Kinh tế

Nhà nước chỉ đầu tư "mồi", kinh tế tư nhân đầu tư chủ lực

08/11/2014, 10:57

Tại hội thảo "Giải pháp tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng" tổ chức ngày 7/11, quan điểm giảm đầu tư công để kéo giảm nợ công được đưa ra.

img

TS. Lê Hải Mơ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) lấy ví dụ, gần 1 thập kỷ Hy Lạp huy động hàng trăm tỷ USD đầu tư dàn trải cho cơ sở hạ tầng trong khi không có kế hoạch trả nợ là nguyên nhân khiến nước này khủng hoảng nợ công nghiêm trọng từ năm 2010. “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nợ công có thể tăng mạnh khi áp lực đầu tư công lớn, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực không hiệu quả”, ông Mơ nói.

Theo Viện Chiến lược và chính sách tài chính, quy mô nợ công/GDP của Việt Nam đến ngày 31/12/2013 bằng 54,2% GDP, vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, dư nợ công tăng khá nhanh: Năm 2010/2009 tăng 27%; năm 2011/2010 tăng 24,8%; năm 2012/2011 tăng 18,4%; năm 2013/2012 tăng 17,9%.

Với mức thâm hụt 5,3% năm 2014; 5% năm 2015 thì dự báo, tổng số nợ công/GDP năm 2015 là 64,5%. Nếu tính cả 85.000 tỷ trái phiếu thì mức thâm hụt tới 7%. “Tuy đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước có xu hướng giảm, xong đầu tư công đã có xu hướng mở rộng quy mô phát hành Trái phiếu Chính phủ mà bản chất của Trái phiếu Chính phủ chính là bội chi Ngân sách Nhà nước và nằm trong tổng nợ công”, ông Mơ nhấn mạnh.

Nhận định tái cơ cấu đầu tư công ở nước ta có hiệu quả nhưng còn rất chậm chạp, TS. Lê Hải Mơ đề xuất biện pháp tái cơ cấu đầu tư công để giảm quy mô nợ công, đó là khống chế mức độ thâm hụt ngân sách cứng theo tỷ lệ tương ứng (4-4-3-2%) vào năm 2020; Giảm, tiến tới bỏ hẳn bảo lãnh cho doanh nghiệp, địa phương, vay để lãi trước năm 2020; Phát triển thị trường Trái phiếu Chính phủ dài hạn (10-15 năm) với lãi suất thấp nhằm giảm sự lệ thuộc vào vốn vay bên ngoài; Rà soát, nghiên cứu và định vị lại quy mô nợ công…

Đồng quan điểm, GS. TS. Nguyễn Quang Thái, Thư ký Hiệp hội Kinh tế Việt Nam đề xuất, cần gắn tái cơ cấu đầu tư công với tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế; đồng thời điều chỉnh mạnh mẽ chính sách đầy tư theo các ngành và vùng cho hiệu quả; tiếp tục cải cách thể chế để tạo điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.  “Cần coi trọng vai trò đầu tư “mồi” của kinh tế nhà nước nhưng phải phát huy vai trò chủ lực, phát huy tiềm lực kinh tế tư nhân”, GS.TS. Nguyễn Quang Thái nói.

Quỳnh Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.