Điện ảnh

Nhà sản xuất, phát hành “đau đầu” vì web phim lậu

19/07/2016, 07:50

Web phim lậu đã và đang khiến nhà sản xuất phim, phát hành phim ở VN đau đầu bởi thiệt hại về doanh thu.

27 - 39% quảng cáo trên các trang web phim lậu là

27 - 39% quảng cáo trên các trang web phim lậu là của các trang web sex, cá cược. Ảnh: Ngô Vinh

Trước thực trạng này, gần đây, các nhà sản xuất, phát hành phim đã phải “tự lực cánh sinh” cứu lấy tiền của mình, không còn “há miệng” chờ nữa.

Web phim lậu có tới 39% quảng cáo websex, cá cược

Ngày nay, tình trạng phim lậu càng diễn ra nghiêm trọng hơn khi chỉ cần có một chiếc máy tính nối mạng là người xem có thể thưởng thức bất cứ bộ phim nào, bất cứ nơi đâu hoàn toàn... miễn phí. Nhiều nhà làm phim than phiền rằng, phim họ chưa kịp ra rạp bán vé, chưa công chiếu mà băng đĩa lậu sao chép phim đã bán tràn lan, các web phim đã chiếu nhan nhản.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty BHD cho biết: “Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, doanh thu chiếu rạp chiếm 30 - 50% doanh thu của một hãng phim. Còn ở VN, doanh thu từ phim chiếu rạp rất thấp, thậm chí nhiều bộ phim không có doanh thu từ rạp. Nếu nạn vi phạm bản quyền cứ tiếp diễn thì hãng phim không thu được tiền từ phim chiếu rạp sẽ bị lỗ. Hiện nay, điện ảnh VN chỉ tồn tại chủ yếu là các hãng phim tư nhân, nếu hãng phim không thể kiếm tiền được từ điện ảnh sẽ khó mà đầu tư được những bộ phim hay và khi đó khán giả chỉ có thể xem phim nước ngoài”.

“Không những thế, các quảng cáo trên những trang web phim lậu là hàng hóa, dịch vụ bất hợp pháp. Trong đó có tới 27 - 39% là quảng cáo websex, cá cược. Ngoài ra, còn chứa các virus độc hại cho máy tính, điện thoại của người sử dụng”, bà Hạnh nói thêm.

Bà Phan Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) cho rằng, các trang web phim lậu không chỉ là vấn đề của VN mà còn là vấn đề cần giải quyết ở nhiều nước. “Các trang web này có vẻ ngoài rất hiền lành nhưng đằng sau ẩn chứa việc quảng cáo cho nhiều tội phạm hình sự như cờ bạc, tình dục. Chúng ta không biết nguy cơ nào có thể xảy ra với con trẻ từ những trang web phim lậu này”, bà Tú nói.

Thực tế, thời gian qua Thanh tra Bộ TT&TT đã nhận được đơn thư yêu cầu của các đơn vị nắm giữ bản quyền hợp pháp về việc bản quyền của các đơn vị này bị vi phạm. Trong đó có cả những đơn vị lớn như: MPA, K+, HTV, Galaxy. Số lượng chủ thể bản quyền gửi yêu cầu về cơ quan chức năng ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, bảo vệ bản quyền là một cuộc chiến rất khó khăn. Trong môi trường số, cơ quan chức năng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, đối tượng vi phạm thường sử dụng, dùng tên miền nước ngoài, giấu địa chỉ IP.

“Do vậy, cần phải có sự phối hợp giữa các quốc gia nhưng không phải “một sớm một chiều” mà làm được. Một số cá nhân đăng ký sử dụng tên miền nước ngoài thông qua đại lý ở VN nhưng số khác lại trực tiếp đăng ký thẳng với nước ngoài, do vậy rất khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý”, ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí và Thông tin trên mạng (Thanh tra Bộ TT&TT) cho biết.

Chủ động cung cấp dịch vụ cạnh tranh với web lậu

Trước vấn nạn nhiều nội dung do các đơn vị truyền hình bị công khai lấy trộm trên hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn trang web khai thác nội dung lậu, hầu hết các đơn vị sản xuất nội dung truyền hình, điện ảnh đã phải tự tìm cách bảo vệ mình. Đơn vị K+ và BHD đã chủ động cung cấp dịch vụ nội dung phim ảnh, truyền hình có bản quyền trên internet như một cách thu hút người dùng vào trang mạng có bản quyền...

BHD đang chuẩn bị cung cấp dịch vụ xem phim theo yêu cầu. 100% nội dung phim của dịch vụ này đều có bản quyền và là kho nội dung video có bản quyền lớn nhất VN. Người xem có nhiều gói dịch vụ khác nhau như: Gói dịch vụ miễn phí có kèm quảng cáo; Phim gói với thư viện nhiều phim điện ảnh.

Đối với gói phim này, BHD hợp tác với 6 hãng phim của Mỹ để cung cấp phim có bản quyền với giá 50 nghìn đồng/tháng. Với dịch vụ thuê phim, người dùng có thể xem ở nhà các phim yêu thích và trả tiền thuê trong vòng 48 giờ. Trang web trên cung cấp dịch vụ cho người xem trên mọi thiết bị cầm tay, đồng thời BHD đã kết hợp với các nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ truyền hình để cung cấp gói xem phim trên tivi.

Kinh nghiệm chống vi phạm bản quyền của một số nước

Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ cho biết, Hội đã điều tra rất kỹ các website phim lậu. Sau đó, đã gửi đơn kiến nghị các nhãn hàng không quảng cáo trên wesite đó nữa. Việc làm này cũng mang lại nhiều hiệu quả.Chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ bản quyền tại Hàn Quốc, ông Ji Seong-gu, Trưởng đại diện Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc (KCC) cho biết: “Chúng tôi có đội ngũ cảnh sát bản quyền tác giả trực thuộc Bộ Văn hóa, chuyên điều tra, giải quyết các vụ việc về bản quyền”. Từ năm 1986, Hàn Quốc đã 20 lần chỉnh sửa Luật Bản quyền cho phù hợp với xu thế phát triển. Ngoài bị phạt hành chính, người vi phạm có thể bị phạt tù nhiều năm”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.