Giảm mũi thi công vì vướng điện
Gần một năm kể từ ngày dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang phát lệnh khởi công, với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực vận động người dân của tỉnh Khánh Hòa, diện tích mặt bằng được bàn giao phục vụ thi công dự án đã đạt 81,35/83,35km (98%).
Tỷ lệ bàn giao gần chạm ngưỡng tuyệt đối, song việc tổ chức thi công của nhà thầu vẫn gặp khó bởi một số công trình hạ tầng kỹ thuật (HTKT) chưa được di dời.
Có mặt tại lý trình Km 311+200 đoạn Vân Phong - Nha Trang (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong khoảng 500m tuyến chính vẫn nhan nhản những vị trí nền đường phải bỏ dở công tác đắp nền, lu lèn bởi sự cản trở của đường dây điện 110kV.
Trên đoạn tuyến dài 35km do Công ty CP Lizen thi công cũng có hàng chục vị trí bị vướng thi công do đường điện 220kV, 110kV, 22kV chạy ngang dọc. Một số đoạn, đường dây còn nằm giữa tim tuyến.
Ông Bành Văn Anh, Chỉ huy gói thầu thuộc Công ty CP Lizen chia sẻ, trong phạm vi thi công của nhà thầu, đoạn qua huyện Vạn Ninh đã di dời được 3 vị trí hạ thế và đang thi công 8 vị trí hạ thế khác. Đường cao thế thì chưa triển khai di dời.
"Việc chưa dời HTKT, đặc biệt đường dây 110kV, 220kV đã ảnh hưởng tới công tác vận chuyển vật tư, tiến độ thi công và gây mất an toàn lao động cho công nhân. Cho đến nay, nhà thầu cũng chỉ tổ chức được 12 mũi thi công, trong khi theo kế hoạch, nếu có mặt bằng sạch, số mũi thi công có thể thêm được nhiều hơn", ông Văn Anh nói.
Theo Ban QLDA 7, trên cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang có 164 vị trí giao cắt HTKT. Trong đó, có 11 vị trí đường điện 220 kV, 9 vị trí 110 kV, 69 vị trí trung và hạ thế, 2 vị trí điện chiếu sáng; 51 vị trí cáp viễn thông, 22 vị trí cấp nước.
Hiện, địa phương đã phê duyệt 125/153 vị trí giao cắt, 25/53 vị trí đã di dời xong, 21 vị trí đã thẩm định xong, các vị trí còn lại đang trong quá trình thẩm định phê duyệt.
Đường điện 110 kV mới có 1 vị trí (huyện Diên Khánh) đã phê duyệt, 7 vị trí (thuộc huyện Vạn Ninh) đang lấy ý kiến để trình thẩm định, 1 vị trí (TX Ninh Hòa) đã có báo cáo thẩm định đang trình phê duyệt.
Khó đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Là địa phương có công trình HTKT phải di dời phục vụ thi công dự án, ông Nguyễn Minh Thư, Phó chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, hạng mục di dời trên địa bàn gồm: Đường dây 220kV với 9 vị trí là trụ chính và 7 vị trí trụ tạm; Đường 110kV có 2 vị trí trụ chính và 2 vị trí trụ tạm, cùng nhiều vị trí điện trung, hạ thế.
"Những hạ tầng này có yêu cầu cao, phức tạp về thiết kế. Các địa phương phải lập hồ sơ thu hồi đất, bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất, bồi thường hỗ trợ theo quy định pháp luật, mất rất nhiều thời gian, dẫn đến không đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Thị xã đang nỗ lực để hoàn thành công tác di dời HTKT càng sớm càng tốt", ông Thư chia sẻ.
Tương tự, quá trình thi công dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cũng gặp không ít trở ngại bởi tiến độ di dời HTKT chưa đáp ứng yêu cầu.
Đi dọc gói thầu XL1, dễ thấy nhiều vị trí trên gói thầu chưa thể thi công đại trà vướng hạ tầng lưới điện đường dây 22kV và 220kV như khu vực thi công cầu Eo Gió, cầu Sông Quán, cầu vượt đường sắt...
Tìm hiểu của PV, để di dời đường dây 220kV, từ cuối tháng 9/2023, nhà thầu đã xây dựng móng trụ và dựng trụ tạm. Thế nhưng, việc di dời đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, các vị trí vướng đường điện cao thế, hạ tầng viễn thông đa phần thuộc phạm vi thi công cầu hoặc cống hộp, hầm chui dân sinh. Trong khi đó, vào mùa mưa, đây lại là các công trình nhà thầu phải tập trung đẩy tiến độ thi công để tích lũy sản lượng và giải ngân.
Đặc biệt các vị trí là các đường dây điện ngang qua khi thi công sẽ làm mất an toàn điện, nguy cơ xảy ra phóng điện, điện giật là rất nguy hiểm.
Để thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, các cơ quan liên quan phải tổ chức di dời 836 vị trí công trình công cộng nằm trên hành lang tuyến chính.
Trong đó, có 44 vị trí trụ điện cao thế với 36 vị trí đường dây 220kV và 8 vị trí đường dây 110kV; 145 vị trí đường dây trung áp 22kV và 35kV; 414 vị trí đường dây hạ áp 0,4kV và 233 cột viễn thông.
Theo báo cáo của Ban QLDA 2, đến cuối tháng 10/2023, tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ bàn giao được 408/836 vị trí vướng công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, cáp quang...
Tại hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, cho biết hiện nay, dù kết quả bàn giao mặt bằng nói chung đều đạt trên 90%, song, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật vẫn còn chậm, nhất là lưới điện cao thế, tập trung ở tỉnh Hậu Giang với 7 vị trí chưa được di dời.
Hoàn thiện hồ sơ cần song song với thẩm định
Cập nhật tình hình di dời HTKT phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ Công thương cho biết, theo thống kê, tổng số vị trí giao chéo giữa tuyến cao tốc với các đường dây 220 - 500kV là 71 vị trí. Hiện, Tập đoàn Điện lực VN - EVN đã phối hợp với các ban QLDA hoàn thành thỏa thuận hồ sơ thiết kế kỹ thuật đối với 60 vị trí (chiếm 84,5%), đang tiến hành thi công 38 vị trí (chiếm 53,5%).
Tổng số vị trí giao chéo giữa đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với các đường dây 110kV và trung hạ áp được kiểm đếm là 1.125 điểm. Đến nay, EVN đã phối hợp với các ban QLDA hoàn thành thỏa thuận hồ sơ thiết kế kỹ thuật 1.065 vị trí (gần 95%), đang triển khai thi công 294 vị trí (gần 33%), đã hoàn thành di dời 73 vị trí (gần 6,5%).
Gần 90% mặt bằng bàn giao có thể thi công
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Đầu tư xây dựng, tính đến ngày 24/11, dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đã được bàn giao hơn 673km mặt bằng (hơn 93%). Trong đó, tỷ lệ mặt bằng có thể triển khai thi công đạt gần 646km (89,5%). Sản lượng thi công dự án đạt hơn 14.700 tỷ đồng (xấp xỉ 15% giá trị hợp đồng).
"Không phải 100% hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đều ảnh hưởng đến việc tổ chức thi công. Cục đã đề nghị các ban QLDA phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ thủ tục, ưu tiên di dời trước các vị trí thi công mố trụ cầu để duy trì nhịp độ, không để công trường gián đoạn", ông Minh cho biết.
Các vị trí chưa được thỏa thuận nằm trên địa bàn TP Cần Thơ (1 vị trí 110kV) và Khánh Hòa (59 vị trí thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa).
Trong thẩm quyền của mình, Bộ Công thương đã hoàn thành thẩm định hồ sơ và có thông báo thẩm định với 18 công trình, hạng mục di dời HTKT trong lĩnh vực điện trên các tỉnh, thành phố, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định, Tiền Giang.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Bộ Công thương nhận được thêm đề nghị thẩm định hồ sơ của 4 công trình di dời. Song, do hồ sơ chưa đảm bảo yêu cầu nên Bộ đã có văn bản gửi chủ đầu tư để hoàn thiện.
Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Công thương nhận được thêm đề nghị thẩm định hồ sơ của 3 công trình di dời đường điện cao thế. Do hồ sơ chưa đầy đủ nên Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương tiếp tục bổ sung hoàn thiện.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, công tác di dời HTKT, nhất là hệ thống điện cao thế liên quan đến EVN, phải tổ chức thẩm định phương án như một dự án thông thường. Trong khi đó, số lượng cán bộ và năng lực chuyên môn của nhiều địa phương còn hạn chế với dự án có quy mô và số lượng HTKT di dời lớn.
Để đẩy nhanh hơn tiến độ di dời, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, EVN hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương tích cực hơn nữa để hoàn thiện quy trình thủ tục.
"Công tác hoàn thiện hồ sơ và thẩm định cũng cần triển khai song song. Không nên chờ hoàn thiện toàn bộ mới trình thẩm định. Trường hợp cần thiết, các bộ, đơn vị liên quan cần cắt cử cán bộ chuyên môn xuống tận địa phương để phân tích thực tế, lựa chọn phương án tối ưu trong thời gian sớm nhất", ông Minh nói.
Đối với các đường dây 22kV và 0,4kV, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi bàn giao mặt bằng thi công mố trụ đến đâu, nhà thầu sẽ thi công đến đó. Đến nay, phần móng cơ bản đã xong nhưng nhiều vị trí muốn thi công trụ và kéo đường dây phải chờ công tác GPMB nhà dân.
"Dự kiến, trong tháng 12/2023, công tác di dời đường dây 220kV và 110kV trong phạm vi thi công dự án sẽ được hoàn thành. Các đường dây 22kV, 35kV và 0,4kV sẽ được tập trung giải quyết các "điểm nóng" để nhà thầu xây lắp có công địa thi công cầu, cống", ông Tính thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận