm, nhà hát lại phải thuê rạp Hồng Hà, Âu Cơ và một số đơn vị khác để biểu diễn. Điều này không chỉ tăng sức nặng cho kinh phí duy trì hoạt động của nhà hát mà còn ảnh hưởng tới khả năng sáng tạo, sự thăng hoa của diễn viên.

Có nhiều vở diễn, dù được dàn dựng công phu, bối cảnh thiết kế tinh xảo, đẹp mắt, nhưng lại không tìm được sân khấu phù hợp, chưa kể công vận chuyển trang thiết bị cũng rất tốn kém. Mặt khác, mỗi đêm biểu diễn ở các rạp phải mất 30 triệu đồng tiền thuê. Số tiền này nếu để dành cho việc đầu tư trang thiết bị, trang phục, nâng cao đời sống nhân viên thì tốt hơn.

67 năm thành lập vẫn lang thang không nhà

Với bề dày 67 năm hình thành và phát triển, Nhà hát Cải lương VN đã dàn dựng thành công những vở diễn tiêu biểu được khán giả và bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao như: Cung phi Điểm Bích, Trọn đời trung hiếu với Thăng Long, Dấu ấn giao thời, Vua Thánh Triều Lê, Cổ tích một tình yêu, Vú cát, Mê cung, Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Hà Nội gió mùa, Vua Phật, Hừng đông, Công đường và quyền lực, Thầy Ba Đợi... Các vở diễn trên đã gặt hái được nhiều HCV, HCB trong các kỳ liên hoan, Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu vải lương chuyên nghiệp toàn quốc. Nhà hát đã ba lần trao tặng Huân chương Độc lập, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nghệ thuật cũng phải “ăn đong từng bữa”

Còn nhớ, vào năm 2013, Bộ VH,TT&DL cũng đưa ra chủ trương hỗ trợ cho một số nhà hát thuộc Bộ (chưa có rạp biểu diễn) kinh phí thuê địa điểm biểu diễn định kỳ nhưng chủ trương đấy chỉ dừng lại ở mức ý tưởng. Tháng 8/2016, Bộ VH,TT&DL tiếp tục có chủ trương đưa tác phẩm có chất lượng vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Lúc này, các nhà hát thuộc Bộ nói chung, Nhà hát Cải lương nói riêng như “mở cờ trong bụng”. Những mối lo về thiếu sân khấu biểu diễn tưởng như không còn nữa, nhà hát sẽ có nhiều cơ hội hơn để “khoe” những “đứa con nghệ thuật” của mình. Thế nhưng, chủ trương ấy chỉ thực hiện đến hết năm 2017, từ đầu năm 2018 đến nay, không còn thấy bóng dáng đâu nữa. Nhà hát trở lại thời điểm “ăn đong từng bữa”.

Thành tích là vậy, song gần 30 năm nay, NSND Hoàng Quỳnh Mai cùng tập thể diễn viên, nhạc công nhà hát đã không ngừng đề xuất, bày tỏ ý nguyện với cấp trên để tìm kiếm sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cho nhà hát. Sau mỗi lần bày tỏ như vậy, nhà hát chỉ nhận được câu trả lời: “Chờ ý kiến các bộ, ngành liên quan”. Nhiều đoàn khảo sát của Chính phủ và Bộ VH,TT&DL đã đến nhưng cũng không giải quyết được vấn đề gì. Các nghệ sĩ vẫn tự động viên nhau vượt qua khó khăn để tập luyện, sáng tạo.

“Nhiều năm nay khẩn thiết đề nghị lãnh đạo cấp trên tạo điều kiện để xây trụ sở nhưng không được, chủ trương liên kết cũng đã bàn, một số nhà đầu tư tới tham quan nhưng không đủ tự tin để đồng hành cùng nhà hát. Trong các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VH,TT&DL chỉ còn duy nhất Nhà hát Cải lương VN là không có nhà hát. 67 năm thành lập vẫn lang thang không nhà”, NSƯT Nguyễn Trọng Bình, Phó trưởng Đoàn 2 Nhà hát Cải lương VN chia sẻ.

Hiện nay, theo xu thế, các đơn vị nghệ thuật trong cả nước nói chung, Nhà hát Cải lương VN nói riêng đang bước vào quá trình tự chủ theo cơ chế thị trường để đến gần hơn với công chúng, đồng thời giảm chi ngân sách cho Nhà nước. Tuy nhiên, nếu buông lỏng, không có sự quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cơ bản, Nhà hát Cải lương VN khó có thể tồn tại chứ chưa nói gì đến sáng tạo, phục dựng các vở diễn chất lượng cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.