Hạ tầng

Nhà thầu lỗ nặng, chủ mỏ kiếm trăm tỷ từ tăng giá vật liệu làm cao tốc

12/03/2021, 06:02

Nhiều mỏ dù nằm trong quy hoạch nhưng đến nay vẫn bị “treo” do chưa được cấp phép, trong khi các mỏ đang khai thác trữ lượng ít, công suất nhỏ.

img

Nếu cơ quan chức năng không vào cuộc tháo gỡ, các nhà thầu làm cao tốc Bắc - Nam sẽ thua lỗ nặng vì phải mua đất với mức giá các chủ mỏ đang khai thác (Trong ảnh: Thi công đắp nền đường cao tốc Mai Sơn - QL45)

Nguồn vật liệu đất đắp tại các địa phương phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam không thiếu. Tuy nhiên nhiều mỏ dù đã nằm trong quy hoạch nhưng đến nay vẫn bị “treo” do chưa được cấp phép. Trong khi đó các mỏ đang khai thác có trữ lượng ít và công suất quá nhỏ, khiến nguồn cung thiếu trầm trọng, các chủ mỏ thi nhau đẩy giá để “cắt cổ” nhà thầu.

Hàng loạt mỏ “để dành” chờ cấp phép

Theo quy hoạch của tỉnh Bình Thuận, trong khu vực dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua có 21 mỏ đất đá. Trong đó, mới có 3 mỏ đất đắp đang khai thác, 13 mỏ khai thác đất tầng phủ của mỏ đá đã cấp phép khai thác nhưng trữ lượng chỉ đạt 1,2 triệu m3. Còn lại, 9 mỏ đang làm thủ tục cấp phép (dự báo trữ lượng khoảng 5,2 triệu m3).

Tại buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, bày tỏ lo ngại về việc thiếu vật liệu sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc QLDA Thăng Long đã kiến nghị lãnh đạo hai tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai sớm tháo gỡ các vướng mắc về nguồn cung vật liệu để sớm hoàn thành đưa vào khai thác tuyến cao tốc huyết mạch này.

Một lãnh đạo Ban QLDA7 cũng cho biết, chỉ tính riêng dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, nhu cầu nguồn vật liệu thi công cần khoảng 2,54 triệu m3 đá, cát xây dựng khoảng 580.000m3; đất đắp nền khoảng 9,2 triệu m3.

Khối lượng đất đắp rất lớn, nhưng năng lực cung cấp của các mỏ đủ pháp lý cho dự án chỉ khoảng 2,4 triệu m3, dự kiến tận dụng đá xay để đắp nền khoảng 1,2 triệu m3, còn lại thiếu khoảng 5,6 triệu m3. Nếu tính luôn trữ lượng của các mỏ đang làm thủ tục cấp phép (khoảng 4,17 triệu m3, nhanh nhất phải trong quý III/2021 hoàn thành thủ tục) thì vẫn còn thiếu 1,43 triệu m3.

Trước tình trạng trên, Ban QLDA7 đã có văn bản đề nghị Sở TN&MT tham mưu để UBND tỉnh Bình Thuận đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác với các vị trí mỏ đã được quy hoạch bổ sung, các mỏ đã đấu giá cấp quyền khai thác; kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận sớm báo cáo HĐND tỉnh xem xét thông qua việc cập nhật, bổ sung thêm 4 mỏ đất vào quy hoạch để phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam.

Trong khi hàng chục mỏ đất nằm trong quy hoạch vẫn loay hoay chờ cấp phép thì giá đất đắp tại các mỏ đang khai thác tại Bình Thuận lại liên tục tăng đột biến.

Theo một bảng báo giá sản phẩm hàng hóa - vật liệu xây dựng được công bố vào tháng 5/2020 của Công ty CP Vật liệu Xây dựng và Khoáng sản Bình Thuận (doanh nghiệp đang sở hữu nhiều mỏ đá, vật liệu trên địa bàn tỉnh bình Thuận như: Tà Zôn, huyện Hàm Thuận Bắc; Núi Tào, huyện Tuy Phong…), giá đất tầng phủ theo đơn giá bán lẻ được công bố tại mỏ là 90.000 đồng/m3 (đã có VAT).

Theo khảo sát của PV, giá vật liệu thực tế khác xa và đội lên nhiều so với giá công bố trước đó. Cụ thể theo phiếu báo giá ngày 20/1/2021 của Công ty TNHH TM&SX Quản Trung, giá đất đắp lên tới 170.000 đồng/m3 (đã có VAT).

Một nhà thầu cho biết, trước tháng 6/2020, các mỏ đều tính giá khoảng 90.000 đồng/m3 đất tầng phủ (đủ điều kiện đắp nền đường) nay giá đã đội lên từ 150.000 - 180.000 đồng/m3. Ngay cả mỏ Cà Tăng (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) dù chưa chính thức được cấp phép nhưng chủ mỏ đã rục rịch báo giá 140.000 đồng/m3 đất đắp tại mỏ.

Gấp rút bổ sung thêm mỏ vật liệu vào quy hoạch

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, từ khi có dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn, tỉnh đã xác định đây là công trình đặc biệt có ý nghĩa đối với việc phát triển kinh tế địa phương.

“Riêng cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, năm nay tỉnh đã đấu giá 59 mỏ, trong đó có 4 mỏ đá và các mỏ vật liệu khác”, ông Phong nói và cho biết, tỉnh đã giao Sở TN&MT, Sở Xây dựng làm việc với các đơn vị liên quan để xem xét xử lý.

Những mỏ đã có trong quy hoạch sẽ ưu tiên cung cấp phục vụ thi công. Còn lại, các mỏ chưa được cấp phép cần có cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian cấp phép.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cũng cho hay: “Quy trình, thời gian cấp phép một mỏ vật liệu có nhiều bước khác nhau, dẫn đến phải mất thời gian. Trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia như các dự án cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành và nhiều dự án giao thông quy mô lớn khác.

Do vậy nguồn vật liệu cần cung cấp ra thị trường đòi hỏi rất lớn. Sở đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết cụ thể rút ngắn thời gian cấp phép nhất có thể”.

Liên quan đến các mỏ vật liệu phục vụ cao tốc Bắc - Nam qua Thanh Hóa, ông Nguyễn Trường Tam, Trưởng phòng quản lý vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng Thanh Hóa) cho biết, từ tháng 1/2021, Sở đã lập xong quy hoạch của 107 mỏ đất san lấp (tương đương 98 triệu m3); 99 mỏ cát quy hoạch, trong đó được cấp phép là 44 mỏ.

“Việc sản xuất vật liệu không thuộc thẩm quyền quả lý giá của Nhà nước. Bán hay không do doanh nghiệp quyết định, nhà nước không can thiệp được. Thực tế ở Thạch Thành có 19 mỏ vật liệu nhưng không có ai mua.

Bài toán bây giờ để tính giá phù hợp là phải cấp thêm mỏ, Nhà nước hỗ trợ không thông qua đấu giá và cần có sự cạnh tranh lành mạnh. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm và bàn giao cho các bên. Hiện chỉ chờ Sở TN&MT và UBND tỉnh quyết định để cấp phép cho các mỏ”, ông Tam nói.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Hoành, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa) cho biết, theo báo cáo của Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA2 (Bộ GTVT), khối lượng đá xây dựng các loại là hơn 2 triệu m3 phục vụ cho việc thực hiện xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 và QL45 - Nghi Sơn. Hầu hết các mỏ đá đều được cấp phép từ 10 - 30 năm, công suất đạt hơn 4,5 triệu m3/năm.

“Tuy nhiên, nhiều mỏ vẫn đang khai thác phục vụ các dự án, công trình trên địa bàn, do đó phải bổ sung thêm các mỏ mới trong quy hoạch để cấp phép.

Đối với đất phục vụ đắp nền hai dự án cần hơn 11,7 triệu m3, cát cần trên 2 triệu m3, so với công suất khai thác thì đất còn thiếu khoảng hơn 7,7 triệu m3 và cát còn thiếu 600.560m3 để phục vụ việc xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam.

Vừa qua, tỉnh đã giao Sở TN&MT tham mưu đề xuất đưa 26 mỏ đất, đá, cát theo đề nghị của các chủ đầu tư vào khu vực không đấu giá để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ cấp phép, đáp ứng nhu cầu và tiến độ của dự án”, ông Hoành cho biết.

Nhà thầu phải bù lỗ hàng trăm tỷ

Do hàng loạt mỏ chậm được cấp phép đã tạo nên sự khan hiếm vật liệu. Nắm bắt được tình hình này, các chủ mỏ đều đẩy giá vật liệu lên rất cao. Điều này khiến các nhà thầu đứng trước nguy cơ phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Đại diện một nhà thầu thi công tại dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, gói thầu đơn vị đang thi công cần khoảng 1,5 triệu m3 đất đắp, giá các chủ mỏ đang rao bán khoảng 90.000 đồng/m3.

Trong khi đó, theo tính toán giá đất đắp trong hồ sơ mời thầu khoảng 50.000 đồng/m3. Trường hợp phải mua đất đắp từ các chủ mỏ để thi công, ước tính nhà thầu sẽ phải bù lỗ khoảng 40 - 60 tỷ đồng cho hạng mục đất đắp cho gói thầu này.

Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA7 cho biết, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần khoảng 9 triệu m3 đất đắp. Theo tính toán sơ bộ, các mỏ đất được cấp phép đang khai thác trong khu vực dự án đi qua chỉ hơn 1,5 triệu m3.

Dự kiến, từ nay đến tháng 10/2021, các gói thầu của dự án sẽ phải thi công xong nền đường, tính ra nhu cầu mỗi tháng bình quân cần khoảng 900.000m3. Giá đất đắp trong dự toán của dự án khoảng 90.000 đồng/m3.

Tuy nhiên hiện nay, các chủ mỏ đang rao bán đất cho các nhà thầu với mức giá khoảng 120.000 - 140.000 đồng/m3, chênh từ 30.000 - 50.000 đồng/m3 so với giá trong dự toán.

“Việc mua bán vật liệu thi công là quan hệ giữa các nhà thầu với chủ mỏ đất, mỏ đá, không ảnh hưởng gì đến tổng mức đầu tư của dự án được duyệt, bởi khi nhà thầu đã bỏ giá thầu thì phải làm đúng theo quy định. Tuy nhiên, việc khan hiếm vật liệu, giá đất bị đẩy lên cao, nhà thầu bị thiệt hại sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của công trình”, ông Khoát chia sẻ.

Với giá bán chênh lệch trên, theo tính toán của PV, trường hợp cơ quan chức năng không vào cuộc tháo gỡ, các nhà thầu làm cao tốc Bắc - Nam sẽ thua lỗ nặng nếu phải mua đất với mức giá các chủ mỏ đang khai thác.

Đơn cử, với mức chênh lệch 30.000 - 50.000 đồng/m3 so với dự toán ở dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, các nhà thầu sẽ thua lỗ khoảng 270 - 450 tỷ đồng (nhu cầu 9 triệu m3).

Tương tự, tại dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, các nhà thầu thua lỗ khoảng 210 - 350 tỷ đồng (nhu cầu khoảng 7 triệu m3).

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế:
“Rút ngắn thủ tục khi cấp phép khai thác khoáng sản”

Tính đến tháng 3/2021, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 22 mỏ đá làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường, 17 mỏ đất làm vật liệu san lấp, 2 mỏ đất sét làm gạch ngói (không có mỏ cát sỏi lòng sông hoặc cát nội đồng).

Đối với đất làm vật liệu san lấp, công suất khai thác hơn 2 triệu m3/năm và khoảng 200.000m3 đất làm vật liệu san lấp được khai thác từ tầng phủ của mỏ đá, đất phát sinh dư thừa từ các công trình. Nhu cầu những năm tiếp theo đến năm 2030 khoảng 10 triệu m3/năm.

Qua cân đối cung cầu thì hiện nay nhu cầu sử dụng VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh là rất lớn nhưng nguồn cung cấp còn hạn chế, chưa đáp ứng được đầy đủ.

Do vậy, trong thời gian tới, Thừa Thiên - Huế sẽ nâng công suất các mỏ đất đang khai thác. Đẩy nhanh việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất san lấp, công tác lựa chọn đơn vị thăm dò, khai thác các mỏ đất không đấu giá phục vụ dự án từ vốn ngân sách nhà nước; rút ngắn thời gian thủ tục hành chính đối với việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Đẩy nhanh cấp phép khai thác tại các khu vực đã được tỉnh cấp giấy phép thăm dò...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.