Quản lý

Nhà trường "bắt tay" doanh nghiệp nâng chất lượng đào tạo

15/05/2014, 12:27

Chỉ đào tạo "cái mình có", chưa chú trọng đến "cái thị trường cần" là bất cập lớn cần được khắc phục tại nhiều trường đại học, cao đẳng trong đó có các trường trong ngành GTVT hiện nay.

Đại học Hàng hải Việt Nam là một trong số ít trường trong ngành GTVT có sự hợp tác với doanh nghiệp và nhà tuyển dụng
Đại học Hàng hải Việt Nam là một trong số ít trường trong ngành GTVT có sự hợp tác với doanh nghiệp và nhà tuyển dụng


Cầu một đằng, cung một nẻo


Thực tế, thời gian qua, sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo, dạy nghề và doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, chưa có sự phối hợp liên tục cũng như chưa có sự ràng buộc chặt chẽ bảo đảm tính bền vững hiệu quả. Việc đào tạo theo địa chỉ cho các doanh nghiệp còn rất hạn chế... 


Bên cạnh đó, công tác đào tạo, dạy nghề, đặc biệt là công tác tuyển sinh của các trường chưa bám sát kế hoạch nhân lực của các doanh nghiệp. Mặc dù các trường thực hiện thăm dò ý kiến hàng năm về nhu cầu tuyển dụng sinh viên, cũng như khả năng có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp để dự đoán nhu cầu về ngành nghề đào tạo, tuy nhiên, việc làm này chưa chuyên nghiệp và không đủ nguồn lực để thực hiện một cách toàn diện và đầy đủ.


Ngoài ra, nguồn lực tài chính thu được từ công tác đào tạo theo địa chỉ các doanh nghiệp còn rất khiêm tốn (trừ các trường thuộc doanh nghiệp). Bên cạnh việc thanh toán theo các hợp đồng đào tạo, các doanh nghiệp chỉ mới hỗ trợ các trường bằng việc tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên nhưng còn hạn chế.


Ông Trần Văn Lâm - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GTVT cho biết, trong 3 năm gần đây, bước đầu đã có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp của ngành GTVT trong việc đào tạo, dạy nghề. Tuy nhiên, sự gắn kết này chưa thật sự chặt chẽ và hiệu quả. Vì vậy, trong năm 2014 và giai đoạn 2015-2020, công tác đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp của Bộ GTVT sẽ được chú trọng thực hiện.

Nâng kỹ năng nghề nghiệp cho HS, SV


Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, thời gian tới Bộ GTVT đặt mục tiêu đào tạo theo phương châm: Đào tạo những gì xã hội cần chứ không phải đào tạo những gì mình có, đào tạo để có việc làm và làm được việc, đào tạo theo nhu cầu xã hội gắn với xã hội hóa công tác đào tạo. Để đạt được mục tiêu trên, một trong những giải pháp quan trọng là cần có sự “bắt tay” chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.


“Sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, dạy nghề sẽ giúp người học được học những nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Các kiến thức và kỹ năng nghề mà người học tiếp thu sẽ đáp ứng được lợi ích của cả người học và người sử dụng lao động. Học sinh, sinh viên ngoài học lý thuyết tại trường còn được thực tập ngay trên các trang thiết bị đang sử dụng tại doanh nghiệp, qua đó giúp cho người học có thể vận dụng được những kiến thức đã học, đồng thời nâng cao kỹ năng nghề nghiệp”- Thứ trưởng Thọ nói. 


Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, việc phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giúp các trường không phải đầu tư nhiều cho việc mua sắm thiết bị thực hành, còn doanh nghiệp có cơ hội lựa chọn được những lao động có kỹ thuật tốt cho mình…


Thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành GTVT, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động cũng nhanh chóng được củng cố về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, để đáp ứng được mục tiêu phát triển của ngành GTVT là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, nguồn nhân lực chất lượng cao là đòi hỏi không thể thiếu. Vì vậy, sự chủ động, sáng tạo của các trường trong ngành và sự tích cực của các doanh nghiệp trong việc phối hợp, liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, công tác đào tạo theo địa chỉ cho các doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của ngành GTVT.

Thu Phương
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.