Điện ảnh

Nhạc kịch "Chuyện người lính" trên sân khấu Việt có gì hấp dẫn?

13/04/2021, 07:00

“Chuyện người lính”, một kiệt tác cổ điển của thế kỷ 20 được dàn dựng với sự phối hợp của các nghệ sĩ tới từ nhiều quốc gia khác nhau.

img

Các nghệ sĩ tập luyện cho vở diễn.Ảnh: YL

Đó là Việt Nam, Nhật Bản và Pháp. Với những cách thể hiện độc đáo, vở nhạc kịch hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ và thú vị.

Bữa tiệc âm nhạc, kịch nghệ và nghệ thuật thị giác

Giữ một vị trí đặc biệt trong kho tàng tác phẩm của nhà soạn nhạc người Pháp Igor Stravinsky và nhà văn Thụy Sĩ Charles-Ferdinand Ramuz, “Chuyện người lính” được mệnh danh là một kiệt tác cổ điển của thế kỷ 20.

Tác phẩm ra đời từ đầu thế kỷ 20 từng được dàn dựng thành nhạc kịch ở nhiều quốc gia như: Anh, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Canada, Mỹ… và được nhiều đạo diễn chuyển thể, thu âm cho các dự án nghệ thuật khác nhau từ hoạt hình, múa rối... Trong đó, phiên bản phim hoạt hình dưới sự minh họa của họa sĩ Robert O. Blechman từng đoạt giải Emmy năm 1984.

Lần đầu tiên, vở diễn ra mắt công chúng tại Việt Nam lại qua sự kết hợp của nghệ sĩ tới từ 3 quốc gia Việt Nam, Pháp và Nhật Bản.

Trong đó, đảm nhận vai trò giám đốc nghệ thuật là đạo diễn người Pháp Marcelino Martin Valente, chỉ huy dàn nhạc là nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji, họa sĩ minh họa Việt Nam Nguyễn Mỹ Anh. Ê-kíp trên sân khấu gồm 3 diễn viên cùng dàn nhạc 7 nhạc công (thuộc Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam) có nhiều quốc tịch khác nhau.

Nội dung là câu chuyện về một người lính trở về quê hương của mình và trên đường về nhà, anh gặp một con quỷ. Con quỷ muốn anh đổi cây đàn violin của anh lấy một cuốn sách ma thuật cho phép anh trở thành người giàu có nhất trên thế giới.

Sau nhiều lần lưỡng lự, anh lính đã đồng ý trao đổi. Thế nhưng, khi đã trở thành người giàu nhất thế giới, anh lính chợt nhận ra mình là người bất hạnh nhất khi đã để mất chiếc đàn violin, tài sản tinh thần quý giá nhất với anh.

Trong phiên bản gốc, phần trình diễn đầy đủ cho vở nhạc kịch này có thời lượng khoảng 1 tiếng nhưng trên sân khấu Việt Nam, thời lượng được rút ngắn chỉ còn khoảng hơn 30 phút.

Đạo diễn Valinente cho biết, ông có những thay đổi trong cách kể chuyện khi các nghệ sĩ sẽ không chỉ trình diễn thông qua ngôn ngữ cơ thể mà còn bằng giọng nói, kết hợp cùng tranh minh họa.

Như thế, vở diễn quy tụ ba lĩnh vực nghệ thuật là âm nhạc, kịch nghệ và nghệ thuật thị giác. Riêng phần âm nhạc kết hợp nhiều phong cách, thể loại nhạc như nhạc jazz, valse, tango.

Sân khấu được tối giản để dành đất diễn cho ba nhân vật cùng 7 nhạc công. Ba nhân vật chính gồm người lính, con quỷ và người kể chuyện.

Theo tiết lộ của ê-kíp, điều độc đáo của tác phẩm là đôi lúc người kể chuyện của vở kịch cũng hóa thân thành con quỷ để khiến vở kịch thêm hấp dẫn và mang tính liêu trai hơn. Đặc biệt, chính đạo diễn Valinente sẽ đóng vai con quỷ, khi bản thân ông đang không có mặt ở Việt Nam.

“Do tôi không thể đến Việt Nam nên chúng tôi đã lên nhiều kịch bản khác nhau để xem nhân vật của tôi sẽ xuất hiện thế nào. Ban đầu, ê-kíp dự định chiếu video có gương mặt tôi nhưng thấy không ổn nên quyết định sẽ chỉ sử dụng giọng nói diễn xuất, dùng kỹ thuật bóp méo để mang tới trải nghiệm nghệ thuật khác biệt cho khán giả”, ông Valinente bật mí.

7 nhạc công gánh cho 70 người khác

img

Một hình ảnh minh họa trong vở nhạc kịch “Chuyện người lính”

Đạo diễn Valinente thừa nhận, đây là một dự án khó và phức tạp. Tình hình dịch bệnh và khoảng cách địa lý gây nhiều cản trở quá trình thực hiện tác phẩm.

Suốt khoảng thời gian thực hiện nửa năm cho vở diễn, ê-kíp chỉ có thể kết nối và làm việc với nhau bằng công nghệ. Điều này khiến ông làm việc trong tình trạng vô cùng ức chế vì không có mặt để tham gia vào các buổi tập. Chính vì vậy, đạo diễn phải lường trước các tình huống, đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu trong mọi vấn đề, phải viết kịch bản một cách chính xác nhất.

Ngoài ra, việc phải đơn độc làm việc một mình ở nước ngoài nên ông cũng phải tự làm công tác tinh thần cho bản thân để giữ cho mình động lực làm việc nhóm. Bởi thế, khoảng cách là vấn đề khủng khiếp nhất bởi ông có nhu cầu được gặp, nói chuyện với những người làm việc với mình để bàn bạc, thảo luận.

Cũng chính khoảng cách địa lý nên tác phẩm này được thực hiện theo kiểu “bịt mắt” của đạo diễn người Pháp. Ông không biết Việt Nam và cũng không biết thị hiếu của khán giả Việt như thế nào. Đây cũng là thách thức không nhỏ.

“Tuy nhiên, tôi đã trao đổi khá nhiều với nhạc trưởng và các diễn viên Việt để nắm bắt tình hình. Thực ra, tôi quan tâm tới tác phẩm, nghệ thuật nhiều hơn là chạy theo thị hiếu công chúng”, đạo diễn Valinente thổ lộ.

Dù không tiết lộ về tổng kinh phí vở diễn nhưng theo ông Trịnh Phùng Linh, Phó giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, các đơn vị tham gia dự án này tự lo liệu kinh phí cho việc tập luyện của các thành viên ê-kíp thuộc đơn vị của mình.

Ông Linh tâm sự, kinh phí không phải vấn đề mà thử thách lớn nhất cho phía dàn nhạc là lần này, chỉ có 7 nhạc công tham gia dự án. Thông thường, dàn nhạc có khoảng 70 người, chơi nhiều nhạc cụ khác nhau. Nhưng lần này, 7 người sẽ phải gánh hết gánh nặng đó thay cho 70 người.

“Biểu diễn một vở nhạc kịch opera thính phòng mà chỉ có 7 nhạc công là không đơn giản. Thời lượng 30 phút tưởng ngắn nhưng khá dài và rất nhiều thứ phải làm. Trước đây, 1 câu nhạc khoảng 10 người chơi thì giờ chỉ có 1 người. Chưa bao giờ có chương trình nào, chúng tôi phải tập nhiều như vậy, mất 6 tháng chỉ cho 30 phút trên sân khấu”, ông Linh chia sẻ.

Toàn bộ vở diễn sử dụng ngôn ngữ tiếng Pháp. Để hỗ trợ cho khán giả Việt có thể hiểu được tác phẩm, vở diễn sử dụng thêm màn hình chiếu bản dịch bằng tiếng Việt. Theo dự kiến, “Chuyện người lính” sẽ có hai đêm công diễn vào ngày 16 và 17/4/2021 tại Hội trường của L’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.