Văn hóa - Giải Trí

Nhạc thể nghiệm lép vế vì… “khó nhằn”?

23/10/2016, 15:05
image

Đêm nhạc thể nghiệm mang tên “Nước chảy đá mòn” diễn ra tối 16/10 tại Trung tâm Nghệ thuật Manzi.

1_134039

Ảnh minh họa

Cành cây khô, quả bóng bay, xô nước, ghế… - những vật dụng tưởng chừng vô tri vô giác cũng có thể tạo thành những bản hòa thanh độc đáo. Đó là những gì khán giả có thể thấy được từ đêm nhạc thể nghiệm mang tên “Nước chảy đá mòn” diễn ra tối 16/10 tại Trung tâm Nghệ thuật Manzi.

Trong đêm diễn, các nghệ sĩ đã lần lượt trình diễn những tiết mục âm nhạc bằng các dụng cụ quen thuộc trong đời sống hàng ngày như chai lọ, đồng xu, hộp xốp... Dưới bàn tay của các nghệ sĩ, khán giả được hòa vào những âm thanh thân quen trong cuộc sống hàng ngày như: Âm thanh các phương tiện lưu thông trên đường, tiếng còi xe, tiếng đổ vỡ, âm thanh của máy bay, tiếng mèo kêu… Đêm nhạc có bốn tiết mục của các nghệ sĩ Sto Len, nhóm DomDom - Trung tâm Nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm cùng nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, mỗi tiết mục là một bản giao hưởng âm thanh mới mẻ và độc đáo.

Theo nghệ sĩ Phạm Thị Tâm - nhóm DomDom, tiết mục của DomDom có tên là sự hỗn loạn được lấy cảm hứng từ những âm thanh xung quanh môi trường trong cuộc sống, thu âm các âm thanh và tạo thành tác phẩm. “Nhóm muốn đưa đến cho khán giả một cảm xúc khác, trìu tượng hóa hơn về những âm thanh hàng ngày”, chị Tâm chia sẻ.

Giải thích rõ hơn về đêm nhạc, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cho hay, buổi biểu diễn thiên về âm thanh và tiếng động, vì âm thanh và tiếng động là gốc của âm nhạc. Anh bộc bạch, trên thế giới nhạc thể nghiệm dù không phổ biến bằng nhạc pop nhưng vẫn khá phổ biến và có chỗ đứng nhất định trong thị trường âm nhạc. Thế giới có hàng nghìn thể loại nhạc khác nhau và nhạc thể nghiệm có vị trí bình đẳng với các thể loại nhạc khác, khán giả cũng nghe rất đa dạng. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhạc thể nghiệm hoàn toàn “lép vế” và không được sự quan tâm của khán giả, truyền thông cũng như các nhà quản lý. Bởi lẽ ở Việt Nam, mọi người ít có cơ hội tiếp xúc với nhạc thể nghiệm, người nghe cũng thụ động trong việc tìm tòi, khám phá các thể loại nhạc, không có cá tính trong việc nghe và còn chạy theo đám đông kể cả trong việc nghe nhạc.

Có lẽ đó là lý do buổi biểu diễn chật kín khán giả và có tới hơn một nửa là khán giả nước ngoài. Họ chăm chú lắng nghe, chăm chú theo dõi từng hành động, cử động của nghệ sĩ trên sân khấu và nổ những tràng pháo tay không dứt. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu hết được nội dung truyền tải của các nghệ sĩ, nhưng sự ủng hộ cho thể loại “khó nhằn” này thực sự là điều đáng quý để có thể phát triển nhạc thể nghiệm trong tương lai.

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.