Âm nhạc

Nhạc Việt bỏ tiền thật mua danh ảo trên top trending

19/09/2019, 07:12

Những tin đồn mua bán bảng xếp hạng, mua bán số lượt nghe trên các trang nghe nhạc trực tuyến thực tế cũng râm ran trong giới nghệ sĩ từ lâu.

img
Các sản phẩm âm nhạc cạnh tranh vị trí top trending trên Youtube

Cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội online, thị trường nhạc Việt cũng có sự thay đổi. Thay vì dồn lực để sản phẩm xuất hiện trên một bảng xếp hạng (BXH) âm nhạc nào đó, các ca sĩ hiện có “đường đua” mới là sản phẩm lọt top trending (thịnh hành) trên Youtube.

Cuộc đua ảo cũng “dầu sôi lửa bỏng”

Thị phần âm nhạc trực tuyến của Việt Nam nhiều năm qua đang liên tục phát triển và thay đổi tạo thành những trào lưu âm nhạc mới, phù hợp với thị trường. Các đơn vị kinh doanh âm nhạc trực tuyến nở rộ như Zingmp3, nhaccuatui, Keeng, nhacso.net,… Mỗi website nghe nhạc lại có một BXH âm nhạc riêng dựa vào lượt nghe và tải cho mỗi ca khúc. Những năm gần đây, thị trường này có sự tấn công của nhiều trang nghe nhạc trực tuyến nước ngoài như iTunes, Spotify,… và những đơn vị này cũng có những BXH của riêng mình. Quá nhiều BXH âm nhạc ra đời đã kéo theo một cuộc đua để lọt vào BXH bằng những con số lượt nghe, lượt tải ảo.

Những tin đồn mua bán bảng xếp hạng, mua bán số lượt nghe trên các trang nghe nhạc trực tuyến thực tế cũng râm ran trong giới nghệ sĩ từ lâu. Từ cách đây vài năm, ca sĩ Trizzie Phương Trinh đã công khai cho biết mình được chào mời để có mặt trong top 10 một bảng xếp hạng âm nhạc với giá 95 triệu đồng. Để có mặt ở vị trí từ 11-20, số tiền chị sẽ phải trả là 25 triệu đồng. Trường hợp chỉ muốn xếp vị trí từ 21-40 thì giá là 13 triệu đồng.

Hiện nay, nhiều đơn vị kinh doanh cũng công khai chào bán các gói dịch vụ tăng lượt nghe, lượt like nhan nhản trên mạng xã hội. Giá cả cũng rất đa dạng, tùy thuộc vào mỗi nhà cung cấp dịch vụ và website nhạc. Trang hanhtrinh24h niêm yết giá 100.000 đồng/20.000 lượt nghe trên trang Zingmp3, 1 triệu đồng/5.000 lượt bình luận. Trang tangluotnghe cũng đưa bảng giá 130.000 đồng/20.000 lượt nghe trên Zingmp3, 100.000 đồng/10.000 lượt nghe trên nhaccuatui (NCT)…

Trong vai một người muốn mua gói dịch vụ tăng lượt nghe bài hát của mình, PV gọi điện đến số điện thoại 09342xxxx, một nhà cung cấp dịch vụ tên Khánh chào mời dịch vụ tăng lượt xem video trên Youtube với mức giá 50 đồng/view. Tuy nhiên, khi đề cập đến tăng lượt nghe trên trang nghe nhạc trực tuyến, Khánh thật thà cho biết, một số trang nghe nhạc hiện nay đã siết chặt hệ thống, chỉ người của đơn vị hoạt động ngầm để kết nối tăng lượt nghe, còn bên ngoài khó tác động được.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ, nhiều ca khúc trên các BXH âm nhạc trực tuyến dễ bị tác động thông qua kỹ thuật máy tính. Có nhiều sản phẩm có lượt nghe rất lớn nhưng không phải ai cũng biết. Bản thân anh ở trong hội đồng nghệ thuật của nhiều giải thưởng âm nhạc, có những bài hát anh thậm chí chưa từng nghe qua. “Tôi là người trong nghề mà còn chưa nghe, thì liệu bài đó có thật sự là bản hit để lọt được vào BXH hay không?”, anh thắc mắc.

Bỏ tiền thật, mua cái ảo trên top trending

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, lọt top trending còn rất nhiều sản phẩm video khác chứ không chỉ âm nhạc. Một video có nội dung nhảm nhí vẫn có thể lọt top. Bởi vậy, trending không chứng tỏ được chất lượng sản phẩm của ca sĩ. Thế nhưng, đây là bước đi có nhiều cái lợi và cũng là điều dễ hiểu vì là xu hướng chuyển dịch tất yếu của âm nhạc. Trước đây, nhạc pop bùng nổ thì có sự xuất hiện của BXH Làn sóng xanh, mang tới hơi thở mới cho âm nhạc. Sau đó là thị trường nhạc chuông, nhạc chờ bùng nổ, tác động ít nhiều tới các BXH. Và hiện tại, Youtube nhận được sự quan tâm nên nghệ sĩ cũng tập trung vào trending trên Youtube hơn. Anh đánh giá, điều này có lợi vì qua Youtube, nghệ sĩ dễ đưa sản phẩm của mình tiếp cận với thế giới hơn, còn BXH âm nhạc chỉ khán giả Việt quan tâm.


Suốt thời gian qua, khán giả Việt liên tục bị xoay vần “chóng mặt” trước những thông tin các sản phẩm âm nhạc của một ca sĩ nào đó lọt top trending trên Youtube. Hiện tại, top trending của Việt Nam đang là vị trí của các MV ca nhạc như “Nước mắt em lau bằng tình yêu mới” (Da LAB ft. Tóc Tiên), “Truyền thái y” (Ngô Kiến Huy), “Bước qua đời nhau” (Lê Bảo Bình)… Cá biệt, có sản phẩm lọt top trending của thế giới như “Hãy trao cho anh” (Sơn Tùng M-TP), lọt top 1 trending Youtube Hàn Quốc, top 2 trending Australia, top 3 trending tại Canada, top 4 trending tại Đài Loan, top 8 trending tại Mỹ khi ra mắt chỉ trong 2 ngày. Sơn Tùng cũng có nhiều MV liên tục đạt những kỷ lục về lượt xem và thường xếp top 1 trending ngay khi sản phẩm vừa “ra lò” như “Nơi này có anh”, “Lạc trôi”,...

Ca sĩ - Nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Trần Trung Quân nhận định, trending bắt đầu được quan tâm kể từ sau sản phẩm anh thực hiện cho hai học trò của mình là Min và Erik với MV “Ghen”. Kể từ sau đó, giới nghệ sĩ bắt đầu chú trọng vào yếu tố trending hơn. Theo đó, trending là những gì đang hot trên MXH, là sản phẩm video có nhiều lượt xem, lượt chia sẻ và bình luận trên Youtube và nhiều nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Zalo, Twitter… Thế giới đã nhìn nhận trending là một sự đánh giá rất mạnh của cộng đồng mạng. Để một sản phẩm lọt vào top trending và giữ được vị trí trong top thì sản phẩm thực sự phải có hiệu ứng. Do đó, khi nghệ sĩ có một sản phẩm lọt top trending là điều đáng tự hào. Tuy nhiên, có những sản phẩm giữ được vị trí trending lâu, có thể định hướng khán giả và càn quét các MXH khác, nhưng cũng có sản phẩm chỉ sau 1, 2 ngày sẽ bị loại khỏi top thịnh hành.

Trung Quân cho hay hiện nay, nhiều BXH âm nhạc cũng lấy từ trending để đánh giá. Sở dĩ, nhiều nghệ sĩ không quá chú trọng mục tiêu trên các BXH nhạc trực tuyến nữa mà dồn lực vào Youtube vì BXH âm nhạc chỉ trong một đơn vị của Việt Nam, còn Youtube là nền tảng của thế giới. Chưa kể, lượng người Việt hiện nay xem Youtube rất nhiều. Họ có nhu cầu không chỉ nghe mà còn xem, điều đó phần nào làm ảnh hưởng tới các BXH trực tuyến. Trending đánh giá được sự phổ cập, sức hút và sự quan tâm của khán giả dành cho một sản phẩm nhưng chưa chắc đánh giá được chất lượng. Nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng vẫn không lọt top trending.

“Trending có mặt tiêu cực là nhiều khi dễ người mua kẻ bán để kích lên một sản phẩm không có hiệu ứng thật bằng con số ảo. Tôi không khuyến khích điều này vì số tiền bỏ ra để đầu tư vào những con số ảo rất khủng khiếp. Thậm chí bằng tiền đầu tư mấy MV. Không nhiều ca sĩ có điều kiện để làm như thế, nhất là khi muốn giữ được trending lâu, phải thực sự có tiềm lực mạnh”, Nguyễn Trần Trung Quân chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.