Thế giới giao thông

Nhà sản xuất túi khí Takata chính thức nộp đơn phá sản

28/06/2017, 08:31

Nhà sản xuất túi khí Takata nổi tiếng của Nhật Bản đã chính thức nộp đơn phá sản.

23

Ban Giám đốc Takata cúi đầu sau thông báo nộp đơn bảo hộ phá sản 

Xin bảo hộ phá sản tại Nhật, Mỹ

Tập đoàn sản xuất túi khí Nhật Bản Takata nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ và Nhật Bản. Takata đang đối mặt với khoản thiệt hại từ 10 - 50 tỉ USD vì chi phí và trách nhiệm pháp lý sau gần 1 thập kỷ kiện tụng và triệu hồi ô tô. 

Túi khí bị lỗi của Takata có liên quan tới cái chết của ít nhất 16 người và 180 người bị thương trên toàn thế giới. Tập đoàn TK Holding, chi nhánh của Takata tại Mỹ đã nộp đơn bảo hộ phá sản lên Tòa án bang Delawarer. Trong khi đó, tại quê nhà, công ty mẹ Takata nộp đơn bảo hộ phá sản lên Tòa án quận Tokyo. 

Giám đốc điều hành TK Holdings, ông Scott Caudill cho biết, công ty đang đối mặt với các cáo buộc “không thể vượt qua”. Ông tiết lộ, Takata triệu hồi hoặc dự kiến triệu hồi khoảng 125 triệu phương tiện trên toàn thế giới tính đến năm 2019, trong đó có hơn 60 triệu phương tiện tại Mỹ. 

Công ty Nghiên cứu Tokyo Shoko ước tính, toàn bộ trách nhiệm pháp lý mà Takata phải gánh chịu có thể lên tới 1,7 nghìn tỉ yên (tương đương 15 tỉ USD). Một luật sư của công ty cho biết, những khoản trách nhiệm pháp lý cuối cùng phụ thuộc vào kết quả bàn luận giữa đối tác là các nhà sản xuất ô tô với Takata. 

Takata sẽ đi về đâu? 

Việc Takata nộp đơn xin bảo hộ phá sản mở cửa cho Công ty cung cấp phụ tùng Key Safety Systems (KSS) có trụ sở tại Michigan do Tập đoàn Điện tử Ningbo Joyson của Trung Quốc làm chủ đầu tư tài chính xúc tiến việc mua lại tập đoàn này. Sau 16 tháng đàm phán và thông qua, KSS chấp thuận tiếp quản một phần hoạt động của Takata. Những hoạt động còn lại sẽ được tái cơ cấu để tiếp tục sản xuất hàng triệu túi khí dùng để thay thế những túi khí bị lỗi - hai công ty cho biết. 

KSS sẽ giữ lại gần như tất cả 60.000 nhân viên của Takata tại 23 quốc gia và duy trì các nhà máy tại Nhật Bản. Thỏa thuận này đồng nghĩa cho phép Takata tiếp tục hoạt động mà không bị gián đoạn, hạn chế tối thiểu gián đoạn dây chuyền cung cấp hàng hóa. 

Luật Phá sản của Mỹ cho phép đối tác tiềm năng mua lại những tài sản họ muốn, không cần thiết phải gánh những trách nhiệm pháp lý không mong muốn bao gồm cả trách nhiệm về triệu hồi ô tô - ông Robert Rasmussen, Giáo sư luật chuyên về tái cơ cấu tập đoàn tại Đại học Southern California cho biết. 

Theo ông Rasmusen, tất cả số tiền bán tài sản của công ty sẽ được đưa vào việc sản xuất các phụ tùng thay thế. Theo luật Mỹ, trách nhiệm triệu hồi của một nhà sản xuất khi nộp đơn phá sản là yêu cầu của Chính phủ Mỹ. Các bên phải ưu tiên đảm bảo khách hàng “được bảo vệ thỏa đáng trước bất cứ lỗi an toàn nào” trong quá trình sản xuất của nhà chế tạo.

Chủ tịch Nghiên cứu thị trường Valient, ông Scott Upham ước tính, vì cuộc triệu hồi lớn nhất trong lịch sử ngành ô tô toàn cầu, các nhà sản xuất ô tô và các nhà cung cấp trên toàn cầu đối mặt với chi phí lên tới 5 tỉ USD trong tương lai, trong đó Takata có trách nhiệm khoảng 2 tỉ USD. Trong khi đó, một thỏa thuận bán tài sản của Takata có thể thu về 1,5 - 2 tỉ USD. Như vậy, hãng sản xuất túi khí này không đủ tiền để trang trải tất cả các khoản chi phí. “Các nhà sản xuất ô tô có lẽ sẽ phải bù đắp vào số tiền thiếu hụt”, ông Upham cho biết.

Takata sẽ được chia thành 2 công ty. Một công ty thuộc quyền kiểm soát của KSS bao gồm các tài sản và các hoạt động không liên quan tới túi khí và các chi nhánh sản xuất dây an toàn, vô lăng. Công ty thứ hai sẽ được tái cơ cấu và tiếp tục cung cấp các sản phẩm túi khí thay thế các thiết bị bị lỗi, hoạt động độc lập với công ty do KSS quản lý.

Ngoài ra, Takata sẽ đối mặt với các vụ kiện từ những người được cho là bị thương vì túi khí nổ, vừa phải đạt thỏa thuận với khách hàng về phân chia trách nhiệm chi trả các chi phí triệu hồi. Cổ phiếu của Takata sẽ bị hủy niêm yết vào ngày 27/7 trong khi giá trị cổ phiếu đã giảm hơn 90% kể từ giá đỉnh điểm trên sàn chứng khoán vào tháng 1/2014. KSS cho biết, họ hy vọng sẽ hoàn tất thỏa thuận cuối cùng và quy trình chuyển đổi trong quý đầu tiên của năm 2018.

Tại thời điểm đó, các Giám đốc điều hành của Takata bao gồm CEO Shigehisa Takada, cháu trai của người sáng lập công ty sẽ từ chức. Theo các nguồn tin từ Reuters, công ty mới sẽ dừng sử dụng nhãn hiệu Takata. Các sản phẩm túi khí, dây an toàn và các phụ tùng khác có thể được chuyển sang nhãn hiệu KSS.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.