Hạ tầng

Nhà thiết kế không thể áp dụng quy trình cứng nhắc

23/05/2014, 16:09

Sau khi Báo Giao thông đăng bài "Thiết kế dự án sai phải bỏ tiền đền" (số 82, ngày 22/5), BBT nhận được bài viết của Kỹ sư Lê Văn Chiến, Hội Cầu đường (Ban QLDA 2).

Cầu Gián Khẩu mới trên QL1, chiều dài gấp 3 lần cầu cũ, cao độ mặt cầu chênh hơn 4m so với cầu cũ
Cầu Gián Khẩu mới trên QL1, chiều dài gấp 3 lần cầu cũ, cao độ mặt cầu chênh hơn 4m so với cầu cũ


Theo Kỹ sư Lê Văn Chiến, trong kết luận cuộc họp ngày 21/5,  Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ rõ: “Lãng phí lớn nhất hiện nay của công tác đầu tư xây dựng chính là khâu thiết kế”. Điều này đã bắt đúng căn bệnh trầm kha của ngành GTVT trong công tác xây dựng cầu đường những năm gần đây.


Tình trạng không ít đơn vị tư vấn ngại, không muốn áp dụng các biện pháp tăng cường, sử dụng lại cầu cũ hoặc chí ít là phân kỳ đầu tư, chỉ thích đập đi xây mới diễn ra khá phổ biến. Lý do khi sửa chữa nâng cấp cầu cũ, người thiết kế phải điều tra, khảo sát, tính toán lại rất tỉ mỉ, chi tiết nên mất nhiều công sức và tốn thời gian. Mà tiền thiết kế phí thu được ít, trách nhiệm lại cao. Nhất là khâu trình duyệt, bảo vệ phương án với các cơ quan cấp trên. Thế là cứ đề nghị phá quách đi là xong. Chi phí công thiết kế vừa ít, thiết kế phí lại thu được nhiều. Những người thiết kế cũng an tâm ăn no ngủ kỹ với sản phẩm mới làm ra, không lo bị các cơ quan thẩm tra, yêu cầu tính toán, bắt bẻ.


Chẳng hạn như cầu Chả một nhịp - nằm ngay tại trung tâm thành phố Tuyên Quang, mới được xây dựng năm 1986 với tải trọng thiết kế H30-XB80. Mố bằng đá xây, 4 dầm BTCT thường chữ T khẩu độ 20m còn rất tốt cũng bị phá bay đi để xây dựng 1 cầu  mới tại ngay vị trí đó, có khẩu độ y hệt. Chỉ khác là chiều rộng gấp đôi. Đơn vị  thiết kế thay vì phải thiết kế 2 cây cầu kẹp hai bên cầu cũ, nay chỉ phải thiết kế 1 cầu. 


Hay trong dự án nâng cấp QL31 đoạn Hữu Sản – Bản Chắt, trong thiết kế kỹ thuật trình duyệt, 24 chiếc cầu và 500 chiếc cống tròn cũ đã bị Tư vấn đề nghị phá bỏ chỉ với một lý do “các cầu cũ không đáp ứng được tải trọng thiết kế đã được phê duyệt là HL93” và “khổ cầu cũ nhỏ hơn khổ đường mới 1m”. Còn tải trọng và khổ cầu như thế nào là hợp lý theo quy trình và quy phạm thiết kế hiện hành, thời gian và lợi ích của việc kéo dài tuổi thọ công trình là bao nhiêu khi phân kỳ đầu tư, nhà tư vấn đã vô tình hoặc cố tình bỏ qua. Mặc dù, những chiếc cầu này đều là cầu nhỏ và cầu trung, mới được xây dựng năm 1971 với tải trọng thiết kế đoàn xe H13, xe xích 60T. 


Sau đó, các kỹ sư của Hội KHKT Cầu đường Việt Nam và Hội KHKT Cầu đường Ban QLDA 2 đã có thư gửi hoặc trực tiếp gọi điện cho Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị giữ lại các cầu cũ. Sau khi xem xét và cân nhắc, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư, tư vấn kiểm tra kỹ để tận dụng tối đa các cầu cũ, thực hiện kiểm định từng cầu. Cầu nào không thể gia cố, nâng cấp mới dỡ bỏ và giao yêu cầu Vụ KHCN rà soát các dự án, đảm bảo các cầu có tải trọng thiết kế cận H30 thiết kế tận dụng lại. Sau đó, thiết kế kỹ thuật đã được điều chỉnh, 17/24 chiếc cầu cũ đã được giữ lại.


Kỹ sư Lê Văn Chiến

Hội Cầu đường Ban QLDA 2
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.