Chuyện dọc đường

Nhà nước thiệt đơn, thiệt kép

18/09/2019, 07:36

Đối với kinh tế vĩ mô, chậm giải ngân vốn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm dày thêm gánh nặng nợ công...

img
Thi công cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Ảnh minh họa: Đình Quang

Trong tình hình hiện nay, nguồn vốn đầu tư công bố trí cho các công trình, dự án của các bộ, ngành, địa phương phần nhiều không phải vốn tự có mà Nhà nước phải đi huy động từ nhiều nguồn, trong đó có việc phát hành trái phiếu Chính phủ và phải trả lãi.

Khi giải ngân chậm, tức là tiến độ dự án, công trình chậm, kéo theo hệ quả là thời gian trả lãi kéo dài, gây thiệt hại về kinh tế, lãng phí của cải xã hội. Tôi cho rằng, đây là hậu quả trực tiếp và dễ nhận ra nhất từ việc chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với kinh tế vĩ mô, chậm giải ngân vốn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm dày thêm gánh nặng nợ công, gây lãng phí, thất thoát nguồn lực của nền kinh tế. Để bù đắp bội chi, Chính phủ lại phải sử dụng các công cụ khác như vay tiền trong nước, gây áp lực tăng giá, dẫn tới lạm phát và nhiều vấn đề khác.

Hơn nữa, các dự án đầu tư công đã được phê duyệt và dành vốn thực hiện đều là những dự án có tầm quan trọng, đóng góp cho ngành, lĩnh vực hoặc địa phương được đầu tư nói riêng và đóng góp vào nền kinh tế chung. Khi các dự án, công trình bị chậm tiến độ sẽ làm chậm lại sự phát triển của ngành, lĩnh vực, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn khó khăn, nhiều dự án có sẵn vốn nhưng giải ngân chậm, thậm chí không giải ngân được, trong khi nhiều dự án quan trọng, cấp bách khác lại không có vốn để triển khai, đây là vấn đề rất nhức nhối trong nền kinh tế. Rõ ràng, khi các chủ đầu tư chậm giải ngân, Nhà nước sẽ thiệt đơn, thiệt kép khi vừa phải gánh thêm lãi, vừa lãng phí nguồn lực đầu tư.

Tôi cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải ngân chậm hiện nay có một số yếu tố khách quan từ mặt cơ chế, chính sách, nhưng phần lớn là do nguyên nhân chủ quan từ năng lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Do vậy, để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trước tiên, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định chưa phù hợp của Luật Đầu tư công. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp mạnh để đốc thúc, chấn chỉnh công tác giải ngân của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Đình Quang (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.