Điều tra

“Nhà luật” đòi điều hành, thỏa thuận giá thuê “tài bo” cửa khẩu Tân Thanh

27/01/2022, 15:57
image

Ngay khi đội ngũ “tài bo” bị giải tán, giao cho Công ty CP Vận tải Thương mại Bảo Nguyên quản lý, hàng chục “nhà luật” đã tụ tập phản đối.

"Nhà luật" đình công, đòi điều hành "tài bo"

Khoảng 10h30, ngày 26/1, có mặt tại bãi thông quan hàng hóa, Cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi ghi nhận hàng chục “nhà luật” kéo đến văn phòng của Công ty CP Vận tải Thương mại Bảo Nguyên (Công ty Bảo Nguyên) gây sức ép, đòi quyền điều hành, tự thỏa thuận mức giá thuê đội ngũ lái xe chuyên trách (“tài bo” – PV) tại cửa khẩu.

img

Các "nhà luật" kéo đến Công ty CP Vận tải Thương mại Bảo Nguyên đòi quyền điều hành, thỏa thuận giá thuê "tài bo" tại cửa khẩu.

Cụ thể, từ ngày 25/1, sau khi Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn ban hành quyết định giải thể, giao đội ngũ “tài bo” cho Công ty Bảo Nguyên tự tuyển dụng, điều hành để vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh.

Công ty Bảo Nguyên đã kịp thời tuyển dụng hơn 10 người đảm nhận phương án vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu với Trung Quốc.

“Những tài xế trên được Công ty ký hợp đồng lao động, bảo đảm mức lương tối thiểu là 10 triệu đồng/tháng. Tức là kể cả lúc cửa khẩu tạm dừng hoạt động, các tài xế trên vẫn được trả mức lương tối thiểu này.

Ngoài ra, các tài xế còn được hưởng thù lao theo số lượng chuyến hàng vận chuyển, được miễn phí chỗ ăn, nghỉ, xét nghiệm Covid-19, bảo đảm công tác phòng chống dịch với cam kết thu nhập trung bình từ 30 đến 40 triệu đồng/người/tháng”, lãnh đạo Công ty Bảo Nguyên khẳng định.

img

Xe nông sản chờ làm thủ tục thông quan, xuất khâu tại Cửa khẩu Tân Thanh.

Qua tính toán, Công ty Bảo Nguyên đã ấn định mức thu 1.000.000 đồng/xe hàng hóa (trước đây mức giá thuê “tài bo” tại cửa khẩu Tân Thanh là từ 2,5 đến 5 triệu đồng/xe, tùy thời điểm).

Do đó, quy định trên đã bị các “nhà luật” kịch liệt phản đối, tụ tập đề nghị thả nổi giá dịch vụ “tài bo” cho “nhà luật” và chủ hàng, lái xe đường dài tự thỏa thuận. Việc lựa chọn “tài bo” xuất khẩu phải do “nhà luật” tự thực hiện, điều hành như trước đây.

Theo Công ty Bảo Nguyên, tại Cửa khẩu Tân Thanh hiện nay có khoảng 100 "nhà luật" là cò thủ tục hành chính hoạt động.

Trước đây, tùy từng thời điểm, lợi dụng tình hình cửa khẩu ách tắc nghiêm trọng, các nhà luật tự ý đưa ra mức giá thuê "tài bo" là từ 2,5 đến 5 triệu đồng/xe. Tuy nhiên, thực tế các "tài bo" chỉ được trả khoảng 1 triệu đồng/xe, còn lại là "nhà luật" đút túi.

Không thay đổi phương án quản lý "tài bo"

Trước thực tế trên, chiều 26/1, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã chủ trì cùng lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, Công ty CP Bảo Nguyên và các lực lượng biên phòng, công an tổ chức hội nghị đối thoại với các “nhà luật” và đi đến kết luận: Đội ngũ “tài bo” tại cửa khẩu là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương án xuất, nhập khẩu hàng hóa do phía Trung Quốc đưa ra.

Do vậy, đội ngũ trên cần được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và hiệu quả. Các cơ quan chức năng thống nhất giao Công ty Bảo Nguyên thành lập, quản lý toàn diện đội ngũ “tài bo” tại cửa khẩu.

Điều này đồng nghĩa với yêu cầu của các "nhà luật" không được chấp nhận.

Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, hiện việc làm thủ tục thông quan hàng hóa diễn ra bình thường, không xảy ra vướng mắc gì.

img

Việc "nhà luật" can thiệp chính sách quản lý "tài bo" những ngày qua khiến việc thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu Tân Thanh bị ảnh hưởng.

Được biết, tại Cửa khẩu Tân Thanh hiện nay còn tồn đọng 200 xe nông sản, trong đó còn 65 xe thanh long, 18 xe xoài, 16 xe mít, còn lại là cau khô, tinh bột sắn, mây tre đan...

Thực tế cho thấy, việc đội ngũ “tài bo” được quản lý, giảm giá thuê đã giúp cho đơn vị vận tải và chủ hàng bớt được một khoản tiền lớn khi xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Sau hơn 2 ngày thông quan trở lại, đã có khoảng 30 xe nông sản được xuất khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh.

Các "nhà luật" tập trung đòi quyền điều hành, thỏa thuận giá thuê "tài bo" tại cửa khẩu Tân Thanh.

"Tài bo” là cách gọi lực lượng lái xe chuyên trách tại các cửa khẩu. Những người này được giao nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ bãi thông quan đến cột mốc giao cho lái xe Trung Quốc.

Họ có thể là lao động tự do, là người địa phương được các ban quản lý cửa khẩu tuyển dụng, cấp thẻ lái xe. Tuy nhiên, hoạt động của các “tài bo” phụ thuộc hoàn toàn vào các “nhà luật” (một dạng cò thủ tục hành chính) tại cửa khẩu.

Họ có được thuê chở hàng hay không, trả công bao nhiêu là tuỳ thuộc vào các “nhà luật”. Bởi chỉ “nhà luật” mới biết được các xe nào đi/về cửa khẩu, khi nào chuẩn bị được thông quan.

Đáng chú ý, trong số những khoản “nhà luật” yêu cầu lái xe, đơn vị vận tải chở hàng xuất khẩu qua biên giới phải thanh toán, có một khoản gọi là tiền “tài bo”. Khoản này có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, nếu các tài xế, nhà xe không chi tiền sẽ bị giữ xe, giữ giấy tờ. Đây là khoản thu khiến các tài xế, chủ xe cực kỳ bức xúc.

Sau loạt bài điều tra mua bán lốt xe xuất khẩu nông sản trên Báo Giao thông, ngày 25/1, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quyết định giải tán đội ngũ "tài bo" tại Cửa khẩu Tân Thanh để giao cho Công ty Bảo Nguyên tuyển dụng, tổ chức điều hành.

Được biết, mô hình giao cho doanh nghiệp quản lý cũng sẽ triển khai tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Từ ngày 12/1 đến nay, Báo Giao thông đăng tải loạt bài điều tra “Chi tiền “luật ngầm” mới được xuất hàng qua cửa khẩu”, phản ánh việc mỗi xe xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu ở Lạng Sơn ngoài việc tài xế phải chi hàng chục triệu đồng để “làm luật”, chủ hàng muốn được thông quan nhanh còn phải chi 200 - 300 triệu đồng để mua “lốt” xe.

Sau khi loạt bài được Báo Giao thông đăng tải, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn vào cuộc.

Đến ngày 14/1, Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố, bắt giam 2 cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc để điều tra về tội “Nhận hối lộ” là Lâm Văn Hưởng (SN 1983) và Nông Tuấn Anh (SN 1992); khởi tố, bắt giam Đình Văn Thìn (SN 1979, trú TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) về tội “Đưa hối lộ”.

Thìn đã làm giá với các chủ hàng, thu mỗi xe từ 200 - 300 triệu đồng để cho vượt “lốt” lên thẳng cửa khẩu thông quan. Mỗi xe trót lọt như vậy, Thìn phải đưa cho các cán bộ trên 50 triệu đồng. Bước đầu Thìn khai đã đưa cho các cán bộ trên 800 triệu đồng.

Đến ngày 21/1, Công an tỉnh Lạng Sơn khởi tố thêm 2 đối tượng về tội “Đưa hối lộ” gồm: Lê Đức Quỳnh (SN 1978, trú TP Lạng Sơn); Ngô Xuân Trường (SN 1983, cán bộ Hải quan tỉnh Lạng Sơn) và Phạm Văn Hoàn (SN 1969, nguyên là cán bộ Công an tỉnh Lạng Sơn) về tội “Đưa hối lộ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.