Thế giới giao thông

Nhà thầu Trung Quốc “báo hại” đường sá Campuchia

10/03/2016, 08:15

Nguồn vốn vay mang đến những hiệu quả và cả hậu quả, đặc biệt trong những dự án có vốn vay từ Trung Quốc.

Quốc lộ 1 Campuchia
QL1 Campuchia

Campuchia tiến hành nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay và viện trợ từ nước ngoài. Nguồn vốn đó mang đến những hiệu quả và cả hậu quả, đặc biệt trong những dự án có vốn vay từ Trung Quốc.

Một loạt quốc lộ kém chất lượng

Bun Thoeun - một tài xế taxi 39 tuổi thường xuyên chở khách dọc QL6 từ Phnom Penh tới Siem Reap trong 10 năm qua cho biết, mặc dù đường sá được nâng cấp nhưng người điều khiển phương tiện vẫn phải đối mặt hàng ngày với bụi bặm dày đặc, ổ gà và mặt đường gồ ghề do bị hỏng. Trong khi, con đường này mới chỉ vừa được làm xong cách đây một vài năm. Anh Bun nói: “Tôi chỉ biết nhà thầu thi công con đường này là một công ty đến từ Trung Quốc. Giá mà chất lượng đường được làm tốt hơn thì xe của tôi có thể sử dụng bền hơn, lái xe cũng êm ái hơn”.

Làm đường giao thông bằng cách rải một lớp đá dăm mỏng sau đó trải nhựa đường lên trên là phương pháp thi công phổ biến nhất hiện nay được các công ty Trung Quốc thực hiện tại Campuchia. QL5 và 6 nối Phnom Penh với cầu Prek Kdam tại Ponhea Leu thuộc tỉnh Kandal hiện cũng đang được thi công bằng phương pháp này.  

Mab Ki - một kĩ sư cầu đường thuộc Công ty OCIC tại Phnom Penh cho biết, giá trị và tính hiệu quả của một con đường phụ thuộc vào vật liệu xây dựng, thiết kế và tuổi thọ của con đường đó. Bên cạnh đó, nó cũng phụ thuộc vào mức độ đầu tư tài chính của dự án. Ông nói: “Trước khi làm một con đường, các kĩ sư phải khoan sâu vào lòng đất, để kiểm tra chất lượng nền đất sau đó mới quyết định sử dụng phương pháp xây dựng nào là phù hợp nhất và chi phí xây dựng sẽ là bao nhiêu”. Khi được hỏi về chất lượng đường giao thông đang được thi công bởi các công ty Trung Quốc, ông Ki từ chối nhận xét.

Năng lực nhà thầu kém hay tham nhũng?

Tổng giám đốc Hok Chin của OCIC, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý dự án đảo Kim Cương là người đã tốt nghiệp ngành kỹ thuật tại Nhật Bản cho rằng, việc xây dựng một con đường tại một địa điểm cụ thể phụ thuộc rất nhiều vào độ rắn chắc của nền đất và độ dày cũng như bền chắc của lớp mặt đường được rải.

Ông giải thích thêm: “Một mét vuông đường bằng bê tông tốn từ 40 - 50 USD và tuổi thọ ước tính là 30 - 40 năm. Trong khi đó, đường asphalt có giá thành thấp hơn nếu kết cấu nền đất chắc. Với điều kiện thời tiết của Campuchia, chúng tôi không muốn làm đường asphalt vì có mưa nhiều. Đường bê tông là loại đường phù hợp nhất với một quốc gia nhiều mưa thế này”.

Một quan chức cao cấp khác thuộc Bộ Giao thông và Công chính Campuchia giấu tên nói: “Những con đường do các công ty Trung Quốc xây dựng dựa trên 2 tiêu chuẩn khác. Thứ nhất là chú ý đến tuổi thọ con đường, họ thường làm đường có tuổi thọ 10 năm với 1 năm bảo hành sau khi con đường được hoàn tất trong khi các công ty xây dựng khác lại cung cấp dịch vụ bảo trì 10 năm một lần”.

Đối với QL8, quan chức này thừa nhận: “Chất lượng mặt đường yếu như chúng ta đã thấy đó là vì họ không hiểu điều kiện thời tiết tại Campuchia”. Theo quan chức này, chi phí sửa chữa QL8 trị giá 71 triệu USD được một ngân hàng thuộc sở hữu của chính quyền Trung Quốc cho vay.

Dự án xây dựng QL8 bắt đầu vào năm 2008 và kết thúc năm 2012 do Tổng công ty Xây dựng Thượng Hải thực hiện. Công ty này trước đó cũng đã tham gia vào một loạt dự án cơ sở hạ tầng tại Campuchia. Quan chức giấu tên nói: “Những con đường do các công ty Trung Quốc nhận thầu đều do họ quản lý và điều hành trực tiếp. Cơ quan Bộ chỉ chịu trách nhiệm giám sát kỹ thuật và tư vấn. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang nỗ lực nâng cao hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước”.  

Sự thiếu hụt hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể trong xây dựng giao thông không phải là lí do duy nhất khiến chất lượng đường giao thông tại Campuchia kém. Năm 2015, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã có bài viết chỉ trích những khoản viện trợ tài chính và cho vay ưu đãi bị xà xẻo và sử dụng sai mục đích tại Campuchia.

Chandararoth Kang - một chuyên gia kinh tế và tư vấn độc lập nói: “Thực ra, bất kể việc để Campuchia hay Trung Quốc xây dựng đường giao thông thì những vấn đề về tài chính vẫn sẽ tiếp tục nảy sinh. Chỉ cần họ cùng nhau đấu thầu, họ vẫn có thể thảo luận với nhau quanh những chi phí không chính thức. Chất lượng của xi măng, cát và đá sử dụng trong xây dựng cũng là một vấn đề.

Những chiến lược mang tính chính trị nhằm đảm bảo cho khoản vay là tốt; Nhưng triển khai thực hiện thế nào lại là vấn đề hoàn toàn khác vì sẽ có rất nhiều khoản chi chính thức và không chính thức cho các cơ quan quản lý từ trên xuống dưới. Vì thế, điều quan trọng nhất giờ đây là Chính phủ Campuchia phải minh bạch hơn và bố trí nhiều nhân sự hơn tham gia trong quá trình xây dựng dự án”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.