Showbiz

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Chính sách văn hóa cần thiết thực hơn nữa

20/11/2021, 10:50

Văn hóa Việt Nam sẽ thế nào, sẽ hội nhập và tiếp biến ra sao trong "thế giới phẳng"? Có hay không sự mai một văn hóa dân gian?

LTS: Ngày 24/11 sắp tới, Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3, bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và một số bộ, ngành.

Đây là một Hội nghị mang tính chất lịch sử, để nhìn lại, đánh giá quá trình phát triển văn hóa Việt trong chiều dài phát triển, khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Báo Giao thông xin gửi tới quý độc giả tuyến bài viết nêu lên ý kiến của các nhà văn hóa, các nghệ sĩ trước thềm Hội nghị văn hóa toàn quốc.

img

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ - Nguyên giảng viên trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: VNU

CHÍNH SÁCH VĂN HÓA CẦN THIẾT THỰC HƠN NỮA

“Chính sách văn hóa cần thiết thực hơn nữa, phương sách văn hóa cần cụ thể hơn nữa. Con người hoạt động văn hóa cần sự đam mê, trách nhiệm...”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ trong cuộc trao đổi với Báo Giao thông trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp diễn ra.

Xác định giá trị của văn hóa, những phương sách để hành động

Ngày 24/11 tới đây, Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra trong sự quan tâm đặc biệt của những người làm văn hóa. Theo ông, hội nghị này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Tôi cho rằng ý nghĩa cơ bản của Hội nghị trong thời điểm này là thể hiện ý thức, quyết tâm dành cho lĩnh vực văn hóa của Đảng, Nhà nước về tầm quan trọng, tính cấp thiết khi xây dựng một xã hội phát triển, hòa nhập và sánh vai cùng nhiều nền văn hóa, văn minh quốc gia khác.

Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại những thành tựu đã đạt được, những khó khăn đã vượt qua, những khuyết điểm cần khắc phục, những kỳ vọng để đạt tới, xác định giá trị của văn hóa, những thử thách phải đối diện và những phương sách để hành động.

Vì vậy, tôi trông đợi sự thành công của Hội nghị.

Nhìn lại chiều dài văn hóa dân tộc, theo đánh giá của ông, sự phát triển văn hóa của chúng ta ngày nay đang có “tốc độ” như thế nào?

Nói về sự phát triển của văn hóa trong tiến trình lịch sử thì quả là mênh mông. Ta có thể hình dung gọn qua từng thời kỳ. Phát triển cực chậm là 2 đến 3 ngàn năm trước công nguyên, những phương diện văn hóa lúc đó đang trong màn sương thời gian, cần nghiên cứu nhiều hơn.

Phát triển rất chậm là 1000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Phát triển nhanh hơn và rộng mở dần là 1000 năm tiếp theo giành được và gìn giữ độc lập dân tộc thời phong kiến. Phát triển nhanh là 100 năm từ đầu thế kỷ đến cuối thế kỷ XX. Phát triển rất nhanh là 20 năm từ đầu thế kỷ XXI đến nay.

Nhịp thời gian không đều đặn, tốc độ tăng dần, có những thời điểm bột phát. Nhưng nhìn chung là một dòng chảy liên tục, không ngắt quãng của văn hóa dân tộc. Đó là điều đáng tự hào.

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn Ca múa nhân dân. Ảnh: TL

Còn dân thì còn văn hóa dân gian

Trong sự phát triển rất nhanh như ông đánh giá, đã có lúc có ý kiến cho rằng văn hóa dân gian bị mai một, ông có đồng tình với nhận định này?

Văn hóa dân gian bao giờ cũng là nền tảng cho sự phát triển tổng thể văn hóa dân tộc. Giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học có mối quan hệ biện chứng, gắn bó khăng khít.

Không có chuyện mai một văn hóa dân gian. Hiện đại như chơi facebook chẳng hạn, tôi đã đọc nhiều trang facebook, chủ yếu họ chơi một cách “dân gian”, rất ít người chơi “bác học”. Đó là một biểu hiện văn hóa dân gian hiện đại.

Thầy Trần Quốc Vượng sinh thời nói rất đúng, là “còn dân thì còn văn hóa dân gian, hết dân mới hết văn hóa dân gian”.

Nó là một thực thể vận động không ngừng, như dòng sông, có khúc này khúc nọ nhưng tuôn chảy. Cái này mòn đi, cái khác nảy mầm.

Nếu nói “mai một” thì cũng chỉ là nhận định vào một thời điểm đặc biệt, một hiện tượng đặc biệt, một giá trị đặc biệt mà thôi.

Bảo vệ bản sắc văn hóa như bảo vệ biên giới

Theo ông, bản sắc văn hóa có thể xem như một “thương hiệu quốc gia”?

Đâu chỉ là “thương hiệu quốc gia”, là sự nhận diện, bản sắc văn hóa còn đem những bản sắc của cộng đồng mà nó đại diện phục vụ toàn thể nhân loại.

Bản sắc văn hóa ít nằm ở nguồn gốc của những hành động văn hóa, mà nằm chủ yếu ở thành tựu, ở quan niệm về giá trị, ở ứng xử cộng đồng với hành động văn hóa đó.

Quá trình phát triển văn hóa ở nước ta, dù khó khăn, gập ghềnh nhưng đang trong một định hướng đúng đắn từ “dân tộc hóa, đại chúng hóa, hiện đại hóa” đến nay là “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Vậy chúng ta cần bảo vệ, phát triển văn hóa như thế nào?

Nhìn góc độ kỳ vọng quá lớn thì đâu đó vẫn có những bất cập, nhưng nhìn ở góc độ thực tiễn, cụ thể thì chúng ta chưa bị “trôi dạt văn hóa” quá nhiều như một số quốc gia khác, cộng đồng khác.

Thời gian qua, chúng ta cũng đã chứng kiến trên thế giới có những trường hợp người ta giành giật di sản mang bản sắc của nhau.

Nhưng ở góc độ quốc gia, tôi cho rằng chính thể quốc gia phải nhận thức và bảo vệ được bản sắc văn hóa của mình, như bảo vệ biên giới hải đảo.

UNESCO chẳng hạn, họ là tập hợp những chuyên gia thông minh, họ sẽ có cách ghi nhận những bản sắc văn hóa cho từng cộng đồng khác nhau. Nhưng chúng ta phải thức nhận trước với tư cách là chủ thể văn hóa và phải đầu tư để gìn giữ và phát triển những bản sắc của mình.

img

Chính thể quốc gia phải nhận thức và bảo vệ được bản sắc văn hóa của mình

Không chỉ cần quảng bá, cần một văn hóa phục vụ cộng đồng

Trong thời đại bùng nổ thông tin, giới trẻ tiếp cận rất dễ với nhiều nền văn hóa mới. Xin hỏi ông một câu hỏi rất cũ nhưng vẫn chưa bao giờ dễ trả lời với những người làm văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian: Làm thể nào để hòa nhập, hội nhập mà không phai nhạt bản sắc của mình?

Công nghệ số thực tế đã đẩy tốc độ phát triển toàn nhân loại sang một kỷ nguyên khác, đặc biệt là tốc độ tiếp biến văn hóa. Có người đã đưa ra khái niệm “thế giới phẳng” nhưng không có nghĩa là thế giới phẳng tiêu diệt văn hóa, mà trong thế giới không có giới hạn về địa lý, khoảng cách ấy, văn hóa của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia lại càng phải có sức sống mãnh liệt hơn.

Mỗi bước đi của văn hóa Việt Nam phải là một bước tiếp biến văn hóa để sáng tạo nên bản sắc văn hóa của mình.

Bạn hỏi làm thế nào để hòa nhập, hội nhập mà không hòa tan? Có chừng này việc thôi: Thấu hiểu - Thẩm định - Bảo tồn - Phát triển - Quảng bá.

Thấu hiểu là nghiên cứu kỹ càng các di sản văn hóa. Thẩm định là phát hiện và khẳng định những giá trị của di sản. Bảo tồn là dựa trên sự thẩm định để gìn giữ các giá trị.

Phát huy là bằng nhiều con đường, coi di sản cộng đồng như một dạng tài nguyên để sáng tạo trên đó, tạo nên giá trị mới.

Quảng bá không chỉ là tuyên truyền mà phải đưa giá trị văn hóa đó ra phục vụ cộng đồng rộng rãi, cộng đồng quốc tế.

Đó là trách nhiệm của những người làm văn hóa.

Xin hỏi ông câu cuối, để đóng góp một tiếng nói tới Hội nghị văn hóa toàn quốc, ông muốn gửi gắm điều gì?

Tôi mong rằng chính sách văn hóa cần thiết thực hơn nữa, phương sách văn hóa cần cụ thể hơn nữa. Con người hoạt động văn hóa cần sự đam mê, trách nhiệm, và cao hơn là cần sự quên mình cống hiến vì cộng đồng hơn nữa. “Xắn tay vào việc” phải là phương châm hành động.

Chính sách, phương sách, con người, cộng thêm điều kiện hoạt động tốt sẽ xây dựng được nền văn hóa như chúng ta kỳ vọng.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.