Showbiz

Nhạc sĩ Trần Minh Phi: "Tôi đánh giá thấp những ca sĩ bước ra từ gameshow"

01/05/2019, 14:22

Nhạc sĩ Trần Minh Phi cho rằng, ca sĩ ngày nay có ít thanh hơn sắc.

img
Sơn Tùng M-TP là một trong những ca sĩ hay vướng phải scandal nghi vấn đạo nhạc.

Không đánh giá cao ca sĩ gameshow

Thế hệ ca sĩ thứ 3 của Việt Nam hiện nay chủ yếu bước ra từ gameshow, như Vũ Cát Tường, Trúc Nhân, Hương Tràm… Cá nhân anh nhìn nhận thế nào về những sự mới mẻ, và đóng góp của thế hệ này mang tới cho hơi thở nhạc Việt?

Game show thực chất chỉ là sân chơi, không phải là cái nôi chuyên nghiệp nuôi dưỡng những cá nhân chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp tôi nói ở đây là nói lên chất lượng của nghề, chứ không phải là cái nghề chuyên đi làm để kiếm sống. Do đó, tôi đánh giá thấp những ca sĩ bước ra từ những sân chơi này. Thực tế cũng chứng minh tôi không hề sai, khi hàng loạt những thành quả của gameshow sau đó đã thể hiện mình một cách nghèo nàn, vá víu, lai tạp và nhạt nhẽo.

Từ đó, hơi thở nhạc Việt thường ngắt quãng như bị hen suyễn và không có mùi thơm tho cho lắm!

Anh có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Đó là sự bắt chước, sao chép quá thô thiển. Trong sáng tạo vẫn có sự bắt chước, sao chép nhưng nó đã được phát triển thêm và tạo được cá tính đặc thù. Sự sao chép của các ca sĩ hiện nay chỉ đơn thuần là sao chép, có người nặng hơn còn phải gọi là ăn cắp.

Gameshow đúng chỉ là sân chơi, nhưng vẫn có nhiều gương mặt được đào tạo về chuyên ngành, chuyên môn và đi thi để tìm cơ hội nổi tiếng. Anh đánh giá thấp những ca sĩ bước ra từ những sân chơi này, liệu có quá khắt khe?

Game show có tiêu chí riêng của nó, thường là nặng về giải trí, nên những người có đào tạo về chuyên môn khi đến với sân chơi này lại không phù hợp với nó. Bởi vậy, họ thường thất bại và dừng bước sớm. Cho nên, gameshow không phải là đất lành của họ.

Bên cạnh gameshow là những cuộc thi nghiêng về chuyên môn như Sao Mai thì lại quá chú trọng kỹ thuật mà bỏ qua những yếu tố như cảm xúc, sự hấp dẫn của trình diễn, sắc vóc nên cũng bị khô cứng, vô hồn. Một yếu tố quan trọng của nghệ thuật đó chính là linh hồn đã bị đánh mất.

img
Nhạc sĩ Trần Minh Phi

Nhưng rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận vẫn có những gương mặt đóng góp cho thị trường âm nhạc với những sản phẩm âm nhạc văn minh, cập nhật được hơi thở đời sống và tiệm cận được với âm nhạc quốc tế. Anh nghĩ thế nào?

Điều đó có đấy nhưng nó quá ít. Một vài hột muối cho vào một ly nước thì vẫn cho ta cảm giác ly nước không mặn lên chút nào. Nó vẫn nhạt đúng như nước lã. Còn nếu bạn nói âm nhạc của họ tiệm cận được với quốc tế thì chúng ta phải tỉnh táo hiểu rằng, đó là sự tiệm cận còn khá xa và chỉ là trong phạm trù giải trí.

Như vậy với cá nhân anh, anh thấy những ảnh hưởng của ca sĩ thế hệ thứ 3 hiện nay ra sao, về cả mặt tích cực lẫn tiêu cực?

Tôi đang nói về thứ âm nhạc có tính sáng tạo nghệ thuật, hay ít ra gọi là tử tế về mặt tâm hồn. Còn về nhạc thị trường giải trí thì nó tuân theo quy luật khác. Một lớp trẻ hưởng thụ về âm nhạc giải trí vẫn đang có những thần tượng của họ. Và thị trường về âm nhạc giải trí vẫn sôi động theo quy luật cung-cầu.

Đó là mặt tích cực cuả nó đối với nhu cầu giải trí và hưởng thụ âm nhạc theo cách vui chơi của lớp trẻ hiện nay. Nhưng nếu đứng ở góc độ nghệ thuật thì chúng ta thấy sự sôi động này chứa quá nhiều tiêu cực như tôi đã chia sẻ.

Ca sĩ thanh ít, sắc nhiều

Nếu so với thế hệ 1 của nhạc nhẹ như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam hay thế hệ 2 như Đông Nhi, Noo Phước Thịnh… anh nhận thấy thế hệ 3 hiện nay có những thuận lợi như thế nào để dễ phát triển cho sự nghiệp và nghệ thuật?

Những thuận lợi của họ cũng là cái gây cho họ ảo tưởng và mất đi sự học hỏi khổ luyện. Đó chính là họ có cái bệ phóng có sẵn của những cái vây quanh gameshow như truyền thông, lăng xê, quảng bá, môi trường phát triển. Nếu tìm ở họ có điểm nào hơn thế hệ trước thì tìm ở điểm nào?

Ca sĩ thường được đánh giá trên thanh rồi đến sắc. Về thanh họ không hơn mà còn kém xa. Về sắc, có lẽ họ có được một điểm cộng.

Phải chăng ý anh là, những thuận lợi đó cũng chính là thách thức của họ?

Họ thường được” tiêm hóc môn” để bạo phát rồi bạo tàn. Những thách thức của họ chính là việc “tiêm hóc môn” đó. Nói ngắn gọn thế thôi. Còn "tiêm hóc môn" đây là gì? Chính là điều tôi vừa chia sẻ về những thuận lợi của họ.

Nhưng anh có thấy, ca sĩ ở ta cũng có nhiều bất lợi đó chứ. Nếu như ở làng giải trí Hàn, các thần tượng ngoài thu nhập từ việc tổ chức show diễn, họ còn có nhiều nguồn thu nhập như bán lightstick, đồ lưu niệm như quần áo, mũ nón, photo, album… thì ở Việt Nam, các ca sĩ lại không có được điều đó?

Tôi nghĩ, nếu ca sĩ hát để kiếm tiền thì đó quả là bất lợi quá lớn. Nhưng nếu hát vì nghệ thuật và sáng tạo thì nhiều khi nó lại thuận lợi. Bởi vì họ dễ tập trung cho chuyên môn hơn là phân tâm vì tiền bạc và lợi nhuận.

Với một lứa ca sĩ mà anh đánh giá thanh ít sắc nhiều như anh nói, anh nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng như thế nào ở họ cho làng nhạc Việt?

Tôi không kỳ vọng gì vào làng nhạc Việt hiện nay với một lứa ca sĩ như bây giờ.

Cảm ơn anh!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.