Văn hóa - Giải Trí

Nhà sản xuất âm nhạc ngày càng lộ diện

05/12/2017, 07:56

Nhạc Việt sôi động như ngày nay, một phần nhờ sự nổi lên của thế hệ những nhà sản xuất âm nhạc trẻ tuổi.

26

Nhà sản xuất âm nhạc chiếm vai trò vô cùng quan trọng trong nền âm nhạc hiện đại

Chiếm sân khấu không phải riêng ca sĩ

Khi khái niệm Music Producer - nhà sản xuất (NSX) âm nhạc mới xuất hiện tại Việt Nam, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay vài cái tên như: Quốc Trung, Quốc Bảo, Anh Quân… Sau đó, sự phát triển như vũ bão của dòng nhạc EDM đã làm phát sinh thế hệ F2 gồm: Dương Khắc Linh, Nguyễn Hải Phong, Hồ Hoài Anh… Động tới EDM đồng nghĩa với việc xoá mờ ranh giới nhạc mainstream - underground. Hệ quả là chỉ trong 3-4 năm trở lại đây, bên cạnh những cái tên chính thống như: Khắc Hưng, Đỗ Hiếu, Hải Sa, hàng loạt những Rhymastic, SlimV, Hoàng Touliver… từ thế giới ngầm nhảy vào cuộc chơi làm nhạc.

Sóng sau xô sóng trước, thế hệ NSX trẻ bộc lộ nhiều sự khác biệt với giới đàn anh. Thời của những Quốc Trung, Quốc Bảo, Anh Quân… phần lớn các NSX chỉ đứng phía sau hậu đài chỉ đạo. Đến NSX, nhạc sĩ Anh Quân khi hỏi về vai trò đứng phía sau diva Mỹ Linh, anh không ngần ngại khẳng định: “Tôi tạo ra diva”.

Năm 2015, Vietnam’s Next Top Model từng mời NSX Đỗ Hiếu làm nhạc hiệu nhưng cố tình không kí hợp đồng thanh toán trước 50% chi phí. ” Tôi đã làm đúng những gì chương trình yêu cầu nhưng sau đó họ không đả động đến vấn đề thanh toán. Đến khi tôi hỏi rõ ràng và ép buộc thì họ nói rằng chỉ có thể thanh toán 20% vì dùng có 30 giây, nếu thanh toán hết rất vô lý”, Đỗ Hiếu cho hay.

Đến thời điểm hiện tại (12/2017), đại diện chương trình mới chỉ nhận sẽ kiểm tra lại thông tin và đây có thể là “sai sót hoặc vấn đề của nhân sự cũ. Có thể khi thay đổi nhân sự, người phụ trách cũ nghỉ việc không bàn giao lại”. 

Tới thế hệ F2 vẫn chứng kiến sự cộng sinh giữa ca sĩ - producer, mà phần lớn là ca sĩ chiếm vị thế nổi bật. Đức Trí với Hà Hồ, Dương Khắc Linh với Hà Anh Tuấn. Mãi tới khi Nguyễn Hải Phong tự mình thể hiện thành công các sản phẩm: Góc tối, Lột xác, Dòng thời gian… mới thấy lấp ló hình tượng NSX âm nhạc bước ra khỏi hậu đài.

Các producer trẻ khiến khán giả nhận diện nhiều hơn, đặc biệt qua các gameshow giải trí. Từ The remix, Dream high, Sing my song, Sao đại chiến… hình tượng NSX dần được khán giả nhận thức rõ rệt. Ở các chương trình như The remix, Dream high, các NSX được trực tiếp đẩy lên sân khấu, trước ống kính máy quay ngang hàng với ca sĩ.

Trong Sing my song, Sao đại chiến gần đây, vai trò phát ngôn, tranh cãi và thậm chí tạo scandal lại thuộc về những người làm nhạc chứ không phải người hát. Vụ việc Dương Cầm đối chọi với Only C, Miu Lê trong Sao đại chiến gần đây là điển hình cho thấy: Quyền chiếm lĩnh sân khấu đã không còn của riêng ca sĩ.

“Những thế hệ sau ngày càng lộ diện nhiều hơn, giống như một thứ mốt thời trang vậy”, NSX Dương Khắc Linh chia sẻ. Song theo anh, xu thế bước ra khỏi hậu trường này là biểu hiện cho quan điểm của những người làm nhạc trẻ tuổi: “Họ muốn thay đổi cái nhìn về nghề làm nhạc, rằng họ có thể trở thành người nổi tiếng thay vì lặng lẽ tự kỉ mãi trong góc sáng tác riêng”.

Nhà sản xuất ngôi sao cũng trồi sụt với thị trường

Dẫu đóng vai trò quan trọng trong nền âm nhạc, song không có nghĩa NSX là công việc dễ dàng. Với thế hệ F1, có những người chật vật vượt qua sự thay đổi của thị trường. NSX Quốc Bảo chia sẻ: “Thời tôi mới làm producer là khi các hãng băng đĩa nổi lên làm ăn rất chạy, kiểu Phương Nam phim, Phim trẻ. NSX được hưởng kinh phí trọn gói khi cộng tác. Nhưng sau đó vấn nạn băng đĩa lậu, rồi nhạc số lên ngôi khiến các hãng đĩa đóng băng. Không ai bao thầu, dần dần ca sĩ hoặc chính NSX phải tự bỏ tiền túi ra để làm”.

Thế hệ NSX thứ 2 ra đời trong giai đoạn nhạc điện tử, mạng xã hội bùng nổ lại phải chịu sức ép kiểu khác. Theo Dương Khắc Linh: “Thị trường đang chuyển động chậm, quy trình từ chiếc CD tới họp báo ra mắt vốn rất nhẹ nhàng, doanh thu có thể nắm trong tầm tay bỗng nhiên trở nên cạnh tranh ghê gớm. Một producer như tôi vất vả hơn trước, khi phải toan tính những kênh quảng bá như mạng xã hội”. Theo đó, Dương Khắc Linh bày tỏ áp lực sản xuất giống như đi câu: “Cái bài mình nghĩ là ăn thì nó lại không tốt; bài mình cho là dở thì lại thành công”.

Sang tới thế hệ F3, các producer từ giới underground phần lớn không có xuất phát điểm thuận lợi: “Chúng ta không có trường dạy trở thành producer, tất cả đều phải tự học, từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu là thông qua internet. Mà lúc đó, thông tin trên mạng chưa nhiều như bây giờ. Tôi phải tìm kiếm các phần mềm về hòa âm, rồi tự mày mò tập sử dụng”, NSX trẻ Hoàng Touliver cho biết.

Mặc dù họ bước chân ra ánh sáng sân khấu, truyền thông nhưng thu nhập của NSX không lớn như các ca sĩ. Bản thân rủi ro, thị phi là những yếu tố luôn chờ chực những ai định bước chân vào con đường làm nhạc. Dẫu vậy, điều này khó ngăn những NSX vươn lên trở thành trụ cột định hình cho nền công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.