Xem - ăn - chơi

Nhạc Việt pha tạp lời Tây: Tranh cãi không hồi kết

14/01/2016, 14:16

Câu chuyện bài hát Việt, ngôn ngữ Tây vẫn luôn là đề tài gây tranh cãi không có hồi kết.

Destiny_ Hồ Ngọc Hà.jp
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà.

Nhạc Việt “biến hình”

Câu chuyện người mẹ khi xem một chương trình ca nhạc có Hồ Ngọc Hà biểu diễn đã quay sang hỏi con gái mình: “Destiny là gì vậy con? Sao cô ca sỹ hát tiếng Việt mà tên bài lại là tiếng Anh?” được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi trong thời gian gần đây. Điều này khiến vấn đề nhạc Việt, lời Tây lại trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết.

Khoảng 5 năm trở lại đây, nhạc Việt có sự giao thoa rất lớn với các thể loại nhạc của Mỹ, Anh, Hàn… bởi vậy, rất nhiều ca khúc Việt cũng mang hơi hướng “lai” nhạc ngoại quốc, từ giai điệu, hòa âm phối khí… tới cách dùng từ. Việc đặt tiêu đề tiếng Anh cho bài hát cũng như sử dụng tiếng Anh trong các ca khúc từ đó cũng ngày càng phổ biến hơn. Trên bảng xếp hạng âm nhạc, dễ thấy hàng loạt bài hát nằm trong TOP đều là những ca khúc với tên tiếng Anh như: Destiny, Say you do, Really love you, I’m sorry babe…

Không chỉ sử dụng tên tiếng Anh, ca từ của nhiều ca khúc nhạc trẻ hiện nay cũng hay sử dụng những ngôn ngữ “ngoại lai” để tạo điểm nhấn hoặc để “diễn đạt những ý nghĩa mà tiếng Việt không thể truyền đạt được” (nhạc sỹ Phạm Toàn Thắng). Hầu hết các ca khúc có tên tiếng Anh thì các tên đó đều là những câu được sử dụng làm điểm nhấn trong ca khúc.

Dẫu vậy, vẫn có không ít ý kiến trái chiều xoay quanh việc phát triển như một “trào lưu” của những ca khúc thế này. Có người bênh vực đây là sự sáng tạo để phát triển chung cùng đà với âm nhạc thế giới, mang ý nghĩa hòa nhập và không chỉ có nhạc Việt cả nhạc Hàn, nhạc Trung… cũng đều sử dụng các ngôn ngữ “ngoại lai” như vậy trong bài hát. Trong khi đó, không ít người phản đối và quan điểm đã là nhạc Việt thì nên “thuần chủng”, Việt ra Việt, Anh ra Anh, nếu muốn dùng tiếng Anh trong ca khúc thì có thể phân chia thành hai phiên bản: Một tiếng Anh, một tiếng Việt, còn việc “lai căng” dễ khiến nhạc Việt bị “biến dạng”, “biến hình”.

Có cần phải tranh cãi?

Điểm mấu chốt gây tranh cãi trong câu chuyện “lai tạp” ngôn ngữ trong một bài hát chính là việc nhạc Việt nhưng nhiều người Việt nghe lại… không hiểu. Vì không phải ai cũng giỏi tiếng Anh để có thể hiểu ý nghĩa của các câu tiếng Anh được sử dụng. Bởi vậy, họ lên tiếng phê bình sự “sính ngoại”, “lai căng” của những người sáng tạo ra những ca khúc này.

Mỗi thể loại âm nhạc làm ra có một đối tượng khán giả riêng. Những người thích nghe nhạc thuần Việt thì sẽ luôn có những bài như thế của những tác giả nổi tiếng để phục vụ họ.

Còn nhạc ở thời buổi tiếp cận hiện đại, muốn vươn xa ra âm nhạc thế giới thì phải có những cách tiếp cận mới. Việc đặt lời ca khúc bằng tiếng Anh có thể thuận tiện hơn cho khán giả nước ngoài tìm kiếm ca khúc nếu họ thích và họ nghe sẽ hiểu được phần nào”.Nhạc sỹ Bảo Thạch

Nhạc sỹ Bảo Thạch cho rằng, chuyện viết nhạc Việt lời Tây là bình thường. Ở các nước châu Âu như Đức, Pháp… phổ biến bài hát song ngữ để dễ quảng bá. “Nhiều bài hát có những câu tiếng Anh rất lắng đọng, thậm chí có thể lột tả ý nghĩa hơn những câu tiếng Việt. Như bài Destiny của nhạc sĩ Đỗ Hiếu, nếu tựa tiếng Việt là Định mệnh nghe quá u uất, đặt Destiny khiến ca khúc tươi tắn hơn, phù hợp với nhạc dance của bài. Còn việc phát hành một bản tiếng Anh để quảng bá ra thế giới, ca sỹ Việt không phải ai cũng hát tốt tiếng Anh. Hát vài câu để bài hát lạ và hấp dẫn hơn, chứ ca khúc nào cũng làm hai phiên bản sẽ rất tốn kém”, Bảo Thạch phân tích.

Thực tế, việc “sính ngoại” trên có đáng lên án khi âm nhạc của Việt Nam ngày nay đang dần được nhiều khán giả nước ngoài thích thú và quan tâm? Nhưng cũng có không ít người coi “sính ngoại” là làm mất “sự trong sáng của tiếng Việt”. Nhạc sĩ Bảo Thạch thẳng thắn: “Rất khó để chiều ý tất cả thế hệ và tầng lớp khán giả hiện nay.

Tôi nghĩ để làm ra một sản phẩm cần phải kết hợp những điều mình muốn làm và những điều công chúng thích. Những ý kiến trái chiều chỉ nên tiếp thu, nếu ý kiến đó đúng đắn và tốt cho mình thì sẽ sửa, còn nếu đó là ý kiến chủ quan thì cũng không cần câu nệ. Cố gắng chiều theo ý tất cả mọi người sẽ chỉ làm ra một sản phẩm hỗn tạp, không có chất riêng của mình”.

Rõ ràng, khán giả là những người công tâm nhất trong việc chọn lọc những sản phẩm văn hóa phù hợp để phát triển bản sắc dân tộc, nhưng không có nghĩa ai cũng có quyền áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Nghệ thuật là sự sáng tạo. Vấn đề ở đây là sáng tạo ra sao và như thế nào để có thể phát triển mà vẫn giữ được bản sắc riêng mới là quan trọng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.