Điện ảnh

Nhà văn Chu Lai: “Chiến tranh chưa bao giờ thôi ám ảnh tôi”

01/05/2016, 05:58

Chu Lai không chỉ là nhà văn nổi tiếng mà còn là một người lính.

nha van chu lai (1)

Nhà văn Chu Lai

Chàng trai lãng mạn - cách mạng lãng mạn - trận mạc

Chu Lai nhận mình là một chàng trai lãng mạn - cách mạng, lãng mạn - trận mạc đến nỗi hai lần bỏ học đi chiến đấu. Trước khi đi lần thứ 2, trở thành lính đặc công, ông đã lặng lẽ đi quanh Hồ Gươm, như là lời từ biệt vô hình.

10 năm làm lính đặc công ở vùng ven đô Sài Gòn, từ binh nhì, Chu Lai đã trở thành Đại đội trưởng. Ông kể, vùng sông Sài Gòn dày đặc kẻ thù, chỉ cần mình hắt hơi, sổ mũi là kẻ thù nghe được. Cho nên có một hình thức bám trụ, đó là suốt ngày ngồi trong những bụi cây trên dòng nước chảy róc rách, dựng khẩu súng, không ho, không hút thuốc lá, không nói chuyện.

Chỉ đến khi buổi trưa đối phương về ấp chiến lược, mình mới nói chuyện một chút và ăn uống. Buổi tối, địch về hẳn ấp thì mới ngoi lên, rồi mới làm được việc này, việc kia. Những đêm có trăng, ông và quân nghỉ, còn những đêm lặn trăng thì đánh, cứ thế năm này, qua năm khác…

Chu Lai thường đọc câu thơ: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” khi kể về sự hy sinh của đồng đội mình.“Đơn vị tôi đóng quân tại Lái Thiêu, Thủ Đức cách Sài Gòn 15 km nhưng chúng tôi phải hành quân 10 năm trời mới đến được Thành Đô. Như vậy, mỗi năm chúng tôi chỉ đi được 1,5 km. Mỗi cây số đó để lại… hàng trăm thi thể đồng đội. Đây là cuộc hành quân trên những nấm mồ đẫm máu và nước mắt, để ca khúc khải hoàn tức tưởi giữa Thành Đô. 10 người ra đi thì 9 người không trở về. Chiến tranh chưa bao giờ là ngày hội. Tôi may mắn trở về đến nỗi tôi cảm giác thấy có tội với bạn bè, đồng đội”, ông nói.

10 năm làm lính đặc công ven Sài Gòn, luôn phải đối đầu giữa cái sống và cái chết đã tạo cho Chu Lai một bản năng sinh tồn kì lạ.

Chính vì vậy, khi bước ra khỏi cuộc chiến, trở về với đời thường, cái bản năng sinh tồn ấy đã tạo nên một cá tính đầy góc cạnh trong con người cũng như trong từng tác phẩm văn học để đời như:Nắng đồng bằng (1978), Vòng tròn bội bạc (1987), Ăn mày dĩ vãng (1991), Phố (1992), Ba lần và một lần (1999), Khúc bi tráng cuối cùng (2004), Cuộc đời dài lắm (2001), Chỉ còn một lần (2006)...

Đó là những bức tranh về hiện thực cuộc chiến tranh Việt Nam đầy bi tráng nhưng cũng đầy tính nhân văn…

Hiện thực tàn khốc ấy còn được nhà văn Chu Lai kể qua câu chuyện về những người bạn của ông. “Bạn tôi, một tên đặc công thủy, một tên đặc công khô, chiều trước sông Sài Gòn trêu đùa nhau. Nước ơi, tao thương mày lắm, tao còn có cây, có hố, còn gờ đất che đỡ địch nó không bắn trúng được, còn mày cứ trôi trong dòng nước nổi lềnh bềnh nó ném trái đạn, mày vỡ bong bóng nổi lềnh bềnh rồi chết trôi.

Thằng nước cười khì khì bảo, tao thương mày lắm khô ơi, tao còn có nước che chở, còn có bèo lục bình che trên đầu, chúng tao tiếp cận tàu, tiếp cận kè thù trong lòng nước, chúng mày trần xì đen, bò trên mặt đất sáng trắng thế này, địch bắn phát nào, nát ngực phát đó. Hai thằng khô, nước gốc ở Hà Nội thế là cứ thương thay khóc mướn nhau, rồi chia tay đánh hai mục tiêu. Sáng hôm sau, hai người lính đặc công Hà Nội đều không trở về”, Chu Lai kể.

Ám ảnh đôi bắp chân trắng của cô gái Hà Nội

Trong các chuyện kể của nhà văn về cuộc chiến thường có bóng dáng một người phụ nữ nào đó. “10 năm trời không được nghe giọng con gái Hà Nội bỗng nghe tin rằng, bên kia sông Sài Gòn có một cô bác sĩ Hà Nội mới hành quân vào. Thế là tôi rủ thêm mấy người bạn, bơi qua sông, qua rất nhiều bẫy tàu giặc để nghe tiếng Hà Nội một lần rồi bơi về. Nhưng khi bơi sang đến nơi thì người con gái Hà Nội ấy đã hy sinh. Cảm giác Hà Nội xa tít tắp và không bao giờ có ngày gặp lại”.

Những đôi bắp chân trắng của cô gái Hà Nội ám ảnh nhà văn suốt cuộc chiến tranh.

“Khi ở Trường Sơn, cô bác sĩ người Hà Nội đi trước đoàn lính chiến của tôi xắn quần lộ bắp chân xanh dần theo màu lá rừng. Bỗng một ngày, tôi bị sốt rét phải nằm ba ngày khi trở dậy đuổi theo đơn vị thì không còn thấy bắp chân con gái Hà Nội đâu nữa dù nó có xanh xao màu lá rừng. Hỏi ra, cô ấy rẽ về miền Trung với người yêu rồi. Thế rồi cuộc chiến đấu của tôi ở phía trước gần như hoang vắng tất cả các lý tưởng, khát vọng không còn gì nữa.

Hóa ra, tôi đang đi theo cái đẹp, cái bắp chân xanh xao màu rừng ấy mới là sức vẫy gọi ghê gớm và khi biểu tượng cái đẹp ấy rẽ về miền Trung với một thằng đàn ông nào đó, thì tôi bị tổn thương sâu sắc. Lại một thời gian dài mới lấy lại được nhuệ khí người lính. Có nghĩa, nếu không có những lúc lãng mạn như thế thì không thể đi hết chặng đường khói lửa 10 năm”, nhà văn kể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.