Văn hóa - Giải Trí

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường rời cõi tạm

25/02/2023, 02:35

Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà thơ, dịch giả Dương Tường đã rời cõi tạm vào hồi 20h08 ngày 24/2, hưởng thọ 92 tuổi.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932, từng làm phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam, biên dịch viên tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ ở Việt Nam và về hưu từ năm 1979.

Dương Tường về Hà Nội học tiếp bậc Trung học sau khi học tiểu học ở Nam Định cho tới khi Cách mạng tháng Tám nổ ra. Ông bỏ trường, đi làm liên lạc cho Việt Minh tại Vĩnh Yên, ông gia nhập bộ đội năm 1949.

img

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường.

Năm 1955, ông giải ngũ về Hà Nội sinh sống. Từ năm 1955 đến giữa thập niên 1960, Dương Tường là phóng viên tổ Văn xã của Thông tấn xã Việt Nam. Từ năm 1967, ông làm biên dịch tại Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam cho đến khi về hưu năm 1979.

Trong giới văn nghệ, Dương Tường ghi tên mình như một nghệ sĩ lớn với một hồn thơ đắm đuối, nhạy cảm, nhiều sáng tạo trong nghệ thuật thi ca.

Thơ ông, cùng với những người bạn của mình như Lê Đạt, Đặng Đình Hưng... từ rất sớm đã có rất nhiều những thể nghiệm mới mẻ.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều không kìm nén nổi cảm xúc trước sự ra đi của nhà thơ Dương Tường, ông viết: Vào tối ngày 24/2/2023, nhà thơ, dịch giả Dương Tường đã rời bỏ thế gian.

Ông là một người thực sự dấn thân cả đời cho văn học trong cả sáng tác thơ ca và dịch thuật. Cho đến tận những năm cuối đời, dù sức khỏe ông đã quá hao mòn nhưng cảm hứng sáng tạo của ông lúc nào cũng như tràn đầy.

Ông là một ví dụ cho sự dấn thân trên con đường đi tìm cái mới.

Xin cúi đầu tiễn biệt ông!

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường đã tạm biệt thế gian đúng ngày 24 như 24 phím cầm chiều ông viết. Ngày xưa ông bảo "để ghi trên mộ chí sau này": Tôi đứng về phe nước mắt.

img

Bài thơ Tình khúc 24 của nhà thơ Dương Tường được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Báo Giao thông xin đăng lại bài thơ Tình khúc 24 và Serenade 3 của ông như một lời chia tay. Hai bài thơ đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc.

24 phím cầm chiều

24 nhành sương mím

24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư

Gửi lại em

cầu thang 24 bậc

tờ thư 24 gác mưa

làn menuet 24 âm xưa

Gửi lại em

mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm

ga khuya 24 lần đưa đón

bài huê tình 24 lối sân sau

Gửi lại em

doi sông 24 nhịp cầu

tình khúc bãi ngô 24

sương dâng 24 nẻo đi về

Nhâm nhâm 24 hàng đèn

mênh mênh 24 ngã tư mắt

Gửi lại em

chiêm bao 24 chợt hiện tan

cung đàn 24 lần đứt nối

vũng im đêm 24 mạy sao chìm

Gửi lại em 24 phố dài thơm

24 xêrênađ

24 vibratô

24 khung trời tím

24 lối công viên

24 vầng trăng goá

Gửi lại em gửi lại em tất cả

kể cả con âm đầu trót thụ mầm thơ

Riêng đêm em xoà bóng nốt ruồi 24 quầng

anh giữ

1967

Serenade 3 đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát Dương cầm lạnh.

Chờ em đường dương cầm xanh

dạy thì nõn dương cầm phố

Chờ em đường dương cầm sương

chúm chím nụ dương cầm biếc

Chờ em đường dương cầm xiêm

vằng vặc ngực dương cầm trinh

Chờ em đường dương cầm khuya

ôi cái im đêm thơm mọng

Chờ em đường dương cầm trăng

ứa nhuỵ lạch dương cầm xuân

Chờ em đường dương cầm mưa

giọt giọt lá buồn dạ khúc

xào xạc lòng tay khuya

anh về lối dương cầm lạnh

1973

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.