Sách

Nhà văn Phạm Hoa, tôi nợ anh!

Nhà văn Phạm Hoa từng nói, dứt khoát trong viết và mọi hành xử phải có trái tim nhân hậu như là đệ tử của đức Phật.

img

Nhà văn Phạm Hoa qua đời ngày 22/5/2021 tại Hà Nội, hưởng thọ 70 tuổi

Lúc ấy, khoảng 12h, tôi đang ngủ trưa. Có một tin nhắn từ số điện thoại Phạm Hoa. Tôi giật mình tỉnh ngay, đọc: Em là vợ anh Phạm Hoa, nhà em mất rồi anh... Tôi bàng hoàng, nhưng dòng tin không rõ, có từ tôi không hiểu nhưng gọi điện lại không được nữa. Tôi lên mạng, không một dòng tin về Phạm Hoa mất. Khi này, tôi gọi điện cho nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo hỏi: Bác biết tin Phạm Hoa mất chưa? Bác Bạo nói: Không biết!

Thế này thì buồn quá nhỉ! Tạ Quang Bạo ngay cạnh nhà Phạm Hoa mà không biết. Lạ quá! Nhưng Tạ Quang Bạo bị liệt chân, nằm nhà, đi đâu mà biết.

Phạm Hoa! Nhắc đến anh, tôi rất ngại vì anh rất mực thước. Anh nhìn tôi như xoáy vào mắt tôi khi nói đến một sự kiện gì liên quan đến chính trị hay văn nghệ: Tuấn Lộc ơi! Vấn đề này cẩn thận, còn xem xét. Hay là: Tôi lạ gì ông ấy, viết thế nhưng sống không thật...

Phạm Hoa! Nhắc đến anh, tôi như có một món nợ chưa trả được. Nhưng không rõ là nợ cái gì. Anh rất khẳng khái, rất lính, nhưng lại cũng rất nghệ sĩ.

Có lần, tôi đến chơi nhà, chị vợ anh đang dọn nhà, anh trịnh trọng nói với vợ: Đây là nhà thơ Lê Tuấn Lộc.... và anh nói với vợ đầy đủ về tôi như là anh nói trước hội nghị vậy. Tôi bật cười. Trân trọng bạn với vợ, thật đáng quý. Rồi anh nhìn tôi, cười nói: Không có nước, chỉ có rượu. Làm một chén. Anh lại nhìn tôi và cầm chai rượu lên: Phạm Hoa rất quý tính cách Lê Tuấn Lộc. Anh rót một chén con và bình: Rượu ngon đấy. Rượu Xứ Thanh gửi ra. Đang đọc văn xuôi Thanh Hóa dự thi trên Tạp chí Xứ Thanh. Mình được mời làm ban giám khảo. Bận quá nhưng không chối được. Quê nhà mà. Nể quá, tôi nhấp một chén, người nóng bừng lên.

Chợt nhớ, một bài anh viết có vẻ bức xúc trên mạng khi dự Ban giám khảo xét danh hiệu NSND và NSUT năm 2016: Tôi không hề uống với ai một chén nước trong số các nghệ sĩ sắp được xét danh hiệu cao quý, thế mà có người sau khi không được xét, nói Hội đồng Giám khảo nhận tiền... Anh nói như bức xúc thay cả cho Hội đồng Giám khảo dù Hội đồng này là Hội đồng nghệ thuật, không phải Hội đồng Văn học.

Cuối năm 2020, Sơ kết Cuộc thi tiểu thuyết 2015-2020 tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, anh thay mặt cho Hội đồng Giám khảo Cuộc thi tiểu thuyết, phát biểu với khí thế rất nóng nhưng thận trọng: Có ý kiến nói rằng, tiểu thuyết mấy năm nay mất mùa, vắng bóng tiểu thuyết hay. Phát biểu thật hồ đồ, họ có đọc đâu mà biết. Hàng trăm tiểu thuyết đã gửi đến Ban giám khảo, đâu phải mất mùa. Khối lượng khổng lồ tác phẩm ấy đã buộc chúng tôi phải căng mắt ra mà đọc và đọc. Có thể nói tự hào rằng: Chúng ta đã được mùa tiểu thuyết. Tôi nói thế vì tôi đã đọc hết. Anh nhận xét gai góc và cụ thể. Chứng tỏ anh đã phải đọc như thế nào, Ban giám khảo Văn xuôi vất vả thế nào.

Năm ngoái, 2020, tôi ở trong Thanh Hóa một thời gian dài. Tôi điện thoại, anh toàn tắt máy. Có lần, may tôi nghe được, anh nói: Tuấn Lộc ơi, tôi đang nằm Viện 108, nhiều bệnh lắm. Không muốn bạn bè đến đâu. Tôi nằm hàng mấy tháng, làm sao đến thăm liên tục được. Gọi điện thăm nhau là quý lắm rồi.

Nhà văn Phạm Hoa! Tôi cứ bị ám ảnh như là nợ anh một cái gì mà tôi không rõ. Lâu rồi tôi không nhớ, nhưng mỗi lần đến anh, bao giờ khi bàn đến đội ngũ nhà văn nhà báo Thanh Hóa tại Hà Nội, bao giờ anh cũng nói: Tuấn Lộc ơi, tôi tin anh. Hãy làm một cái gì cho quê hương đi. Làm đi và làm cái gì?! Tôi biết anh tin tôi và luôn động viên tôi, nhưng tôi phải động viên anh mới đúng, vì anh đang ốm nặng.

img

Nhà văn Phạm Hoa (hàng thứ 2, bên phải) với các đồng nghiệp chụp cùng nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười

Khi tôi nói chuyện nhà văn Lê Xuân Giang có đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam. Phạm Hoa nói như tiếc rẻ: Tôi lạ gì nhà văn Lê Xuân Giang. Tôi thân với anh ấy từ khi đang Phó ban Tuyên huấn tỉnh ủy Thanh Hóa. Lúc ấy anh Giang thừa tiêu chuẩn vào Hội Nhà văn Việt Nam rồi.

Hôm nay thì anh mất thật rồi. Nhận tin nhắn của vợ anh, nhắn không rõ, nhưng tôi đọc dòng anh Phạm Hoa mất rồi. Tôi tin là thật và biết là chị ấy đã lúng túng trong nước mắt nên nhắn vội thế.

Nhà văn Phạm Hoa! tôi nhớ rồi. Tôi nợ anh món nợ văn chương: Một chân dung Phạm Hoa đầy đủ mà tôi chưa làm xong được thì anh đã đi.

Nhà văn Phạm Hoa từng nói: Trong suy nghĩ, có thể mình như mọi các loại người. Có thể tưởng tượng mình là một người xấu, một tướng cướp, một anh hùng. Điều ấy có lợi cho việc xây dựng nhân vật. Nhưng dứt khoát trong viết và mọi hành xử phải có trái tim nhân hậu như là đệ tử của đức Phật. Vì sứ mệnh của văn học là cảm hóa và cải biến. Tôi đã tự răn mình như thế khi đứng trong nghề cầm bút.

Phạm Hoa đã nói thế, đã nghĩ thế và cả cuộc đời cầm bút của Phạm Hoa đã hành động nhất quán như thế: Anh sống gương mẫu, cương trực, trong sạch và mực thước.

Một người lính đã cầm súng, một lãnh đạo văn hóa văn nghệ trong quân đội (Phó cục trưởng cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị) như là khi về đời thường, tư tưởng, ứng xử của anh không thay đổi. Anh là mẫu người trong sạch cho chúng tôi, những nhà văn nhà thơ xứ Thanh noi theo.

Giờ thì Phạm Hoa đã rời về cõi lạc! Một chuyến đi dài và an yên của một người lính đã thôi trăn trở.

Nhà văn Phạm Hoa, sinh ngày 20/1/1952, tại xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Học xong phổ thông, ông đi bộ đội vào năm 1970 và có nhiều năm chiến đấu ở Đoàn 559 Trường Sơn (Sư đoàn 571). Năm 1979, ông học Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa I). Tốt nghiệp, ông làm phóng viên Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, Trưởng phòng Văn hóa Văn nghệ, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị, hàm đại tá.

Ông từng ra mắt nhiều tác phẩm như Ngày không bình thường (truyện ngắn, 1984); Tiếng chim (truyện ngắn, in chung, 1985); Đừng quên mùa hoa săng lẻ (truyện ngắn, 1986); Mỗi thời của họ (truyện ngắn, 1993)…

Ông được Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2003); Giải nhất cuộc thi tại Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài GTVT tổ chức; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017; Giải Nhì Giải thưởng Bộ Quốc Phòng 5 năm 1015-2019 cho tác phẩm Nhốt con chim trói cô.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.