Thời sự Quốc tế

Nhà máy đóng tàu lớn thứ 3 Hàn Quốc thiệt hại 400 triệu USD vì đình công

Ngành đóng tàu Hàn Quốc đang có rất nhiều cơ hội lớn trước mắt nhưng không thể nắm bắt vì cuộc đình công dai dẳng từ tháng 6 tới nay.

Chính phủ cảnh báo sẽ huy động lực lượng can thiệp

Ngày 19/7, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã phải lên tiếng chỉ trích cuộc đình công này. Ông cho rằng: “Cộng đồng không thể tiếp tục dung thứ hành vi đe dọa và trái pháp luật”, đề cập tới việc hơn 100 công nhân của các nhà thầu phụ đình công tại xưởng đóng tàu của công ty Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) ở thành phố ven biển Geoje, miền Nam Hàn Quốc, kéo dài từ tháng trước tới nay.

Họ đình công tại xưởng chính của nhà máy, yêu cầu tăng lương 30%.

Ông Yoon cho biết cuộc đình công đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành công nghiệp đóng tàu của Hàn Quốc vào thời điểm quan trọng khi ngành này đang phục hồi sau đại dịch và rộng hơn, ảnh hưởng tới kinh tế Hàn Quốc.

Ông Yoon nhấn mạnh Chính phủ “đã chờ đợi quá đủ” và khả năng Chính phủ Hàn Quốc sẽ huy động lực lượng can thiệp dù hiện chưa rõ ông Yoon sẽ thực hiện biện pháp nào.

img

Lao động thuộc Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering đình công tại xưởng đóng tàu của công ty tại thành phố Geoje. Ảnh - Korea Times

Theo cập nhật mới nhất, ngày 20/7, hãng tin Yonhap News dẫn các nguồn tin cho biết nhóm công nhân của nhà thầu phụ đã đạt được một số đồng thuận trong đàm phán về lương với ban quản lý nhà máy đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. (DSME), dẫn tới khả năng kết thúc cuộc đình công đòi tăng lương đã kéo dài từ ngày 2/6.

Ngoài ra, theo các nguồn tin, hai bên đang đàm phán về một số đề xuất từ phía công nhân như chính thức công nhận hoạt động của công đoàn; tăng lương 10% trong năm 2023. Một nguồn tin cho hay “người lao động và công ty đang tích cực tham gia đàm phán với tinh thần khẩn trương trong bối cảnh cuộc đình công kéo dài đã gây tổn thất và (Chính phủ) đã đề cập tới khả năng huy động lực lượng can thiệp”.

Thiệt hại hơn 400 triệu USD

DSME - nhà máy đóng tàu lớn thứ 3 Hàn Quốc cho biết cuộc đình công đã khiến công ty thiệt hại hơn 400 triệu USD tính tới giữa tháng 7 và có thể dẫn tới chậm trễ trong bàn giao sản phẩm.

Công nhân tham gia đình công nhằm yêu cầu đền bù cho việc cắt giảm lương trong những năm gần đây khi các nhà máy đóng tàu tại Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi tình trạng khó khăn chung của ngành vận tải đường biển trên toàn cầu. Nhưng hiện các đơn hàng mới đã phục hồi do nhu cầu tăng cao sau đại dịch.

Các công nhân đề nghị đàm phán trực tiếp với ban quản lý công ty thay vì các nhà thầu phụ và yêu cầu mức lương công bằng hơn trong bối cảnh chi phí sinh hoạt gia tăng do tình hình lạm phát cao kỷ lục tại Hàn Quốc.

Phía công nhân cho biết, đã có 76.000 công nhân thuê qua các nhà thầu phụ bị sa thải trong giai đoạn 2015-2020, trong khi những người còn làm việc bị giảm 30% lương.

Theo ông Jang Seok-won thuộc Hiệp hội Công nhân Kim khí Hàn Quốc - liên đoàn đại diện cho các công nhân tham gia đình công, công nhân thuê ngoài chỉ được trả mức lương trung bình thấp hơn 60% so với công nhân do công ty thuê trực tiếp.

Nhiều năm qua, các nhà hoạt động về quyền lao động chỉ trích các công ty đóng tàu Hàn Quốc sử dụng nhiều lớp nhà thầu phụ để cắt chi phí trong việc thuê công nhân.

Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp đóng tàu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, các công ty đóng tàu nhận được nhiều đơn hàng mới, các quốc gia châu Âu đổ xô nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thay cho khí đốt từ Nga do căng thẳng liên quan tới chiến sự Ukraine.

DSME cho biết đã nhận được 18 đơn hàng đóng tàu chở LNG trong năm nay và số đơn hàng đặt sẵn đã đủ cho 3 năm tới. Điều này có thể giúp công ty đang từ thua lỗ chuyển sang có lợi nhuận.

Trong quý đầu năm nay, DSME thua lỗ 470 tỷ Won, gấp đôi so với khoản lỗ 213 tỷ Won của năm trước do chi phí vật liệu thô tăng cao và chiến sự Ukraine khiến số đơn hàng giảm mạnh.

Một phát ngôn viên của công ty cho biết khó có khả năng tăng mạnh lương cho công nhân và công ty đang xem xét thuê lao động nước ngoài với chi phí thấp hơn và ít kinh nghiệm hơn.

Bộ Công nghiệp Hàn Quốc dự đoán ngành công nghiệp đóng tàu của nước này sẽ thiếu 9.500 lao động vào tháng 9. Theo dữ liệu, lao động trong ngành giảm từ 203.000 người trong năm 2014 xuống còn 92.000 người vào năm 2021.

Chỉ cách đây 1 tháng Hàn Quốc cũng phải hứng chịu cuộc đình công của hiệp hội lái xe tải trên phạm vi toàn quốc làm tê liệt các cảng, trung tâm công nghiệp và chỉ kết thúc sau khi Bộ Giao thông Hàn Quốc đạt thỏa thuận với hiệp hội lái xe tải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.