Sách

Nhà văn Dương Tường: “Một đời ăn nằm với chữ” đã khép lại

25/02/2023, 18:13

Nhà thơ Dương Tường rời cõi tạm ở tuổi 92, khép lại một cuộc đời đáng khâm phục và tự hào, nhưng "Tình khúc 24" sẽ vẫn còn ngân nga mãi.

Dương Tường với dịch thuật và thi ca

Là một dịch giả, nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật, phóng viên... Dương Tường tự nhận bản thân "một đời ăn nằm với chữ".

Tối 24/2, ông rời cõi tạm ở tuổi 92, "cuộc đời ăn nằm với chữ đã khép lại" nhưng “những trang thơ và trang sách dịch của ông ở lại” - như cách nói của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

img

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường ra đi vào lúc 20 giờ 8 phút ngày 24/2/2023

Hơn nửa thế kỷ cặm cụi dịch thuật, gia tài của ông có đến hơn 50 tác phẩm của nhiều nền văn học lớn như: Anh, Mỹ, Nga, Đức, Nhật Bản.

Đối với độc giả Việt, tác giả Dương Tường đã quá quen thuộc qua những tác phẩm chuyển ngữ kinh điển như: "Cuốn theo chiều gió", "Kafka bên bờ biển", "Đồi gió hú", "Con đường xứ Flandres", "Lolita", "Bức thư của người đàn bà không quen"…

Đối với nhưng người yêu thơ, người ta cũng gặp một Dương Tường đầy xúc cảm, sáng tạo qua những trang thơ, hay đầy tinh tế, sâu sắc trong những bài phê bình.

Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Dương Tường bước vào làng thơ và lập tức gây ra những tranh cãi về một thứ thơ còn xa lạ với dòng thơ chính thống.

Nhưng đọc kỹ thơ Dương Tường, mới thấy ông đã chủ động xây dựng "một ngữ - hệ - mới" trong thi pháp Dương Tuờng nhằm mục đích tối thượng là cách tân trong sáng tạo ngôn ngữ thơ mà bài thơ đề trên mộ chí sau này của ông chỉ duy nhất có một câu “Tôi đứng về phe nước mắt” đã phần nào nói lên điều ấy.

Nghệ thuật thơ ca của ông trước hết là nghệ thuật của chữ, của những "con âm", với rất nhiều nhạc tính, và nhất thiết phải có nhạc trong thơ.

"Tình khúc 24", nói về cuộc tình thời trẻ là một dẫn chứng rõ nhất cho thi pháp thơ ca của ông. Tác phẩm cũng từng được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc và trở thành một ca khúc nổi tiếng.

Tiếc nuối với thơ ca

Còn với biên tập Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - người từng trực tiếp biên tập cuốn "Dương Tường - Thơ", bà đã tìm thấy vẻ đẹp bất biến của "ngón thơ con âm" và tính bất biến của cảm xúc chất chứa trong thơ của ông.

img

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường miệt mài làm việc dù tuổi cao, mắt lòa

Trong một cuộc gặp tại "căn gác chật chội ẩm thấp bộn bề sách vở", Dương Tường đã kể với biên tập Diệu Thủy rằng: "Tôi vẫn cho tôi là một nhà thơ. Cho dù tôi đã dịch đến sáu chục đầu sách, nhưng cái cốt lõi tâm hồn tôi vẫn là nhà thơ. Tôi tiếc là mình không sống được trọn vẹn với thơ.

Cuộc đời cũng phũ phàng, hồi đó chúng tôi: Tôi, Trần Dần, Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Khánh đều kiếm sống bằng dịch thuật. Những ngày tháng đó chúng tôi hầu như chỉ di chuyển giữa ba không gian: Thư viện - phố - nhà. Một nhật trình dài dặc.

Trong mấy "thằng" thì tôi dịch được nhiều nhất, nhưng có lẽ cũng vì thế mà thời gian, tâm trạng cho thơ bị hạn chế đi", Diệu Thủy kể lại.

Thực tế, nghiệp thơ mà theo đánh giá của Dương Tường "không được sống trọn vẹn ấy" lại dễ dàng được gọi tên qua hàng chục tập thơ nổi tiếng như: "Dương Tường - Thơ", "36 bài tình" (thơ - in chung với Lê Đạt), "Đàn" (thơ ngoài lời)", "Thơ Dương Tường - Mea culpa"...

Cùng với đó là vô số lời tán dương từ những người "trong giới" như: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang Thiều...

Nhắc tới Dương Tường, đồng nghiệp luôn nhớ tới một người đàn ông tận tụy, lao động cật lực với con chữ. Những năm tháng cuối đời, dù mắc nhiều bệnh nặng, ông vẫn "tham công tiếc việc", không hề ngưng nghỉ.

Năm 2020, ở tuổi 88, ông hoàn thành bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh, coi đó là "đỉnh núi Everest" cần chinh phục cuối cùng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: "Ông là một người thực sự dấn thân cả đời cho văn học, trong cả sáng tác thơ ca và dịch thuật. Cho đến tận những năm cuối đời, dù sức khỏe ông đã quá hao mòn nhưng cảm hứng sáng tạo lúc nào cũng tràn đầy".

Nhưng, bấy nhiêu vẫn chưa đủ để nói về sự nghiệp của Dương Tường. Hay nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Dương Tường nhà báo, dịch giả, nhà phê bình văn học, nhà phê bình mỹ thuật, nhà phê bình âm nhạc, nhà phê bình sân khấu, nhà thơ. Nhưng chưa phải đúng thế! Dương Tường, đúng nhất là người viết”.

"Nhà thơ, kính cận, thuốc lá, chiếc điện thoại cũ, chìm sau khói thuốc..." và con số 24

Hơn nửa thập kỷ miệt mài với nghiệp viết, ngoài tài năng và tâm huyết với nghề Dương Tường là một trong số không nhiều người được cả giới văn nghệ mến mộ.

Một lẽ cũng bởi, chẳng mấy "anh lớn" nào trong nghề không chỉ lúc nào cũng cặm cụi với con chữ mà còn sốt sắng vì "đàn em".

img

Chân dung Dương Tường qua nét vẽ của họa sĩ Bùi Xuân Phái

Họa sĩ Trần Trọng Vũ nói rằng, trong mắt những ai may mắn quen biết Dương Tường, có lẽ ông là người tha thiết và cảm động nhất với cuộc đời.

"Từ cái cách ông đã nếm đủ mọi vất vả và vinh quang hiếm có. Từ cái cách ông tận tình làm sao với bè bạn và ngay cả với những thế hệ đến sau để dắt tay họ ra ánh sáng.

Ông không thuộc về những nghệ sĩ thích bị đày ải và sử dụng sự đày ải làm vỏ bọc cho mình. Ông cũng không thuộc về những nhà thơ yêu đời lúc nào cũng lấy thơ để chứng minh tình yêu cuộc đời.

Ông thích nghi với hoàn cảnh, với bần hàn của thế kỷ 20 với tiện nghi và sung túc của thế kỷ 21, cùng một cách thanh thản như nhau. Ông, nhà thơ, kính cận, thuốc lá, chiếc điện thoại cũ, chìm sau khói thuốc.

Cuộc đời ông đã và sẽ là như thế đấy với đầy đủ mọi thăng trầm với mọi sự việc mà bất cứ ai cũng phải quan tâm", Trần Trọng Vũ giãi bày.

Nhắc đến Dương Tường, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến con số 24 - con số trải dọc cuộc đời cầm bút của ông.

Đó là "Tình khúc 24" với "24 phím cầm chiều", "24 nhành sương mím", "24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư"... - tác phẩm được viết tặng một cô gái 24 tuổi mà ông thích.

img

Cuộc đời say mê với con chữ của Dương Tường đã dừng chân ở tuổi 92

Con số định mệnh ấy lại theo dấu ông đến giây phút cuối cùng nơi trần thế - ông rời cõi tạm vào ngày 24/2. Đời thơ, ai ngờ được một dấu ấn như thế, với con số định mệnh.

Nhà thơ Dương Tường rời cõi tạm ở tuổi 92, khép lại một cuộc đời đáng khâm phục và tự hào, nhưng "Tình khúc 24" sẽ vẫn còn ngân nga mãi.

"Gửi lại em

cầu thang 24 bậc

tờ thư 24 gác mưa

làn menuet 24 âm xưa

Gửi lại em

mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm

ga khuya 24 lần đưa đón

bài huê tình 24 lối sân sau

Gửi lại em

doi sông 24 nhịp cầu

tình khúc bãi ngô 24

sương dâng 24 nẻo đi về

Nhâm nhâm 24 hàng đèn

mênh mênh 24 ngã tư mắt

Gửi lại em

chiêm bao 24 chợt hiện tan

cung đàn 24 lần đứt nối

vũng im đêm 24 mạy sao chìm

Gửi lại em

24 phố dài thơm

24 xêrênađ

24 vibratô

24 khung trời tím

24 lối công viên

24 vầng trăng goá

Gửi lại em

gửi lại em tất cả

kể cả con âm đầu trót thụ mầm thơ

Riêng đêm em xoà bóng nốt ruồi

24 quầng

anh giữ"

(Trích từ "Tình khúc 24", Dương Tường)

Theo thông tin từ gia đình, lễ viếng dịch giả, nhà thơ Dương Tường diễn ra từ 8h15’ đến 10h30’ ngày 1/3/2023 (tức ngày 10/2 năm Quý Mão).

Lễ truy điệu ông diễn ra vào lúc 10h45’ cùng ngày, tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932. Ông học trung học tại Hà Nội, sau đó theo kháng chiến, vào bộ đội năm 1949.

Năm 1955, ông giải ngũ rồi trở thành phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1967, ông làm biên dịch tại Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, về hưu năm 1979.

Ông có cuộc hôn nhân bền chặt với bà Nguyễn Thị Trinh - em gái nhà thơ Tất Vinh. Hai người gặp nhau lần đầu năm 1955, khi ông 23 tuổi còn bà 14 tuổi.

Vài năm sau, hai người mới bắt đầu yêu. Ông bà có hai con gái, một con trai, không ai đi theo nghiệp viết lách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.