Ông Nguyễn Minh Châu và cầu thủ Abass. Ảnh: NVCC
Gần 20 năm làm nghề môi giới cầu thủ bóng đá, ông Nguyễn Minh Châu đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Châu khẳng định, làm nghề này nếu chỉ nghĩ tới tiền thì rất khó bền vững.
Các đội đều muốn ngon và rẻ
Cơ duyên nào đưa ông tới với nghề môi giới cầu thủ bóng đá?
Thực ra nghề môi giới cầu thủ chỉ là nghề tay trái của tôi. Năm 2001, tôi bắt đầu làm công việc kinh doanh các dịch vụ du lịch, bao gồm cả dịch vụ hỗ trợ người nước ngoài xin gia hạn hộ chiếu để ở lại Việt Nam.
Đầu những năm 2000 cũng là thời điểm mà làn sóng cầu thủ nước ngoài, đặc biệt là cầu thủ châu Phi sang Việt Nam chơi bóng nhiều. Một số tìm tới công ty tôi nhờ gia hạn hộ chiếu để ở lại hoặc đặt vé máy bay đi lại. Rồi có người nhờ tôi đi phiên dịch khi làm việc với đội bóng.
Sau một thời gian, lại có cầu thủ đặt vấn đề muốn tôi làm người đại diện, thay họ đàm phán với các CLB. Tôi nhớ thương vụ đầu tiên tôi thực hiện là đưa cầu thủ Uganda - Katsigazi Ronald Martin tới Hòa Phát Hà Nội năm 2002. Anh ta nhận lương 700 USD/tháng, con số rất cao thời điểm đó.
Thời gian đầu vào nghề, tôi phải lặn lội tới các quốc gia khác nhau, đi theo các cầu thủ mình đã làm việc cùng để nhờ họ giới thiệu, tìm nguồn cung. Dần dần, tôi thiết lập được mạng lưới đối tác, họ thấy mình làm việc có uy tín nên rất tích cực giới thiệu ứng viên cho tôi.
Ông có nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu vụ chuyển nhượng cầu thủ? Đâu là thương vụ ông ấn tượng nhất?
Tôi không nhớ chính xác nhưng có lẽ tôi đã thực hiện khoảng 130 vụ chuyển nhượng cầu thủ. Người gần nhất tôi giới thiệu cho một đội bóng V-League là Oussou Konan, người đang khoác áo Nam Định.
Trong khi đó, Cheikh Abass là thương vụ tôi hài lòng nhất. Tôi đưa anh này từ Thanh Hóa về Bình Dương vào năm 2014. Hai năm chơi cho Bình Dương, Abass góp công lớn giúp đội bóng giành hai chức vô địch V-League năm 2014, 2015.
Đáng tiếc, giữa lúc đang ở đỉnh cao phong độ, Abass dính chấn thương nặng trong một pha va chạm với Dương Thanh Hào và phải giải nghệ. Hiện anh ta đang sinh sống tại Mỹ và vẫn thường xuyên liên lạc với tôi.
Từng có 2 CLB Thái Lan nhờ tôi kết nối với Quế Ngọc Hải nhưng sau vụ Đặng Văn Lâm đơn phương chấm dứt hợp đồng với Muangthong United họ không liên lạc lại nữa. Có thể họ đề phòng cầu thủ Việt Nam. Cerezo Osaka, đội bóng mới chiêu mộ Văn Lâm cũng từng quan tâm tới Văn Thanh và Hồng Duy của HAGL.
Ông Nguyễn Minh Châu
Ông đã làm việc với hầu hết các đội bóng tại V-League, vậy ông đánh giá ra sao về tính chuyên nghiệp của họ trong chuyển nhượng?
Thẳng thắn mà nói, các CLB bóng đá Việt Nam thực hiện tuyển dụng cầu thủ chưa chuyên nghiệp. Họ không có bộ phận chuyên trách lo việc nhân sự, lên kế hoạch lâu dài mà tìm người một cách bị động, tức là thiếu vị trí nào thì rốt ráo tìm người ở vị trí đó rồi thôi.
Ngoài ra, họ luôn muốn có cầu thủ tốt nhưng giá phải thật rẻ, như vậy rất khó. Cũng phải kể tới việc các đội bóng có thói quen chèo kéo cầu thủ của nhau, dù cầu thủ vẫn còn hợp đồng dài hạn.
Nhiều người nói, chuyển nhượng cầu thủ ngoại tại Việt Nam hoàn toàn nằm trong tay các nhà môi giới, ông nghĩ gì về nhận định này?
Tôi nghĩ rằng 80% các vụ chuyển nhượng ngoại binh ở Việt Nam do các nhà môi giới quyết định. 20% là do CLB tự thực hiện bằng các hình thức giao lưu cầu thủ với các đội nước ngoài giống như Sài Gòn FC hay trước đây là HAGL. Cách nữa là họ niêm yết thông tin, chờ cầu thủ tự gửi hồ sơ và chọn lọc.
Có khi nào ông lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười với thân chủ của mình?
Nhiều lần tôi ra nước ngoài, tìm được cầu thủ ưng ý, thỏa thuận miệng xong họ bảo tôi cứ về Việt Nam đi, họ sẽ sang sau. Rồi họ bảo tôi chuyển tiền để họ lo giấy tờ, vé máy bay, lần thì 20 nghìn, lần thì 30 nghìn USD.
Tuy nhiên, nhận tiền xong thì họ không sang, chiếm đoạt luôn số tiền đó. Tôi đành chấp nhận mất vì việc đi lại tốn kém và ngại phải động chạm tới các quy định pháp luật quốc gia đó.
Nhưng cay đắng nhất là có lần tôi bị chính cầu thủ của mình lừa. Năm 2015, tôi đưa Timothy Anjembe từ HAGL về Thanh Hóa, bầu Đệ đồng ý trả 120 nghìn USD tiền phí. Anh ta rất vui và nói sẽ giới thiệu cho tôi một tuyển thủ Nigeria chất lượng.
Sau đó, Anjembe nói tôi đưa 40 nghìn USD để về nước đưa cầu thủ kia sang. Tôi không ngần ngại chuyển tiền nhưng khi trở lại anh ta đi một mình và nói cầu thủ giới thiệu sẽ sang sau. Nhưng rồi anh ta chấn thương, bị Thanh Hóa thanh lý sau 2 trận. Anh ta về nước, tiền của tôi cũng chẳng bao giờ lấy lại được.
Làm nghề này nếu chỉ nghĩ tới tiền thì khó bền vững
Ông Nguyễn Minh Châu cho biết từng đưa cho Timothy Anjembe 40 nghìn USD để đưa cầu thủ mới sang Việt Nam nhưng Timothy Anjembe không thực hiện được và ông Châu cũng không lấy lại được tiền
Vậy còn những khoản hoa hồng, thứ được coi là tác nhân khiến các đội bóng V-League tích cực đổi ngoại binh sau mỗi mùa?
Trước năm 2010, đúng là có tình trạng các đội bóng tích cực thay đổi ngoại binh để chung chi. Cầu thủ dù tốt nhưng không có bồi dưỡng cho HLV hay Giám đốc thì khó được ký hợp đồng. Ngược lại, dù cầu thủ dở nhưng biết “luật ngầm” thì lại được thu nhận.
Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, tình trạng này gần như không còn bởi HLV hay người quản lý đều ý thức được rằng, họ phải lấy cầu thủ tốt để tăng chất lượng chuyên môn cho đội bóng.
Nguyên nhân chính khiến các đội bóng Việt Nam hay đổi ngoại binh là do không tìm được cầu thủ ưng ý. Thêm nữa, cánh môi giới chúng tôi lâu nay vẫn thòng điều khoản nếu cầu thủ kém thì phải đền người khác nên CLB khi không ưng thì thường yêu cầu đổi ngay.
Về phần mình, FIFA cho phép người môi giới nhận 3% từ phí chuyển nhượng. Tuy nhiên, có những thương vụ mình mất nhiều công sức, thời gian đi lại thì tôi nói rõ với cầu thủ là anh phải thưởng thêm cho tôi, đưa vào phụ lục hợp đồng hợp tác. Ngoài ra, tôi không chèo kéo thêm bất kỳ khoản nào từ CLB tới cầu thủ. Làm nghề này nếu chỉ nghĩ tới tiền thì khó bền vững.
Trong số các ngoại binh ở V-League hiện tại, theo anh có bao nhiêu cầu thủ trình độ cao, vượt lên so với nội binh?
Theo đánh giá của tôi, số cầu thủ ngoại chất lượng cao ở V-League 2021 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi ấn tượng nhất với cầu thủ Brazil - Rafaelson, người đang khoác áo SHB Đà Nẵng, trước đó là Nam Định. Ở cả hai CLB này Rafaelson đều chơi tốt, trở thành cây săn bàn chủ lực. Điểm mạnh của anh ta là thể lực dồi dào, lối chơi hiện đại và phù hợp với nhiều loại chiến thuật.
Sở dĩ tôi nói về phù hợp chiến thuật bởi một số cầu thủ chỉ phù hợp với chiến thuật nhất định. Rimario chẳng hạn, ở HAGL anh ta chơi vật vờ nhưng về Thanh Hóa, Hà Nội hay Bình Định lại chơi ổn.
Thời gian qua, có nhiều vụ cầu thủ ngoại gặp rắc rối với CLB chủ quản, là người trong nghề, ông đánh giá đâu là nguyên nhân?
Thứ nhất, đôi bên không làm rõ các điều khoản từ khi ký kết, qua thời gian nếu gặp biến động thì dễ nảy sinh hiểu lầm, mâu thuẫn.
Thứ hai và cũng là nguyên nhân chính, cầu thủ sau khi ký hợp đồng phong độ không được cao. CLB cảm thấy họ bị lừa, từ đó xem thường cầu thủ và các điều khoản ký dẫn tới sự bất mãn của cầu thủ. Từ chỗ bất mãn, họ sẽ nổi loạn, đình công đòi ra đi.
Nếu cầu thủ có người đại diện đủ kinh nghiệm thì thường lường trước được những kịch bản xấu, chủ động đưa ra những ràng buộc khách quan giữa CLB với cầu thủ, tránh mâu thuẫn không đáng có.
Một vấn đề cũng được quan tâm là cầu thủ Việt Nam xuất ngoại, ông có từng nhận được những lời đề nghị của các đội bóng nước ngoài cho cầu thủ Việt?
Có một số CLB Thái Lan, Nhật Bản hay cả ở châu Âu liên hệ với tôi, nhờ tôi đưa cầu thủ Việt Nam sang chơi bóng nhưng tôi đều từ chối khéo. Bởi tôi biết đây chưa phải là thời điểm cầu thủ Việt Nam có thể phát triển được ở nước ngoài.
Tại sao tôi nhận định như vậy? Cầu thủ Việt rất khéo nhưng kém thể lực và kỹ năng sống hoang dã. Cầu thủ của ta ra nước ngoài không biết giao tiếp, kém ngoại ngữ, thậm chí không thể cầm dĩa để ăn nên sẽ trở ngại trong việc hòa nhập, dẫn tới bị cô lập.
Đặng Văn Lâm là trường hợp hiếm hoi chơi được ở nước ngoài nhưng anh này lớn lên ở Nga, được đào tạo từ nhỏ trong nền bóng đá chuyên nghiệp nên tính chuyên nghiệp rất cao.
Trong tương lai, cầu thủ Việt muốn ra nước ngoài thì nhất định phải rèn giũa nhiều về kỹ năng mềm, bao gồm cả việc ăn sao cho khoa học. Cầu thủ nước ngoài ăn để đủ chất, tốt cho sức khỏe còn cầu thủ chúng ta ăn theo sở thích, ăn cho no.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận