Thời sự

Nhà văn Kiều Vượng - Nhân chứng của "Thời hoa lửa"

16/11/2014, 17:37

Không gian vừa như chùng xuống, vừa như đặc quánh. Tôi vừa đọc xong Bút ký "Bến phà ghép" của nhà văn Kiều Vượng. Lặng im. Và không thể không gọi cho ông.

img

Nhân chứng “thời hoa lửa”

Nhà văn Kiều Vượng mồ côi bố từ năm lên 7. Vốn là người có vóc vạc khỏe mạnh, quen lao động sông nước từ bé. Tám tuổi. Kiều Vượng theo ông chú ruột đi biển quăng chài kiếm cá. Năm 18 tuổi, đã là thành viên của Hợp tác xã Vận tải Hợp Long, huyện Thạch Thành. Sau vài lần đi, thấy giỏi nghề sông nước, hợp tác xã giao cho Vượng làm chủ một chiếc thuyền được tính công là một lao động chính. Cuối năm này được tuyển vào quân đội.

Do yêu cầu nhiệm vụ, Công ty Vận tải thuyền nan chống Mỹ, cứu nước của ngành Giao thông vận tải Thanh Hóa được thành lập. Kiều Vượng được điều về đó. Lúc này, ông đã hoàn thành nhiệm vụ giúp nước bạn Lào và đơn vị về lại Thanh Hóa.

Năm 1967, để chuẩn bị cho Chiến dịch Mậu Thân 1968, Đoàn vận tải mang tên Lam Sơn được giao nhiệm vụ chở đạn, chở gạo vượt biển từ cửa Lạch Hội - Nghệ An vào cảng Gianh (Quảng Bình) rồi theo sông Kiến Giang cập bến ở làng Ho, làng Khỉ giao cho đoàn xe thồ gồm 5.000 chiếc cũng của Thanh Hóa chở đi tiếp. Sau khi giao hàng, Đoàn vận tải Lam Sơn lại quay ra lấy hàng ở cảng Gianh (Quảng Bình) rồi tiếp tục đưa vào.

Đây là phương án táo bạo, thuyền nan mà vượt biển thì lịch sử chiến tranh thế giới chưa nước nào có. Nhưng không còn phương án nào khác, vì tất cả các đường bộ đường sắt địch đã đánh phá ác liệt, chia cắt.

Cuối năm 1968, khi đế quốc Mỹ chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, Trung ương chỉ đạo chiến dịch vận tải lớn mang mật danh VT5. Ở Khu IV, Trung ương cử ông Hoàng Anh lúc ấy là Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu Trị Thiên cùng ông Hoàng Văn Hiều, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức chỉ đạo chiến dịch đặc biệt này.

Sau khi nghe quán triệt tình hình và lấy tinh thần tự nguyện, 500 người đã làm đơn ghi tên vào đội quân như đội cảm tử với phương tiện là 200 thuyền nan, mỗi thuyền sẽ chở từ hai tấn đến hai tấn rưỡi hàng và bố trí từ hai đến ba người một thuyền tùy theo sức lực và khả năng sông nước.

Trong số 500 thuyền viên, có 80 người là đảng viên và Kiều Vượng lúc này được chỉ định là Bí thư Đảng ủy của Đoàn vận tải Lam Sơn. Nhiệm vụ của Bí thư Đảng ủy bấy giờ ngoài việc lãnh đạo chung, cũng chở hàng như tất cả mọi người. Từ đó Kiều Vượng cùng đoàn vận tải thuyền nan chống Mỹ mang tên Lam Sơn, có mặt hầu như khắp các trọng điểm giao thông bị đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt.

Năm 1970, sau khi bàn giao đoàn vận tải thuyền nan Lam Sơn cho ngành Giao thông vận tải Quảng Bình, Kiều Vượng về Ban Đảm bảo giao thông vận tải làm cán bộ đảm bảo giao thông quốc lộ 1A cho đến hết suốt cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Năm 1975, khi đất nước hòa bình và bước vào tái thiết, Kiều Vượng lại được chuyển đến Tổng đội Thanh niên tình nguyện đi mở đường từ Hồi Xuân - Thanh Hóa sang Tén Tằn dọc biên giới hai nước Việt - Lào dài 118km.

Gần như đấy là cái số, cái nghiệp gắn chặt vào đời Kiều Vượng. Nói không ngoa, cả cuộc đời ông là xẻ núi mở đường không ngơi nghỉ và lặn ngụp trên sông, trên biển.... “Bến phà Ghép” cũng như nhiều tiểu thuyết, tác phẩm văn xuôi khác viết về chiến tranh của nhà văn Kiều Vượng sau này đều bi hùng bởi ông là nhân chứng của một giai đoạn lịch sử. Ông bước vào văn chương cũng gần như một lẽ tự nhiên, không định trước.

Luôn ám ảnh sự hy sinh mất mát của đồng đội

Trong “Bến phà Ghép”, Kiều Vượng nhắc đến chi tiết trận bom của đế quốc Mỹ vào ngày 26/8/1966. Anh em công nhân bến phà, thuyền nan, thanh niên xung phong đang nghỉ ngơi thì bom Mỹ dội xuống. 12 chiến sỹ vận tải thuyền nan đã hy sinh và được mai táng cùng một nấm mộ. Kiều Vượng chính là người leo lên ngọn tre để gỡ một phần thi thể của nữ thanh niên xung phong tên là Thao bị bom hất tung...

Những ngày tháng tham gia cùng Đoàn vận tải thuyền nan Lam Sơn vào tuyến lửa Quảng Bình đã có 256 đồng đội của ông hy sinh. Bản thân Kiều Vượng đã 6 lần bị thương thành thương tật trong khi làm nhiệm vụ, hiện giờ vẫn còn một mảnh đạn nhỏ ở ngực, mỡ đã bao bọc kín. “Thôi kệ nó nằm đấy. Chỉ tội phải kiêng rượu thôi!” – Kiều Vượng nói với tôi.

Khác với “Bến phà Ghép”, tiểu thuyết “Vùng trời thủng” lấy cảm hứng từ hiện thực mở tuyến đường lịch sử, tuyến đường hữu nghị Việt - Lào. Tuyến đường dài 150km nối liền vùng đất phía Tây xứ Thanh và vùng phía đông Hủa Phăn của nước bạn Lào. Vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khu vực này còn ít được biết đến, những khu rừng còn ở dạng nguyên sinh bao phủ, núi non hiểm trở, nổi tiếng với “ma thiêng nước độc” và căn bệnh sốt rét hoành hành.

Vì vậy, tính chất “ác liệt” của hiện thực không phải là ở những trận “đọ súng”, tổn thất cũng không đến từ những cuộc chạm trán nảy lửa trên chiến trường. Thử thách mà hàng ngàn con người, phần lớn đang độ tuổi trên dưới hai mươi ở đây là phải chịu đựng những gian khổ của thiên nhiên khắc nghiệt và sự thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần đến quá ngưỡng chịu đựng của con người. Để tồn tại được cần một nghị lực thép, để làm việc được cần một bản lĩnh thép. Vì vậy, những con người có mặt để khai thông tuyến đường Hữu nghị Lào -Việt thời ấy, họ xứng đáng là những anh hùng.

Không phải ngẫu nhiên tác giả đặt tên cho không gian nơi này là “Vùng trời thủng”. Nơi đây quả là một vùng không gian đặc biệt: Mưa lúc nào cũng lút thút, mùa đông lạnh thấu xương. Nơi đây không có mùa xuân cho chồi non nhú lộc, cũng không có mùa thu cho gió quạt lá vàng, quanh năm chỉ có mây mù bao phủ. Quần áo giặt phải hong lửa mới khô. ẩm ướt sinh ra bệnh tật, đáng sợ nhất là bệnh ghẻ và bệnh sốt rét. Nam thanh niên còn chịu đựng được, với các nữ thanh niên thì thật là cực hình.

Có hy sinh, có mất mát, “Vùng trời thủng” của Kiều Vượng là một khúc tráng ca về thanh niên xung phong giao thông vận tải.

“Qua cuộc chiến vẫn tồn tại là may”- Kiều Vượng nói như vậy. Ông luôn luôn ám ảnh về sự hy sinh của đồng đội. Viết về họ, như sự giục giã từ trái tim ông.

Tôi sẽ còn viết mãi về giao thông vận tải

Cuối tháng 6 năm 2014 nhân Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học về Giao thông vận tải mở Trại sáng tác dành cho các nhà văn khu vực Bắc miền Trung tôi mới được gặp ông. Kiều Vượng cao lớn, quắc thước dù tuổi đã cao. Tôi thấy quanh ông, trong trái tim ông có khoảng lặng.

Là người trong Ban tổ chức, tôi biết ông tham gia Trại với máy trợ tim luôn mang theo bên người. Những ngày đi thực tế trên các công trình như cầu Dùng, cầu vượt đường sắt trên QL1A ở Vinh... nắng nóng đến 39 độ nhưng ông vẫn cố gắng. Tôi nhớ mãi về ông những ngày đầu như vậy.

Hóa ra ông đã 18 năm là người giao thông, ở những năm tháng không thể nào quên; trong đó có 8 năm đào hào, phá núi mở đường giúp nước bạn Lào.

Tới nay, Kiều Vượng đã có 22 đầu sách văn học và 2 kịch bản điện ảnh được trao giải nhất, nhì cả nước; trong đó có Giải ba với tiểu thuyết “Sóng gió” do Bộ Giao thông Vận tải trao năm 1988. Riêng tiểu thuyết “Vùng trời thủng” được giải thưởng văn học sông Mê Công cũng viết về đề tài giao thông vận tải.

“Tôi vẫn viết và tiếp tục viết về giao thông vận tải”, ông nói tại lễ bế mạc Trại sáng tác văn học phía Bắc do Bộ Giao thông vận tải tổ chức. Vốn sống còn dư dật và tình yêu văn chương vẫn chưa hề vơi cạn.

“Bến phà Ghép” mà tôi vừa đọc, tác phẩm mới nhất của ông nói về những ngày tháng chiến đấu và hy sinh oanh liệt của cán bộ, nhân viên ngành Giao thông Vận tải, trong đó có thanh niên xung phong Thanh Hóa trên mặt trận giao thông vận tải những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Cùng với bến phà Ghép - xuất hiện với vị trí một địa danh lịch sử của ngành Giao thông vận tải, anh hùng của ngành Vũ Hồng Út, các nhân chứng như cố Thứ trưởng Trịnh Ngọc Điệt, Lê Dung; nguyên Thứ trưởng, nguyên Cục trưởng Cục Vận tải đường sông Bình Tâm... cũng lần lượt xuất hiện. Tất nhiên không thể thiếu Kiều Vượng.

Được sống trong những năm tháng ấy là một vinh dự lớn và viết về những năm tháng ấy cũng là một niềm tự hào lớn của những nhà văn như Kiều Vượng.

Kiều Vượng thành công ở mảng đề tài giao thông vận tải cũng có lẽ ở ông là sự gặp gỡ hay và đẹp như cùng hẹn trước giữa một hiện thực ngồn ngộn những sự kiện đặc biệt và một trái tim nhạy cảm. Tác phẩm ông “tươi ròng” chất sống hiện thực trên từng trang viết.

“Nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đang giục anh nhanh chóng hoàn thành Hồi ký “Hoài niệm những dòng sông” cũng viết về giao thông vận tải”, nhà văn Kiều Vượng “bật mí với tôi.

Ngô Đức Hành

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.