Đường bộ

Nhà thầu “đỏ mắt” chờ cơ chế bù giá vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam

24/06/2022, 16:15

Hàng loạt nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đang ngồi trên lửa khi cơ chế bù giá vật liệu theo hợp đồng vẫn chưa “ngã ngũ”.

Càng làm... càng lỗ

Những ngày cuối tháng 6/2022, dưới cái nắng như thiêu đốt ở dải đất miền Trung, hàng trăm công nhân, thiết bị máy móc của Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi vẫn bám công địa gói thầu XL11 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 để tăng sản lượng thi công sau những ngày mưa kéo dài.

img

Biến động giá vật liệu trong thời gian qua khiến đơn giá thi công hầu hết các gói thầu cao tốc Bắc - Nam vượt 15 - 30% so với thời điểm bỏ thầu. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Lê Doãn Bắc, Chỉ huy trưởng gói thầu cho biết, đảm nhận thi công 7,4 km đường (Km 289+500 - Km 296+940), hiện, khối lượng cấp phối đá dăm Cường Thịnh Thi thực hiện đã được khoảng 70%, thảm bê tông nhựa được 2,2 km. Công tác đào đắp cơ bản hoàn thành, chỉ còn 700 - 800m đường đang triển khai đắp đất K98.

“Dự kiến đến hết tháng 6/2022, nhà thầu sẽ thi công xong lớp cấp phối đá dăm gia cố xi măng, hoàn thành lớp nhựa C19 vào cuối tháng 7/2022, cơ bản hoàn thành công trình vào tháng 9/2022, rút ngắn tiến độ 3 tháng so với kế hoạch”, ông Bắc nói.

Theo báo cáo của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải và các Ban QLDA, từ thời điểm ký hợp đồng (Quý IV/2020 - Quý I/2022), các loại vật liệu, nhiên liệu có biến động giá lớn.

Điển hình, đất đắp nền đường tăng khoảng 30 - 40%; cát tăng khoảng 25%; đá tăng khoảng 25 - 30%; nhựa đường tăng khoảng 15 - 20%; xi măng tăng khoảng 20 - 25%; thép tăng khoảng 30 - 40%, một số thời điểm tăng trên 80%; dầu Diezel tăng khoảng 30 - 50%, một số thời điểm tăng 80 - 90%.

Với tình hình biến động trên, giá thành xây dựng của gói thầu xây lắp dự kiến tăng khoảng 12 - 18% (sử dụng mức giá nhiên, vật liệu tại Quý II/2022 cho khối lượng thi công còn lại). Trong khi đó, giá trị bù giá theo chỉ số giá do địa phương công bố được khoảng từ 8 - 12%.

Mục tiêu là vậy, song, vị chỉ huy công trường không tránh khỏi tâm tư khi văn bản trả lời của Bộ Xây dựng gửi đến Bộ GTVT cách đây 4 ngày, cơ chế bù giá vật liệu cho nhà thầu trong thời gian biến động vừa qua vẫn chưa “ngã ngũ”.

“Căng nhất ở giai đoạn hoàn thiện là đá cấp phối và bê tông nhựa. Nếu thời điểm bỏ thầu, giá của mỗi m3 đá base là 101.000 đồng đến nay đã tăng lên 150.000 đồng.

Tương tự, giá bê tông nhựa tăng từ 229.000 đồng/m2 lên 358.000 đồng ở thời điểm hiện tại. Giá nhiên liệu hiện cũng tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm trúng thầu”, ông Bắc nói và cho biết, ước tính, đơn giá gói thầu của Cường Thịnh Thi hiện đã chênh lệch so với thời điểm bỏ thầu khoảng 35%. Trong khi, chỉ số trượt giá địa phương công bố chỉ được 4 - 5%.

“Nếu không có giải pháp tháo gỡ về biến động giá, nhà thầu khó đạt được mốc như Chính phủ đưa ra”, ông Bắc nói.

Là một trong những doanh nghiệp tham gia nhiều gói thầu nhất tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Tập đoàn Cienco4 cũng như ngồi trên lửa khi nhiên, vật liệu thi công tại các dự án thành phần: Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn tăng phi mã, nhà thầu càng làm càng lỗ.

“Đơn cử, so với thời điểm trúng thầu, vật liệu thép đã tăng khoảng 40%, đá cấp phối tăng hơn 30%; Dầu phục vụ máy móc thi công cũng tăng gấp 2 - 3 lần”, đại diện Cienco4 thông tin.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Cienco4, tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, nhà thầu đã từng tương đối yên tâm khi hồ sơ mời thầu có đề cập đến vấn đề điều chỉnh giá.

Thế nhưng, qua một thời gian dài biến động giá vật liệu, đến nay, nhà thầu vẫn chưa nhận được mức điều chỉnh như kỳ vọng từ phía cơ quan chức năng.

“Tại các gói thầu cao tốc Bắc - Nam, vướng mắc hiện tại không nằm ở phương pháp tính giá mà do chỉ số giá vật liệu do các cơ quan chức năng địa phương công bố không phù hợp, không đủ bù đắp chênh lệch giá cả.

Bộ GTVT là chủ đầu tư, hiểu rõ “chân tơ kẽ tóc” khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Những kiến nghị của Bộ GTVT là kiến nghị sát sườn thực tế, đòi hỏi các Bộ, ngành phải xem xét thấu đáo, giải quyết quyền lợi, bù giá đột biến cho nhà thầu theo điều khoản bất khả kháng ở hợp đồng đã ký kết”, lãnh đạo Cienco4 chia sẻ.

Vị này cũng thẳng thắn nhìn nhận, chiến tranh hay dịch bệnh là những trường hợp bất khả kháng, không ai có thể dự đoán nên không thể khẳng định, việc điều chỉnh giá hợp đồng là chưa có cơ sở do chủ đầu tư chưa đánh giá kỹ lưỡng rủi ro biến động giá đối với một số vật liệu như nội dung được nêu trong văn bản mới đây của Bộ Xây dựng.

img

Nhiều nhà thầu cao tốc Bắc - Nam đang gặp khó khăn về tài chính do giá vật liệu tăng cao, trong khi cơ chế bù giá chưa được thực hiện đúng kỳ vọng. (Ảnh minh họa)

Cần sớm kích hoạt điều khoản bất khả kháng

Theo một cán bộ ban điều hành dự án thành phần Mai Sơn - QL45, các gói thầu thi công xây dựng công trình giao thông chủ yếu áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh (theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh; sử dụng chỉ số giá do địa phương công bố). Chỉ số giá địa phương thẩm quyền do liên Sở Xây dựng và Sở Tài chính tính toán và Sở Xây dựng được giao là đầu mối công bố.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các nhà thầu, chỉ số giá các địa phương công bố thời gian qua chưa phản ánh đúng giá vật liệu mà các nhà thầu đang phải chi trả bù lỗ.

“Cũng phải thừa nhận, quá trình triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 phát sinh hai tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư là đại dịch Covid-19 tác động nền kinh tế toàn cầu và xung đột chính trị giữa một số quốc gia làm biến động giá nhiên liệu trên thế giới.

Đây là tình huống nằm ngoài sự lường trước của không chỉ riêng ngành Giao thông mà hầu hết các ngành”, vị này nói và cho rằng, để xử lý các vấn đề phát sinh đột biến, hợp đồng giữa chủ đầu tư và các nhà thầu đã có điều khoản bất khả kháng. Điều khoản này cần phải được kích hoạt để đảm bảo quyền lợi cho nhà thầu theo đúng hợp đồng.

Cơ quan có thẩm quyền cần phải có động thái rõ ràng, có thể báo cáo Chính phủ, thậm chí lên cấp cao nhất là Quốc hội để giải quyết.

Khi điều khoản hợp đồng không được tuân thủ, thời gian giải quyết kéo dài hoặc mang tính gây khó dễ, phiến diện, tâm lý nhà thầu sẽ bị tác động mạnh mẽ. Nhà thầu sẽ nảy sinh tâm lý cơ quan Nhà nước đang đứng ngoài cuộc, bàng quan với các dự án trọng điểm quốc gia.

“Bản chất nhà thầu làm để duy trì và phát triển, không phải càng làm càng lỗ. Những nhà thầu đang tham gia giai đoạn 1 đều là những nhà thầu có tiếng ở Việt Nam.

Nếu họ yếu kém và lo lắng với cách thức làm việc của Nhà nước, không chỉ tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 khó được như mong muốn mà việc thực hiện dự án cao tốc giai đoạn 2 khó tránh khỏi tác động”, vị cán bộ này trăn trở.

Liên quan vấn đề biến động giá nhiên, vật liệu đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, ngày 20/6/2022, Bộ Xây dựng đã có công văn số 2230/BXD-KTXD gửi Bộ GTVT.

Tại văn bản này, Bộ Xây dựng cho rằng việc điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng đã được quy định cụ thể tại Luật Xây dựng và các Nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan.

Đối với kiến nghị của Bộ GTVT về việc thay đổi phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng từ sử dụng chỉ số giá sang bù trừ trực tiếp, cũng như thay đổi công thức điều chỉnh giá hợp đồng để phù hợp với tỷ trọng vật liệu chủ yếu của công trình, theo Bộ Xây dựng là chưa đủ cơ sở.

Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, thực tế nếu có vướng mắc này, do xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có chủ quan của chủ đầu tư chưa đánh giá kỹ lưỡng rủi ro về biến động giá đối với một số loại vật liệu chủ yếu dẫn đến việc quyết định áp dụng phương pháp và công thức điều chỉnh giá hợp đồng không phù hợp trong quá trình lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT - Bộ GTVT) khẳng định, thời gian qua, Bộ GTVT đã báo cáo rất rõ về tình hình biến động giá vật liệu. Trong đó, nêu rõ một số loại vật liệu chiếm tỷ trọng lớn trong thi công xây dựng tại một số dự án thành phần có mức giá tăng “nóng”.

“Khi thực hiện đấu thầu, phần dự toán cũng đã có sự tính toán các vấn đề: dự phòng, biến động giá khảo sát trong 3 năm gần nhất.

Thế nhưng, trong quá trình thực hiện dự án xây dựng, khó có thể dự đoán được tình hình căng thẳng chính trị, chiến tranh giữa các quốc gia ảnh hưởng đến nguồn cung ứng nhiên, vật liệu cũng như không ai tiên tri được việc đại dịch ồ ạt tới và kéo dài.

Đó là lý do trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu phải có phần thương thảo trường hợp bất khả kháng. Do đó, các cấp có thẩm quyền cần xem xét, có chính sách chia sẻ rủi ro kịp thời”, vị này nói.

Thông tin thêm, đại diện Cục QLXD&CLCTGT cho biết, trên cơ sở văn bản trả lời của Bộ Xây dựng mới đây, với chức năng là đơn vị quản lý chuyên ngành, Cục QLXD&CTGT sẽ tiếp tục yêu cầu các Ban QLDA báo cáo tình hình cụ thể của từng dự án.

“Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cần ban hành hướng dẫn chung để tạo “đường bao”, khung chuẩn cho việc rà soát báo cáo đúng theo yêu cầu, tránh phát sinh thời gian quá dài, ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách, cơ chế được ban hành”, đại diện Cục QLXD chia sẻ.

"Dù không phải là điều khoản quy định trong hợp đồng, song, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các nhà thầu đã dồn lực rút ngắn thời gian thi công các gói thầu dự án cao tốc Bắc - Nam từ 3 - 4 tháng.

Rút ngắn thời gian thực hiện, đồng nghĩa, doanh nghiệp phải tự chi trả tiền lương tăng ca, chi phí huy động thiết bị để đạt được mục tiêu đề ra. Khoản chi phí này là không nhỏ.

Nếu sự chênh lệch về vật liệu không được bù đắp xứng đáng, cơ quan chức năng chối bỏ trách nhiệm, nhà thầu rơi vào cảnh càng làm càng lỗ, không có nguồn lực tái đầu tư, khả năng duy trì sẽ ngày càng ọp ẹp và chết dần. Đâu sẽ là môi trường để các doanh nghiệp phát triển?”, lãnh đạo Cienco4 đặt câu hỏi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.